Grab chính thức IPO tại Mỹ, kỳ vọng vốn hóa 40 tỷ USD
Cuộc sống số - Ngày đăng : 13:18, 03/12/2021
Chính thức IPO
Grab sẽ IPO vào ngày 2/12 tại Mỹ, sau khi đạt được thoả thuận sáp nhập với Altimeter Growth, một công ty SPAC hồi tháng 4. Việc niêm yết trên sàn Nasdaq bằng “cửa sau” đánh dấu bước phát triển mới của công ty 9 năm tuổi đến từ Singapore, xuất thân từ ứng dụng gọi xe và hiện có mặt trên khắp 465 thành phố ở 8 quốc gia, cung cấp cả dịch vụ vận chuyển thực phẩm, thanh toán, bảo hiểm và các sản phẩm đầu tư.
Vụ IPO của Grab được kỳ vọng là vụ IPO lớn nhất tại Phố Wall của một công ty Đông Nam Á và sẽ nâng vốn hóa Grab lên 40 tỷ USD.
Grab là siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á. (Ảnh: CNN) |
Các nhà phân tích cho rằng, thị trường dịch vụ vận chuyển thực phẩm và tài chính tại Đông Nam Á còn phân mảnh do có nhiều người chơi. Bất chấp tiềm năng của khu vực 650 triệu dân, sẽ mất thời gian dài để đạt mục tiêu lợi nhuận.
S&P Global Ratings đánh giá việc phát hành cổ phiếu sẽ là “cú hích” tiền mặt rất lớn để công ty tiếp tục “đốt tiền”. Tuy nhiên, “tín dụng của công ty tiếp tục bị ảnh hưởng do hoạt động thua lỗ và dòng tiền vận hành sẽ âm trong 12 tháng tới”.
Nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á được ước tính sẽ tăng gấp đôi quy mô, đạt giá trị 360 tỷ USD vào năm 2025, là điều kiện để các công ty, kể cả đối thủ của Grab, như Sea và GoTo, nâng cao sức mạnh. Nguồn tin của Reuters cho biết GoTo có kế hoạch IPO tại Indonesia sau khi hoàn tất vòng gọi vốn 2 tỷ USD vào năm 2022, trước khi niêm yết tại Mỹ.
“Lộc lá” cho nhà đầu tư
Grab do Anthony Tan và Tan Hooi Ling thành lập, dựa trên một ý tưởng trong cuộc thi tại trường Harvard Business năm 2011. CEO Tan, 39 tuổi, đã mở rộng địa bàn hoạt động của Grab ra khu vực, cùng nhiều dịch vụ đi kèm, sau khi giới thiệu ứng dụng taxi công nghệ ở Malaysia vào năm 2012. Sau đó, công ty chuyển trụ sở sang Singapore.
“Chúng tôi muốn cho thế giới thấy, những công ty công nghệ ‘cây nhà lá vườn’ có thể phát triển công nghệ vĩ đại, hoàn toàn có thể cạnh tranh toàn cầu, kể cả có sự xuất hiện của các công ty quốc tế ngay tại quê nhà”, Tan trả lời phỏng vấn Reuters vào hôm 1/12. “Chúng tôi có thể cạnh tranh, và giành chiến thắng.”
Hai đồng sáng lập Grab sẽ nắm trong tay 60.4% quyền quyết định, và chủ tịch Ming Maa sẽ nắm giữ 3.3% số cổ phiếu.
Để đánh dấu sự kiện niêm yết tại Mỹ, Grab và Nasdaq sẽ tổ chức buổi lễ “rung chuông” tại một khách sạn ở Singapore vào nửa đêm, theo giờ châu Á. Khoảng 250 khách mời, gồm lãnh đạo sở chứng khoán, nhà đầu tư Grab và các đối tác, sẽ tham gia sự kiện này.
Việc Grab niêm yết thành công sẽ đem lại “quả ngọt” cho những nhà đầu tư đời đầu như Softbank (Nhật) và gã khổng lồ gọi xe Didi Chuxing (Trung Quốc) khi cả hai đã bỏ vốn vào công ty từ 2014. Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư khác như Toyota Motor, Microsoft, ngân hàng MUFG. Uber cũng trở thành cổ đông của Grab từ 2018 sau khi bán mảng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á cho đối thủ, kết thúc cuộc chiến kéo dài 5 năm.
Vào tháng 9, Grab đã cắt giảm dự báo doanh thu ròng cả năm, với lý do không chắc chắn về các biện pháp hạn chế đi lại trong tình hình đại dịch. Doanh thu quý III giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, khoản lỗ điều chỉnh trước lãi vay, thuế, khấu hao, khấu hao tài sản vô hình (EBITDA) tăng 66%, lên 212 triệu USD. Tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) trong quý tăng kỷ lục đạt 4 tỷ USD. Công ty đặt mục tiêu có lợi nhuận trên EBITDA cơ sở vào năm 2023.
Tham gia thương vụ niêm yết lần này, có sự xuất hiện của JPMorgan và Morgan Stanley với vai trò đầu mối trung gian gọi vốn, ngoài ra còn có Evercore và UBS đồng trung gian môi giới.