Cô gái 16 tuổi tử vong vì bị chém nhiều nhát, trước khi trút hơi thở cuối cùng đã nói 3 chữ để lại manh mối phá án
Pháp luật - Ngày đăng : 10:17, 03/12/2021
Vào 10 giờ sáng ngày 19/5/2010, cảnh sát thành phố Tân Mật (Hà Nam, Trung Quốc) tiếp nhận cuộc gọi báo cáo của người dân cho biết họ phát hiện một cô gái đang trong tình trạng hấp hối ở núi Thanh Bình.
Ý thức được tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cảnh sát đã lập tức cử lực lượng chức năng đến hiện trường. Tại hiện trường, cảnh sát phát hiện trên cơ thể cô gái có nhiều vết dao nhưng vẫn còn dấu hiệu hô hấp.
Cô gái được đưa vào bệnh viện cấp cứu ngay sau đó, nhưng vì mất quá nhiều máu nên đã qua đời. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, cô đã để lại di ngôn chỉ với 3 chữ: "Bốn thanh niên".
Cảnh sát nhanh chóng xác nhận danh tính của cô gái và biết được cô tên Vương Á Manh, 16 tuổi là người địa phương Tân Mật, Hà Nam.
Vương Á Manh học ở trường ngoại tỉnh. Vụ việc xảy ra trước một ngày cô trở lại trường. Bà nội của Vương Á Manh cho biết cháu gái đi thăm một người bạn, thế nhưng bà không ngờ cháu mãi mãi không quay về.
Được biết, Vương Á Manh gặp nạn ở núi Thanh Bình. Vì hiện trường không có quá nhiều manh mối nên cảnh sát chỉ có thể bám vào các đoạn ghi hình camera được lắp đặt ở khu vực xung quanh núi.
Kết hợp với di ngôn "bốn thanh niên" của Vương Á Manh, cảnh sát tập trung vào mục tiêu 4 tên hung thủ trẻ tuổi, nhưng camera ghi hình không hề thể hiện một kẻ tình nghi nào. Sau đó, cảnh sát đã chuyển hướng mục tiêu sang những đối tượng đã tiếp xúc với Vương Á Manh trong thời gian gần nhất. Theo đó, tài xế taxi từng chở cô gái là kẻ bị tình nghi nhiều nhất.
Trước khi Vương Á Manh qua đời, cô đã bắt taxi để đến núi Thanh Bình. Cảnh sát đã nhanh chóng tìm đến tài xế và yêu cầu phối hợp điều tra.
Tài xế cho biết, đường núi Thanh Bình rất khó đi nên anh đã để Vương Á Manh xuống xe ở khu vực ngoài rìa núi. Tuy nhiên, anh cũng không hề phát hiện có người khả nghi theo dõi cô gái. Địa điểm Vương Á Manh xuống xe cách hiện trường vụ việc chỉ 200m.
Trước lời khai này, cảnh sát đã loại bỏ tài xế taxi ra khỏi diện tình nghi. Sau khi đưa Á Manh đến núi, anh đã chở một hành khách khác. Điều này chứng minh anh không hề liên quan đến thời gian vụ án xảy ra.
Sau một tháng kể từ khi Vương Á Manh bị sát hại, cảnh sát vẫn không thể tìm được manh mối mới nào khác.
Lúc này, họ đã quyết định tổ chức điều tra lại vụ án từ đầu dựa theo di ngôn ba chữ mà cô đã để lại trước lúc qua đời. Cảnh sát tin rằng di ngôn có một ý nghĩa nào đó, nếu không thì cô cũng không cần cố gắng chút sức lực cuối cùng mở miệng nói ra như vậy.
Vậy thì ba chữ "bốn thanh niên" rốt cuộc có ý nghĩa gì?
Đầu tiên, cảnh sát cân nhắc đến đối tượng hung thủ là "bốn thanh niên trẻ" nhưng họ vẫn không thể tìm được đó là ai. Tiếp theo, cảnh sát đặt nghi vấn lên chi tiết câu nói của Vương Á Manh có thể là tiếng địa phương Tân Mật.
Sau quá trình so sánh đối chiếu, cảnh sát chuyển hướng điều tra sang câu di ngôn "Là một thanh niên" vì từ "bốn" và từ "là" phát âm gần giống với nhau.
Cảnh sát tiếp tục kiểm tra camera và phát hiện một người đàn ông tình nghi.
Thông qua hàng loạt phương thức như phỏng vấn, đăng báo, đăng truyền hình… cảnh sát cuối cùng cũng tìm được tên nghi phạm trong đoạn camera. Người nhận ra nghi phạm đầu tiên là bố mẹ của hắn.
Cảnh sát cho biết, nghi phạm là Tiểu Hằng, 26 tuổi, không có công việc ổn định. Khi cảnh sát đến nhà của Tiểu Hằng, vừa thấy cảnh sát thì hắn liền hỏi: "Cô gái đó có sao không?"
Đây không phải là câu mà một người chưa biết tình hình vụ việc nên hỏi. Cảnh sát càng xác định Tiểu Hằng chính là tên hung thủ.
Sau khi nhận tội, Tiểu Hằng đã khai báo động cơ gây án. Được biết, hắn sinh ra trong một gia đình bình thường và không được học hành đàng hoàng. Trải qua những tháng ngày sống không nghề nghiệp ổn định, hắn cảm thấy đời người không còn ý nghĩa nên muốn cướp một số tiền lớn để báo đáp bố mẹ. Tiểu Hằng đã theo dõi nhiều người, nhưng cuối cùng đều bị đối tượng phát hiện nên không dám xuống tay.
Mãi đến ngày 19/5/2010, Tiểu Hằng gặp được Vương Á Manh. Hắn đã tiếp cận và giật lấy balo của cô gái trẻ. Thế nhưng cô gái đã chống cự rất kịch liệt và kêu cứu liên hồi. Điều này khiến hắn hoang mang nên đã sử dụng con dao mang theo bên người tấn công cô.
Sau đó, Tiểu Hằng lấy được số tiền 50 NDT (hơn 178.000 VND) trong ví của Vương Á Manh cùng với một chiếc điện thoại.
Được biết, mặc dù Vương Á Manh chỉ mới 16 tuổi nhưng cô gái rất trưởng thành. Vì điều kiện gia đình không được tốt nên sau khi lên cấp 2, Á Manh xin làm học việc trong một tiệm cắt tóc để kiếm thêm ít tiền tự lo cho cuộc sống hằng ngày của mình.
Vương Á Manh từng nói với bà nội rằng sau này học thành tài, cô sẽ trở về quê để mở một tiệm salon làm đẹp. Cô gái trẻ còn hứa hẹn sẽ nhuộm đen mái tóc trắng của bà. Ước mơ nhỏ nhoi của cô gái 16 tuổi phải dừng lại khi tên hung thủ ác tâm Tiểu Hằng xuất hiện.
Mặc dù truyền thông Trung Quốc không hề đưa tin về kết cục của Tiểu Hằng nhưng với tội trạng đã gây ra, hắn phải ngồi tù ít nhất 10 năm hoặc chấp nhận hình phạt cao nhất chính là tử hình.