Núi lửa Semeru phun trào: Thi thể mẹ ôm con vùi lấp dưới dung nham

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:39, 06/12/2021

Tại hiện trường, nhà cửa và xe cộ gần như bị nhấn chìm hoàn toàn bởi lớp tro dày, xám xịt, cây đổ chắn ngang đường, cảnh tượng không khác gì ngày tận thế.

Theo Reuters, ngày 5/12, Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB) cho biết, 10 người bị mắc kẹt sau khi núi lửa Semeru phun trào đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Số người chết do thảm họa tăng lên ít nhất 14 người, hàng chục người khác bị thương.


Hình ảnh núi lửa phun trào tại Indonesia

Trước đó, vào hôm 4/12, Semeru, ngọn núi cao nhất ở đảo Java đã hoạt động trở lại, ném lên không trung những cột khói tro bụi và những đám mây nóng bao trùm các ngôi làng gần đó ở tỉnh Đông Java khiến mọi người bỏ chạy trong hoảng loạn.

Vụ phun trào núi lửa chôn vùi nhiều ngôi nhà, đồng thời phá hủy một cây cầu chiến lược nối hai khu vực ở quận Lumajang gần đó với thành phố Malang.

Hãng thông tấn Antara đưa tin, lực lượng cứu hộ ở làng Curah Kobokan, huyện Lumajang trong quá trình giải cứu các nạn nhân tìm thấy thi thể của một người mẹ, tay vẫn đang ôm con dù bị dung nham vùi lấp.

Núi lửa Semeru phun trào: Thi thể mẹ ôm con vùi lấp dưới dung nham-1
Tro bụi từ núi lửa bao phủ mọi thứ. Ảnh Reuters.

Chia sẻ với truyền thông địa phương, nhân chứng tại hiện trường cho biết, nhà cửa và xe cộ gần như bị nhấn chìm hoàn toàn bởi lớp tro dày, xám xịt, cây đổ chắn ngang đường, cảnh tượng không khác gì ngày tận thế.

Một nhân chứng khác chia sẻ trên Reuters nói rằng tại khu vực Sumberwuluh, lớp tro xám dày đặc bao phủ những ngôi nhà bị hư hại, trong khi các tình nguyện viên cố gắng ngăn cản những người lái xe muốn trở về nhà của họ gần Semeru.

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải Indonesia, vụ phun trào không gây gián đoạn các chuyến bay, mặc dù các phi công đã được cảnh báo để đề phòng tro bụi.

Núi lửa Semeru phun trào: Thi thể mẹ ôm con vùi lấp dưới dung nham-2
Nhà cửa bị phá hủy do núi lửa phun trào. Ảnh Reuters. 

Được biết, Semeru cao hơn 3.600 mét (12.000 feet), là một trong gần 130 núi lửa đang hoạt động của Indonesia. Semeru vẫn được Indonesia đặt ở mức báo động cao thứ hai kể từ lần phun trào nghiêm trọng vào tháng 12/2020 buộc hàng ngàn người phải tháo chạy.

Trước đó, vào năm 2010, một vụ phun trào của núi lửa Merapi trên đảo Java đã giết chết hơn 350 người và 400.000 người phải di dời.

HT (t/h)
Theo Vietnamnet