TP.HCM: chợ Bình Điền hoạt động 100%, doanh nghiệp đưa hàng hóa vào TP.HCM bán Tết

Kinh doanh - Ngày đăng : 19:41, 02/12/2021

Tại TP.HCM chợ đầu mối Bình Điền đã hoạt động hoàn toàn trở lại, TP.HCM cũng kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước để cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Chợ đầu mối Bình Điền đã hoạt động bình thường lại

Theo thông tin từ chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP.HCM), chợ chính thức hoạt động bình thường trở lại từ ngày 1/12 với khung giờ từ 16h đến 9h sáng hôm sau, riêng nhà lồng thủy hải sản khô từ 6h đến 17h.

Chợ đầu mối Bình Điền đã hoạt động trở lại. Ảnh: Minh Hoàng

Hiện tại có khoảng 900 sạp mở cửa, lượng hàng về chợ trong ngày đầu hoạt động bình thường đạt 760 tấn (thủy hải sản chiếm hơn 204 tấn; thịt gia súc, gia cầm, cá hấp 65 tấn, và trái cây 177 tấn), tăng mạnh so với chỉ ở mức 30% công suất chợ như trước đó. Lượng hàng về chợ dự kiến còn tăng mạnh trong thời gian tới khi tất cả khoảng 1.800 sạp tại chợ hoạt động đồng bộ trở lại.

Theo đó, chợ Bình Điền cho biết khi hoạt động lại bình thường sẽ cho phép xe hai bánh ra vào chợ trở lại, và bỏ yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19 đối với người ra vào chợ. Khách hàng được vào chợ khi đáp ứng được các tiêu chí như cần xuất trình thẻ xanh COVID-19 (tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng chống COVID-19 hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng); khai báo y tế trước khi vào chợ, tuân thủ nghiêm các quy định "5K" trong suốt thời gian chợ hoạt động.

Trước đó, chợ đầu mối Bình Điền đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 6/7, sau khi xuất hiện các ca mắc COVID-19. Đến ngày 7/9, chợ này mở điểm trung chuyển hàng hoá để tiểu thương tập kết, trung chuyển hàng hóa cung cấp cho thị trường TP.HCM. Gần nhất, ngày 1/11, tất cả ngành hàng tại chợ đầu mối Bình Điền đã được hoạt động trở lại với khoảng 30% công suất, bắt đầu từ 16 giờ 00 hôm trước đến 8 giờ 00 hôm sau.

Ngoài chợ Bình Điền, chợ đầu mối thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn) cũng đã hoạt động bình thường trở lại. Theo đó, tối 1/12, chợ có gần 360 vựa mở cửa với lượng hàng nhập về đạt hơn 1.522 tấn (trong đó thịt heo hơn 263 tấn, rau củ quả 1.040 tấn, và trái cây 218 tấn), tăng mạnh so với trước đó. Riêng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP Thủ Đức) vẫn đang hoạt động với mô hình điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.

Việc khôi phục hoạt động tại các chợ đầu mối giúp người dân TP.HCM có thêm nguồn cung thực phẩm, và giúp nhiều tỉnh, thành dễ dàng hơn trong việc tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt mùa tiêu dùng dịp giáp Tết.

600 doanh nghiệp kết nối, đưa hàng hóa vào TP.HCM bán Tết

Ngày 2/12/2021 Sở Công Thương TP.HCM phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2021. Có tổng cộng 600 doanh nghiệp, 45 tỉnh, thành đăng ký tham gia các sự kiện chính của chương trình theo hình thức trực tiếp (offline) và trực tuyến (online) cùng các hệ thống phân phối, điểm bán trên địa bàn TP.HCM.

Doanh nghiệp tại Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2021. Ảnh: BCT

Hoạt động kết nối cung cầu năm nay tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, phát triển thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành, tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bền vững để phục vụ thị trường TP.HCM dịp Tết Nguyên đán tới đây, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường và hướng đến xuất khẩu.

Năm nay, ban tổ chức tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để các đơn vị cung ứng, phân phối hàng hóa tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu hàng hóa, kết nối, ký kết với đối tác trên website www.ketnoicungcau.vn và các gian hàng triễn lãm thực tế ảo, bảo đảm hiệu quả kết nối, phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh/thành.

Bên cạnh đó, phối hợp doanh nghiệp thương mại điện tử (Tiki, Sendo, Shopee, Lazada…) hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, cung ứng tham gia sàn thương mại điện tử, mở rộng kênh phân phối mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số.

UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công thương TP.HCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu. Kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động. Duy trì và củng cố kênh phân phối trực tiếp truyền thống như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Đồng thời, thúc đẩy khai thác phân phối trực tuyến trên các website, các sàn thương mại điển tử, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, cung ứng mở rộng, tiếp cận kênh phân phối mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số. Xây dựng và triển khai hiệu quả đề án logistics, nhằm chủ động và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong dự trữ, vận chuyển, lưu thông hàng hóa xuyên suốt từ sản xuất, nuôi trồng đến phân phối, giảm chi phí trung gian nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi cung ứng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp thành phố phân phối, hỗ trợ, hướng dẫn cho các Hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thông qua hoạt động đào tạo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc… Ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ, bao tiêu các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap; định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Tại Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2021 các doanh nghiệp TP.HCM cùng nhiều tỉnh, thành khác còn mang đến hội nghị nhiều mặt hàng chủ lực, sản phẩm đặc trưng... được trưng bày, triển lãm và giới thiệu tại 500 gian hàng. Tính đến trưa 2/12, đã có hơn 500 giao dịch kết nối thành công. Hội nghị năm nay diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 2 đến 5/12.

Sở Công Thương TP.HCM

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)