Lý do bất ngờ Adidas đóng cửa nhà máy sử dụng robot tại Đức, sang Việt Nam
Xã hội - Ngày đăng : 11:39, 06/12/2021
Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao về Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại Hà Nội ngày 6/12 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, TS. Mary C. Hallward Driemier, Cố vấn kinh tế cấp cao về tài chính, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo (Ngân hàng Thế giới - WB) cho biết, dẫu thế giới đang có xu hướng đi vào công nghệ 4.0, nhưng ở các ngành công nghệ khác nhau, sự ứng dụng công nghệ khác nhau và cần có sự sàng lọc để thành công.
Đại diện WB khẳng định, việc xác định được thành tựu ứng dụng công nghệ 4.0 vào những lĩnh vực nào để có giá trị gia tăng tốt sẽ giúp các quốc gia tránh được việc đầu tư dàn trải.
Nước lợi thế về lao động, nhân lực sẽ thất thế?
"Các ngành khác nhau đang đối mặt thách thức khác nhau, Việt Nam hiện có một số ngành quan trọng như xuất khẩu ứng dụng, đây là cơ hội cho ứng dụng công nghệ mới. Để tận dụng được thời cơ và vượt qua thách thức, khuôn khổ chính sách của Việt Nam cần phải dựa trên 3 chữ C: Capability (năng lực), Competition (cạnh tranh), Connection (kết nối) để sản sinh ra những mô hình kinh doanh mới", bà Mary C. Hallward - Driemier nói.
Theo đại diện của WB, nhân lực, kỹ năng số, khả năng hấp thu công nghệ, thích ứng, linh hoạt trong tương lai quyết định sự thành công của một quốc gia, đây là nhân tố tổng hợp đảm bảo sự chuyển đổi của nền kinh tế thành công.
Lý giải về việc ứng dụng robot hóa, tự động có thể thay thế nhân công và các nước có lợi thế về nhân lực, lao động và tiền lương thấp sẽ thất thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược, bà Mary C. Hallward - Driemier cho rằng điều này chưa hẳn đúng.
Đại diện của WB dẫn minh chứng: Hãng giày thể thao hàng đầu thế giới là Adidas từng xây dựng nhà máy sản xuất giày bằng robot tự động tại Đức. Tuy nhiên, tháng 4/2020 hãng này tuyên bố đóng cửa để chuyển sang Việt Nam, bởi nơi đây gần chuỗi cung ứng.
Bà Mary C. Hallward Driemier cho rằng, việc Adidas dùng công nghệ robot để sản xuất giày nhưng phải đóng cửa ngay sau đó cho thấy không phải ngành, lĩnh vực nào cũng áp dụng thành công tự động hóa. Đồng thời, các quốc gia đang có lợi thế về địa chính trị kinh tế, lợi thế về năng lực con người sẽ bất lợi trong cuộc đua về công nghệ mới, tự động hóa.
"Điều quan trọng là Việt Nam cần đảm bảo năng lực kinh tế, dịch vụ tốt hơn để gia tăng tính cạnh tranh trong những ngành có thế mạnh, lợi thế của mình. Cách mạng Công nghiệp 4.0 không phải nguy cơ mà tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh, tính kết nối, giá trị trong tương lai", bà Mary C. Hallward Driemier nói.
Tại Diễn đàn, bà Caitlin Wiesen Antin, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, đại dịch vừa qua đã khiến nhiều hộ mất thu nhập trong đại dịch và các gói hỗ trợ chưa đủ rộng, đủ lớn bao phủ hộ gia đình.
Theo đại diện UNDP, Việt Nam, chuyển đổi số đang thay đổi cấu trúc kinh tế - xã hội cơ bản, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn nhưng có rủi ro ứng dụng công nghệ số.
Khảo sát PAPI cho thấy rằng có khoảng cách rất lớn truy cập internet với dịch vụ công, chỉ 45% người dân sử dụng dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử (năm 2020), điều này gây khó khăn cho đồng bào dân tộc để hướng tới phát triển bền vững.
Hỗ trợ nhà ở, phương tiện cho lao động di cư
Theo bà Caitlin Wiesen Antin, Việt Nam cần tăng cường phát triển bao trùm cho trẻ em, phụ nữ, hướng tới tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế và hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0 bền vững.
Đại diện UNDP cho rằng, biến động của thế giới đương đại nhắc nhở thế giới có thể có những đại dịch khác nhau, mỗi quốc gia cần thích ứng với thực trạng bình thường mới và có chính sách để chúng ta có thể dự báo và sẵn sàng thích ứng với tình hình mới.
"Nhiều công ty hiện nay gặp phải tình trạng thiếu công nhân, do di biến động lao động do dịch bệnh. Với những khó khăn, thách thức mà người lao động di cư đang gặp phải, Nhà nước cần hỗ trợ phương tiện cho người lao động quay trở lại khu công nghiệp, hỗ trợ nhà ở, ổn định cuộc sống để đảm bảo ổn định nguồn lao động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất do biến động đại dịch", bà Caitlin Wiesen Antin nói.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao cần nhất quán, trong đó phát triển con người là gốc rễ. Muốn đào tạo nhân lực 4.0 cần có nền giáo dục 4.0, nếu không đạt được thì khó kỳ vọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Sơn, cần kết hợp chặt chẽ doanh nghiệp và trường đại học trong công tác đào tạo nhân lực 4.0, trong đó cần tăng cường kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh.
Ông Sơn đề nghị hỗ trợ kịp thời cho hơn 70.000 sinh viên bị chậm tốt nghiệp do dịch Covid-19 để giải quyết nhân lực trước mắt trong giai đoạn năm 2022-2023 cho nền kinh tế.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, với mục tiêu năm 2030, phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách CNH, HĐH phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về CNH, HĐH. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ", ông Trần Tuấn Anh cho biết.
An Linh