Nông dân thích ứng dần với việc đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 08:01, 05/12/2021
Cơ sở sản xuất nhỏ thay đổi cách bán hàng
Chị Lâm Thị Thanh, chủ Cơ sở sản xuất bán tráng Út Yến ở tỉnh Tây Ninh cho biết, trước đây, các sản phẩm bánh tráng phơi sương, muối ớt Tây Ninh của chị chỉ bán lẻ quanh quẩn trong tỉnh. Trong 4 năm tham gia chương trình kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành, chị có thêm nhiều khách hàng ở các tỉnh Đông- Tây Nam bộ. Sản lượng hàng chị bán được tăng gấp đôi so với trước. Vì vậy, chị tiếp tục tham gia và từ giờ sẽ đưa hàng hóa lên website, lên sàn thương mại điện tử của chương trình.
“Trước mình chưa tham gia chưa tham gia chương trình này thì chỉ bán hàng lẻ trong tỉnh. Từ lúc tham gia chương trình kết nối cung cầu thì thấy hiệu quả, có khách hàng nhiều ở các tỉnh khác. Mình dự định sẽ đưa hình ảnh sản phẩm lên trang website thương mại của sở để có thêm khách hàng”, chị Lâm Thị Thanh chia sẻ.
Trong đợt dịch bệnh này, nhờ sự kết nối của Sở Công thương TP.HCM, Cơ sở sản xuất rượu Thanh long Bảo Long ở tỉnh Bình Thuận cũng đã đưa hàng lên bán ở các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada và có nhiều khách đặt khách hàng. Anh Nguyễn Ngọc Bảo, chủ cơ sở này cho rằng, đối với những cơ sở sản xuất nhỏ và nông dân, cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cách thức, công nghệ của cơ quan chức năng thì mới có thể tham gia các website và sàn giao dịch thương mại điện tử. Vì nhiều người cũng chưa rành lắm công nghệ, phương thức giao dịch bước đầu còn khó khăn.
“Bà con nông dân chưa nắm được công nghệ thông tin nhiều, có thể làm website đơn giản nhất để đưa sản phẩm lên có thể dùng 2-3 cái click chuột nhanh nhất thì mình đưa được hình ảnh, thông tin lên, không phải trải qua những thao tác rườm rà phức tạp. Khi giỏ hàng có đặt hàng thì đưa về email nhanh nhất”, anh Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.
Hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm lên sàn
Qua sự kết nối của Sở Công Thương TP.HCM, hiện nay, một số sàn thương mại điện tử cũng đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh, nông dân, hợp tác xã ở các tỉnh, thành bán hàng qua kênh này.
“Hiện nay, Shopee đang có chương trình Shopee Farm, chúng tôi làm việc sát với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Công Thương để giúp người nông dân, hợp tác xã tiếp cận khách hàng trên Shopee. Chúng tôi đang hỗ trợ và huấn luyện cho nông để họ hiểu hơn hình thức bán hàng và công cụ này”, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho hay.
Đồng thời, chính các tỉnh thành cũng đang nỗ lực hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và nông dân của mình cách tiếp cận và đưa sản phẩm lên các website thương mại.
“Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ cần gửi thông tin sản phẩm thì Sở Công Thương sẽ có nhân viên làm toàn bộ thủ tục việc đưa hình ảnh, thông tin giới thiệu sản phẩm lên website. Khi doanh nghiệp cần mua thì vào website: kigi.com.vn sẽ tìm thấy sản phẩm và số điện thoại của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mà họ cần kết nối”, bà Nguyễn Ngọc Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết thêm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trưng bày, triển lãm giới thiệu hàng hóa, kết nối, ký kết với đối tác trên website www.ketnoicungcau.vn và các gian hàng triển lãm thực tế ảo. Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục phối hợp với Tiki, Sendo, Shopee, Lazada… hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cung ứng tham gia sàn thương mại điện tử, mở rộng kênh phân phối. Bên cạnh đó, thành phố sẽ có địa điểm để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành giới thiệu sản phẩm trực tiếp với khách hàng nếu cần thiết.
“Sở Công Thương dự kiến khai thác sử dụng Trung tâm Tư vấn hỗ doanh nghiệp làm Văn phòng đại diện và địa điểm giao dịch cho Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành. Sở hỗ trợ cho các tỉnh có điểm thuận lợi doanh nghiệp các tỉnh kết nối với các nhà phân phối và trưng bày giới thiệu hàng hóa, sản phẩm mới với khách hàng thường xuyên, liên tục”, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin.
Qua dịch bệnh, phương thức sản xuất, kinh doanh và thói quen mua sắm, tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, nông dân của nhiều địa phương đang dần thích ứng với tình hình mới, từng bước đưa sản phẩm lên website, sàn thương mại điện tử và các kênh phân phối online khác để đẩy mạnh tiêu thụ./.