Bí ẩn "bàn chân tiên" dưới chân núi Đọ

Dòng chảy - Ngày đăng : 11:55, 07/12/2021

Người dân quanh núi Đọ thường truyền tai nhau về những câu chuyện cổ tích mang đậm nét huyền bí liên quan đến núi Đọ. Trong đó, câu chuyện xoay quanh "bàn chân tiên" vẫn là những điều kỳ bí.

Núi Đọ nằm trên địa bàn 3 xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa), Thiệu Vân, Thiệu Khánh (thành phố Thanh Hóa). Nhìn xa, ngọn núi trông giống hình con rùa, dân gian thường gọi là "Linh quy hí thủy". Nơi đây chứa đựng nhiều câu chuyện kỳ bí, đặc biệt là sự tích về "bàn chân tiên".

Dưới chân núi Đọ thuộc xã Thiệu Vân, trong vườn gia đình anh Đỗ Văn Toản có một tảng đá lớn, trên tảng đá là hình một "bàn chân người khổng lồ", người dân quanh vùng vẫn gọi đó là "bàn chân tiên".

Bí ẩn bàn chân tiên dưới chân núi Đọ - 1

Núi Đọ dáng giống hình con rùa nên còn có tên gọi khác là Linh quy hí thủy.

Theo anh Toản, khi gia đình chuyển về đây ở đã có tảng đá này rồi. "Những năm đó, thi thoảng tôi lại thấy một số người đến khu vườn nhà xem hình vết chân trên phiến đá rồi tò mò hỏi về khu vườn này có gì khác thường không. Không biết thực hư câu chuyện về "bàn chân tiên" này ra sao nhưng họ truyền tai nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác về một bàn chân linh thiêng", anh Toản kể lại.

Theo nhiều vị cao niên trong làng, khi họ sinh ra và lớn lên đã thấy dấu chân này trên tảng đá. Người xưa đồn đoán về "dấu chân của người khổng lồ" từ xa xưa đến bạt núi, san đồi cho làng xóm mọc lên, mà dân gian hay gọi ông Vồm. Nhiều năm qua, câu chuyện về "vết chân tiên" được truyền tụng khiến nhiều người đã kéo về đây để được tận mắt chiêm ngưỡng.

Bí ẩn bàn chân tiên dưới chân núi Đọ - 2

Tảng đá trong vườn gia đình anh Toản nằm dưới chân núi Đọ có in hình "bàn chân khổng lồ".

Qua quan sát trên tảng đá thấy vết lõm in hình 5 ngón chân, khoảng cách giữa các ngón khá lớn. Đặc biệt ngón chân cái rất to và nằm quay ngang, chĩa hẳn ra ngoài. Gót chân cũng to hơn nhiều lần nếu so với bàn chân người bình thường.

Theo anh Toản, trước đây khá rõ nét giống như bàn chân thật. Tuy nhiên cách đây mấy năm có một cán bộ ở Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đến đây xin đổ thạch cao vào vết chân để lấy biểu tượng rồi đúc tượng gì đó nên đến nay vết lõm không còn nguyên vẹn như trước.

Cũng theo anh Toản, ngày bố anh còn sống, ông kể rằng các nhà khoa học đã từng về đây và nghi ngờ dấu chân này là do người Việt cổ đánh dấu, in lên đó để báo cho những người đến sau biết.

"Do nhiều người đồn đoán về những điều thần thánh, thiêng liêng nên nhiều người dân tin rằng, ai hiếm muộn muốn có con chỉ cần đến ướm bàn chân mình vào bàn chân trên tảng đá là sẽ toại nguyện. Vì thế, họ đã tìm đến đây để cầu con. Thế nhưng, tất cả những lời đồn đoán đều không có căn cứ", anh Toản nói.

Bí ẩn bàn chân tiên dưới chân núi Đọ - 3

Vết chân tiên này với rất nhiều câu chuyện kỳ bí xoay quanh.

Anh Toản cho biết thêm, vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi bố anh còn sống, đã có các nhà khoa học về khai quật quanh khu vực núi Đọ và trong khu vườn quanh tảng đá có dấu chân này.

Qua khai quật đã phát hiện nhiều hiện vật quý của người Việt cổ. Hàng trăm dụng cụ sinh hoạt của người Việt cổ như: Rìu đá, bát đĩa, bình gốm, dao, kiếm… đã được tìm thấy. Các nhà khoa học cho rằng đây là nơi bắt nguồn đầu tiên của người Việt cổ ở Thanh Hóa trước khi di dời đến các nơi khác.

"Có lần trong lúc đào móng làm nhà, tôi phát hiện một cái am bằng gạch nung, lúc đó có một tốp chuyên đào đồ cổ đến xin đào, tình cờ tìm thấy một thanh kiếm, vỏ bằng gỗ, thân sắt, không có họa tiết", anh Toản nói.

Bí ẩn bàn chân tiên dưới chân núi Đọ - 4

Vết chân khổng lồ với những câu chuyện thêu dệt khiến nhiều du khách tò mò tìm đến xem.

Quanh khu vực vườn của gia đình anh Toản, cạnh "vết chân tiên", người dân phát hiện một viên đá dựng, đào lên xuất hiện một số chum sành, mỗi chum đều được đậy nắp, nhưng không có gì. Còn tại phía Đông Nam của núi Đọ, người dân còn phát hiện khu mộ táng cổ thuộc giai đoạn Hán - Đường...

Ông Lê Văn Ước, Công chức văn hóa xã Thiệu Khánh cho biết, núi Đọ còn có tên gọi khác là "Linh quy hí thủy", do nhìn từ xa ngọn núi giống như con rùa, sau núi có con sông Chu.

Trước đây, nghe các cụ nói bàn chân này là bàn chân trái còn có một bàn chân phải nằm ở ngọn núi bên cạnh cách đây 100 m về phía Đông. Tuy nhiên, nơi đó, người dân san núi làm nhà ở đã rất lâu nên bàn chân đó bị thất lạc. Chúng tôi có tổ chức tìm nhưng không thấy. Ở chân núi Đọ, phía dưới của hòn đá có bàn chân tiên là cồn chân tiên, người ta đã khai quật được rất nhiều dụng cụ thời đồ đá như rìu, kiếm… hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh", ông Ước cho biết.

Cũng theo ông Ước, nhiều năm qua có các đoàn chuyên gia, Viện khảo cổ, khách du lịch, nguyên lãnh đạo Trung ương... cũng về để thăm núi Đọ - nơi ghi dấu tích của người Việt Cổ và nơi có bàn chân tiên.

Có thể nói, núi Đọ với "vết chân tiên" từ lâu đã trở thành câu chuyện nhuốm màu cổ tích, "thực thực, hư hư", truyền từ đời này sang đời khác.

Bình Minh