Đôi trẻ Sài Gòn làm đám cưới online kết nối bốn điểm cầu
Gia đình - Ngày đăng : 16:22, 03/12/2021
Sáng 30/11, cô dâu Lê Nguyệt Tú Anh, 29 tuổi, mặc áo dài trắng, trang điểm nhẹ nhàng được dì ruột dẫn tay ra phòng khách. Ở cửa, anh Trần Thư Hoàng, 31 tuổi, đứng đợi sẵn, bước đến nắm chặt tay cô rồi tiến về nơi làm lễ.
Tú Anh nói, sau khi hết giãn cách, gia đình hai bên thống nhất ngày cưới cho đôi trẻ vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, đến gần ngày cưới quê cô dâu lại ghi nhận các ca nhiễm mới, trong khi một số họ hàng chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Vì lịch tổ chức đám cưới đã định từ lâu nên cô và chồng cũng không có ý định hoãn mà chuyển sang hình thức online, thay vì đám cưới offline trong sự lo lắng.
Khi màn hình máy chiếu tại phòng khách bắt đầu kết nối với ba điểm cầu, nhà bố mẹ chú rể (quận 10, TP HCM), nhà bố mẹ cô dâu ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), nhà ông bà nội và họ hàng của cô dâu ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định).
Hình ảnh các đầu cầu hiện lên đầy đủ, không khí trong lễ đường cũng trở nên sôi động bởi tiếng cười nói, lời chúc phúc từ họ hàng hai bên.
Tuy có chút nuối tiếc vì không được tổ chức trực tiếp, nhưng Tú Anh cho biết, cô và gia đình chồng quen biết đã từ lâu, cô xem gia đình chồng như gia đình của mình, nên gia đình đôi bên hoàn toàn đồng ý cho hai vợ chồng cô tổ chức online.
"Những ngày qua, tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn và Bình Định vẫn diễn biến phức tạp. Người thân của mình ở Bình Định vẫn chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, nên việc đi lại rất bất tiện.
Hơn nữa, nếu chúng mình tổ chức đám cưới trực tiếp, đặt tiệc linh đình như thời bình thường sẽ có rất nhiều rủi ro, nhỡ ai đó test nhanh ra dương tính cả đám cưới sẽ phải hoãn, như vậy rất buồn và không nên", cô dâu Tú Anh nói.
Dù lễ cưới không được tổ chức trực tiếp, không được thủ thỉ với mẹ trước ngày cưới, hay không được bố dẫn tay vào lễ đường khiến Tú Anh có phần chạnh lòng, nhưng không vì thế mà lễ cưới của cô mất đi không khí của ngày chung đôi.
Các nghi lễ thông thường của một đám cưới, từ lễ xin dâu, bái gia tiên, trao nhẫn cưới, cho đến bố mẹ đôi bên dặn dò hai con đều được diễn ra qua ứng dụng Zoom.
Sau gần một giờ đồng hồ diễn ra hôn lễ, trước sự chứng kiến của vợ chồng cô, dì ruột của Tú Anh và ekip tổ chức sự kiện. Buổi lễ được diễn ra ấm cúng, không gian chính của đám cưới cũng như phòng khách được trang trí ngập tràn hoa, nến và có sự hiện diện của cả cô dâu và chú rể.
Còn ở ba điểm cầu người thân cùng theo dõi đám cưới qua màn hình TV, máy tính.
"Quyết định tổ chức lễ cưới online khiến mình lo lắng, chỉ sợ lúc làm lễ chẳng may mất điện hay đường truyền internet không ổn định. May mắn, buổi lễ diễn ra êm đẹp, tuy âm thanh có lúc bị vọng lại, nên khó nghe đôi chút, nhưng không ảnh hưởng tới không khí của một ngày hạnh phúc.
Điều khiến mình xúc động nhất trong hôn lễ, là lúc cô dâu chú rể vái vọng gia tiên, bố mẹ mình chỉ biết nhìn từ xa và không cầm được nước mắt khiến mình rất thương. Đây là lần đầu tiên mình thấy bố khóc...", cô dâu chia sẻ.
Sau buổi lễ được tổ chức gọn nhẹ qua màn hình, Tú Anh và Thư Hoàng cùng ekip dựng một phim trường để chụp bộ ảnh cưới từ chính ban công và từng góc nhỏ trong căn phòng.
Tú Anh nói, ekip trang trí không gian cưới đã rất tinh tế sắp xếp từng đóa hoa, ngọn nến, bóng đèn để vợ chồng cô tự tin thực hiện một bộ ảnh kỷ niệm đáng nhớ nhất đời mình.
"Ban công căn hộ của chúng mình có hướng nhìn ra tòa nhà Landmark 81, các bạn chụp hình đã làm cho không gian ấm áp hơn khi bày trí hoa tươi, ánh sáng. Có lẽ, đây là bộ ảnh tràn đầy cảm xúc hạnh phúc của vợ chồng mình từ trước tới nay, bởi nó được thực hiện ngay chính tổ ấm bé nhỏ của tụi mình", Tú Anh bộc bạch.
Được biết, cô dâu Tú Anh đang là giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ và giảng viên một trường đại học tại TP.HCM. Còn chú rể Thư Hoàng làm việc trong ngành công nghệ thông tin của một công ty có trụ sở tại Hồng Kông.
Do dịch bệnh ảnh hưởng, cả hai đang làm việc online tại nhà. Qua hôn lễ được tổ chức online của mình Tú Anh nhận thấy rằng, không nhất thiết phải tổ chức đám cưới hoành tráng với tiệc cỗ thật lớn mới là hoàn hảo. Họ trân trọng những khoảng thời gian được ở gần nhau.
"Dịch bệnh có thể ngăn cản chúng ta về khoảng cách nhưng không thể ngăn được tình yêu. Chỉ cần bạn tin vào nó thì không có gì là không thể.
Đặc biệt, chúng ta luôn có gia đình ở bên dù bất cứ hình thức nào, chỉ cần mình hạnh phúc, chắc chắn gia đình đôi bên cũng sẽ vui và yên lòng", Tú Anh bày tỏ.
Hoài Trang