Xả lũ khiến nước lên nhanh "chưa từng thấy" ở Phú Yên: Thủy điện nói gì?
Xã hội - Ngày đăng : 13:19, 03/12/2021
Chỉ trong vòng 7 giờ (từ 8h đến 15h ngày 30/11), thủy điện Sông Ba Hạ (xã Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) đã nâng lượng xả lũ về sông Ba từ 4.000 m3/s lên 9.000 m3/s. Đây là mức xả lũ tăng lưu lượng nhanh hiếm thấy của đơn vị này.
Người dân thôn Thạnh Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) - nơi gần như gánh chịu nặng nề nhất về việc xả lũ nhanh bất thường của thủy điện Sông Ba Hạ - cho rằng, nước lũ năm nay không bằng đỉnh lũ lịch sử năm 1993, nhưng lũ lên rất nhanh. Người dân chỉ kịp bỏ chạy, tài sản gần như để lại, mặc lũ tàn phá.
"Chỉ trong chốc lát, nước đã ngập quá đầu gối, tràn vào nhà. Thấy lũ dữ, tôi và vợ phải chạy gần 5 km lên khu vực cao hơn để giữ mạng sống, còn tài sản lũ đều làm hư hỏng" - ông Nguyễn Xía trú thôn Thạnh Hội nói.
Theo ông Phạm Đình Phụng - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên), lúc 8h sáng 30/11, thủy điện Sông Ba Hạ báo sẽ khẩn cấp xả lũ từ 7.000 m3/s đến 9.000 m3/s, thủy điện Sông Hinh xả 1.500 m3/s đến 2.000 m3/s, còn hồ Suối Vực xả gần 300 m3/s.
"Như thế tổng về vùng hạ du tại 2 địa bàn vùng trũng của huyện Sơn Hòa là xã Sơn Hà và thị trấn Củng Sơn phải "gánh" gần 11.300 m3/s nước lũ. Tốc độ nước đổ về rất nhanh, người dân không thể trở tay kịp, từ 10h sáng đến 13h chiều là hoàn toàn ngập. Chúng tôi chủ yếu cứu lấy người là chính, tất cả tài sản, heo bò, gia cầm, lúa thóc, tivi, tủ lạnh hoàn toàn ngập trong nước" - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa nói.
Ông Phạm Đình Phụng đánh giá, tình hình lũ năm nay xấp xỉ đỉnh lụt lịch sử năm 1993, nhưng năm 1993 thì lũ ngập từ từ, còn năm nay ngập nhanh "không kịp trở tay", như tại thôn Thạnh Hội lũ cao nhất là 6m.
Nói về việc xả lũ tăng nhanh bất thường của hồ thủy điện Sông Ba Hạ, ông Trần Lý - Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ - cho rằng, trước thời điểm công ty xả lũ, trên vùng thượng nguồn xuất hiện mưa cực đoan trên 450 mm. Sau đó, một số thủy điện xả lũ và chảy qua tràn với lượng nước gần 9.000 m3/s, khiến một lượng nước khổng lồ đổ về hồ.
"Thủy điện Sông Ba Hạ (điểm cuối cùng trên sông Ba) vốn là một hồ thủy điện không có khả năng tích nước, nên lũ về nhanh. Chúng tôi đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Phú Yên các mức xả lũ và khi có lệnh đồng ý chúng tôi mới xả. Chúng tôi luôn tuân thủ quy định về điều hành liên hồ chứa không có việc xả không đúng gây ảnh hưởng nặng nề cho hạ du" - ông Trần Lý cho hay.
Nói thêm về nguyên nhân lũ lên nhanh, Tổng Giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ nhận định, ngoài lượng xả lũ lớn thì trong gần một tháng nay Phú Yên xảy ra mưa lớn, dai dẳng nên các vùng hạ du gần như đã "no nước".
Ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết, tại thời điểm ngày 30/11, do mưa rất to nên 2 hồ thủy điện phía trên xả nước về hồ Sông Ba Hạ một lượng quá lớn, khiến tỉnh bất ngờ. Từ đó, Phú Yên quyết định điều hành xả lũ linh hoạt, khi triều chưa đạt đỉnh thì cho xả tối đa và giảm dần để cân bằng lượng nước khi thủy triều lên.
Theo đó, Phú Yên đã cho Sông Ba Hạ xả lũ lên mức 9.000 m3/s vào lúc 15h chiều 30/11, sau đó cứ 30 phút giảm 1.000 m3/s liên tục đến 18h cùng ngày. Việc làm này để tránh triều cường xuất hiện vào 19h và đạt đỉnh lúc 21h cùng ngày.
"Nếu không điều hành xả lũ linh hoạt, để xả lũ liên tục khi triều cường đạt đỉnh thì vùng hạ du có thể chịu thiệt hại nặng nề hơn" - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhận định.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, mưa lũ lịch sử ở Phú Yên đã làm 9 người chết, gần 30.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó riêng TP Tuy Hòa (khu vực hạ du Sông Ba) có gần 21.000 nhà.
Lũ cũng làm hàng ngàn ha hoa màu, tài sản, lương thực, thực phẩm của người dân Phú Yên bị cuốn trôi, hư hỏng, thiệt hại rất nặng nề.
Trung Thi