Mẹ dửng dưng nhìn con gái ăn hành tây sống giàn giụa nước mắt, hành động bị gắn mác "máu lạnh" lại là cách dạy con đáng ngưỡng mộ
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 09:22, 03/12/2021
Việc nuôi dạy con không bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là với những đứa trẻ có tính cách mạnh mẽ và cứng đầu. Trong khi nhiều bố mẹ cố gắng dùng mọi cách để kìm hãm tính ương ngạnh của con, cố gắng bảo vệ con khỏi tổn thương vì những suy nghĩ hay hành động quái gở mà chúng cho là đúng đắn, một số người lại có cách làm đi ngược lại số đông.
Một câu hỏi thử thách được đặt ra cho các ông bố bà mẹ là: "Khi biết con chuẩn bị làm điều gì đó sai lầm, bố mẹ có ngăn cản hay không?".
Đa phần mọi người đều sẽ trả lời là "Có" nhưng đối với bà mẹ người Đức, Gesa Croonen, cô lại cho rằng việc để con phạm sai lầm và tự rút kinh nghiệm mới là cách làm đúng đắn. Dĩ nhiên với điều kiện là việc làm đó không gây nguy hiểm đến con.
Cách đây vài năm, người mẹ này từng đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh cô con gái nhỏ ăn một củ hành tây sống và gây khuynh đảo cả mạng xã hội.
Trong đoạn phim dài 40 giây, cô bé khoảng 2 tuổi cầm trên tay một củ hành tây, cho vào miệng ăn lấy ăn để. Vì hành tây sống cực kỳ hăng và cay, cô bé ăn mà nước mắt nước mũi chảy ra giàn giụa. Gương mặt bé gái trông đau khổ lắm nhưng cô bé vẫn cứ ăn mà chẳng than vãn gì cả. Điều kỳ lạ là người mẹ không hề ngăn cản con gái làm việc ngu ngốc ấy, chỉ im lặng quan sát và ghi hình lại. Vì sao lại như thế?
Theo chị Gesa chia sẻ, đoạn video này là kết quả của một đoạn hội thoại giữa cô và con gái trước đó:
- Mẹ ơi con ăn quả táo này được không?
- Không, đây là hành tây.
- Nó là quả táo mà!
- Là hành tây!
- Nó là quả táo!
- Nếu con đã khăng khăng như vậy, con ăn nó đi.
Và để chứng minh thứ mình cầm trên tay là quả táo chứ không phải hành tây, cô bé cứng đầu đã thật sự ăn nó. Chính chị Gesa cũng phải bất ngờ vì sự kiên quyết của con gái. Chị viết: "Thà chết chứ không chịu nhận sai".
Đoạn video của Gesa nhanh chóng được chia sẻ đến hàng triệu lần, tạo nên một cơn sốt và hàng loạt cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề nuôi dạy con cái. Rất nhiều bình luận chỉ trích Gesa là người mẹ máu lạnh, ác độc và vô lương tâm. Họ không hiểu vì sao nhìn thấy con đau khổ như vậy mà người mẹ vẫn có thể "bình chân như vại", chưa nói đến việc cô đã để cho con gái ăn cả củ hành sống mà không chịu ngăn cản.
Có lẽ, họ đã không thể hiểu được một chân lý rất đơn giản: Đối với những đứa bé cứng đầu lì lợm, đôi khi cách tốt nhất để con nhận ra sai lầm của mình và rút ra kinh nghiệm cho lần sau là hãy để chúng làm theo ý mình.
Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ đã tỏ ra đồng tình, không ngớt lời ca ngợi cách làm của Gesa sẽ giúp cho cô bé cứng đầu một bài học khó quên trong cuộc đời.
"Đứa trẻ có thể không ăn nữa, nhưng nó vẫn cứng đầu ăn. Đứa bé không gặp gì nguy hiểm cả, bố mẹ của đứa bé cũng không phải những người tệ hại. Bạn hãy để trẻ con tự nhận lấy bài học của mình".
"Có gì xấu ở đây đâu? Người mẹ đã cảnh báo 2 lần nhưng con bé nhất mực đòi ăn trong sự ngoan cố. Đối với tôi đó là một cách dạy dỗ tuyệt vời. Đứa bé sẽ học được một kinh nghiệm vì sự cứng đầu của mình. Sự lì lợm càng biến mất sớm thì đứa trẻ càng học được nhiều điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống".
"Ai nói đây là người mẹ tồi thì hãy thôi đi. Bố mẹ tồi là những người không cho con tự trải nghiệm để trưởng thành. Đó là lý do thế hệ sau này lúc nào cũng khóc lóc và than vãn về tất cả mọi thứ đấy".
Giai đoạn 2-3 tuổi là thời kỳ trẻ bắt đầu thể hiện cái tôi của mình rất mạnh mẽ. Chúng tỏ ra lì lợm, có lý lẽ và suy nghĩ riêng của mình. Đặc điểm thường thấy nhất của những đứa trẻ ở độ tuổi này là chúng luôn muốn làm theo ý mình, muốn tự làm mọi thứ và nhất định phải làm cho bằng được những gì mình đang suy nghĩ.
Bố mẹ càng ngăn cấm, càng không cho con có cơ hội để trải nghiệm thì con sẽ không thể học hỏi, rút kinh nghiệm, thậm chí là sẽ dẫn đến những trận khóc lóc "kinh thiên động địa" của chúng như một cách để phản kháng.
Vậy nên, miễn là con không gặp nguy hiểm, bố mẹ hãy thả lỏng mình một chút, suy nghĩ thoáng hơn một chút, phá bỏ rào cản sợ hãi của bản thân và để con được tự làm theo ý mình. Có như vậy con cái mới có cơ hội được lớn lên với đầy đủ những kinh nghiệm tự rút ra từ sai lầm của mình. Và đó chắc chắn sẽ là những bài học mà chúng sẽ ghi nhớ suốt đời.
Theo Pháp luật và bạn đọc