ĐH Bách khoa Hà Nội và nhiều trường công bố đề án tuyển sinh
Xã hội - Ngày đăng : 09:17, 04/12/2021
Theo đó, 3 phương thức tuyển sinh của ĐH Gia Định là xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (với điểm xét tuyển dự kiến là từ 15 điểm); xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; và xét kết quả học bạ THPT.
Ở phương thức xét kết quả học bạ THPT, ĐH Gia Định công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của chương trình đào tạo đại trà từ 16,5 điểm; chương trình đào tạo tài năng từ 18 điểm. Mức điểm này là tổng điểm của học kỳ 1 và học kỳ 2 năm lớp 11 cùng điểm học kỳ 1 năm lớp 12.
Dự kiến, ĐH Gia Định dành 48% chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT và 50% chỉ tiêu cho phương thức lấy kết quả học tập THPT.
Trong đề án tuyển sinh, nhà trường cũng mở thêm chương trình đào tạo tài năng ở 5 ngành học là Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing và Ngôn ngữ Anh.
Năm 2022, ĐH Công nghiệp TP.HCM có 4 phương thức tuyển sinh là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng; xét kết quả học tập THPT năm lớp 12; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; và xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trong đó, phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chiếm 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu ở phương thức xét kết quả học tập bậc THPT năm lớp 12 là 20 điểm.
Mùa tuyển sinh năm 2022, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng 4 phương thức xét tuyển gồm xét học bạ; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và xét tuyển thẳng.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu là 2.800 sinh viên. Ngành có chỉ tiêu lớn nhất của trường là Dược học với 150 chỉ tiêu.
Hội đồng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo dự kiến 3 phương thức tuyển sinh năm 2022 là xét tuyển tài năng; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy; và xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong đó, phương thức xét tuyển tài năng của trường bao gồm xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; xét kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Tổng chỉ tiêu dự kiến của ĐH Bách khoa Hà Nội là 7.500. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy chiếm 60 đến 70% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Thí sinh sẽ tham gia dự thi ở các môn Toán - Đọc hiểu - Tiếng Anh và Khoa học tự nhiên hoặc Toán - Đọc hiểu - Khoa học tự nhiên.
"Phương châm của kỳ thi đánh giá tư duy là tổ chức gọn nhẹ, không gây áp lực cho thí sinh, thiết kế trong vòng 1 ngày và dự kiến tổ chức ở 4 địa điểm là Hà Nội, Hải Phòng, Vinh và Phú Thọ. Mặc dù đề thi được thiết kế trong khuôn khổ khối kiến thức bậc THPT nhưng tính phân loại chắc chắn sẽ cao hơn đề thi THPT những năm gần đây", PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nói.
(Nguồn: Zing News)