Hội chứng ruột ngắn ở trẻ nhỏ và cảnh báo quan trọng từ bác sĩ

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:22, 02/12/2021

Chào đời khoẻ mạnh, 5 ngày sau bé Bảo Nam đi ngoài ra máu đen, chướng bụng nhiều. Đi cấp cứu, phẫu thuật 2 lần, đoạn ruột bé chỉ còn 40cm. Bé mắc hội chứng ruột ngắn.

Những đứa trẻ mắc hội chứng ruột ngắn

Chào đời hoàn toàn khỏe mạnh, sau khi từ bệnh viện về nhà, do mẹ không đủ sữa nên bé Bảo Nam được cho uống thêm sữa non dạng gói tự mua ngoài. 5 ngày tuổi, bé đi ngoài ra máu đen, chướng bụng nhiều và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, trẻ được các bác sĩ chẩn đoán là viêm ruột hoại tử và phải phẫu thuật cắt phần ruột bị hoại tử lúc 5 ngày tuổi và 35 ngày tuổi, đồng thời làm hậu môn nhân tạo. Sau phẫu thuật, đoạn ruột còn lại của trẻ chỉ còn dài khoảng 40 cm. 

Một trường hợp khác là bé Minh Hằng (3 tháng tuổi, ở Ninh Bình). Mẹ bé cho biết khi chị mang thai được 32 tuần thì phát hiện con bị phình đại tràng. Sau khi sinh, bé bị chướng bụng nhiều và không có phân su. 6h tuổi, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và điều trị.

ruot.jpeg

Trẻ được các bác sĩ chẩn đoán là tắc ruột bẩm sinh và được phẫu thuật cắt đoạn ruột bị tắc, đồng thời đưa đoạn ruột ra ngoài tạo hậu môn nhân tạo lúc 2 ngày tuổi. Sau phẫu thuật, đoạn ruột còn lại của trẻ dài 110cm.

TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, sau phẫu thuật cắt một phần ruột non, bé Bảo Nam và Minh Hằng đều mắc hội chứng ruột ngắn. Cả 2 trẻ sau khi được làm hậu môn nhân tạo và nuôi dưỡng bằng phương pháp "hoàn hồi"  đều mang lại kết quả khả quan trong điều trị. Bé Nam đã được đóng hậu môn nhân tạo, tăng cân và sức khoẻ tốt.

"Trẻ có thể hấp thu các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hoá trong quá trình chờ ruột dài ra và thích nghi, tạo cơ hội để trẻ được đóng hậu môn nhân tạo trong thời gian sớm nhất và có thể ăn bằng đường miệng hoàn toàn" - TS Thục cho hay.

Hội chứng ruột ngắn là gì?

Hội chứng ruột ngắn là tình trạng kém hấp thu các chất dinh dưỡng, có thể do bẩm sinh, nhưng phần lớn là sau các phẫu thuật ống tiêu hoá (cắt phần lớn ruột non). 

Sau phẫu thuật, phần ruột còn lại chưa kịp thích nghi để duy trì chức năng của hệ tiêu hóa bình thường, khó có thể hấp thu chất dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng cần thiết để nuôi sống cơ thể dẫn đến trẻ bị mất nước, suy dinh dưỡng nặng và có thể tử vong. 

Về tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng ruột ngắn, theo Hiệp hội Dinh dưỡng – Gan mật – Tiêu hoá Nhi khoa Bắc Mỹ (NASPGHAN) khi trẻ có ít nhất 1 trong 2 tiêu chí sau:

+ Chiều dài đoạn ruột non còn lại < 25% chiều dài ruột non theo tuổi thai

+ Hoặc rối loạn chức năng ruột sau phẫu thuật cần phải nuôi dưỡng tĩnh mạch > 60 ngày

Hội chứng ruột ngắn ở trẻ nhỏ và cảnh báo quan trọng từ bác sĩ - Ảnh 2.

Nguy cơ tử vong nếu mắc hội chứng ruột ngắn nhưng không được nuôi dưỡng tốt

Với các bệnh nhi mắc hội chứng ruột ngắn, đặc biệt là những trường hợp chiều dài ruột của trẻ còn lại quá ngắn, nếu không được nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng không tốt, trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng nặng và nguy cơ tử vong rất cao.

Theo BS Thục, trong mọi trường hợp, nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa là lựa chọn ưu tiên nếu không có chống chỉ định, bởi đây là con đường sinh lý nhất, đơn giản nhất, ít biến chứng và ít chi phí nhất, đặc biệt giúp cho ruột hồi phục nhanh nhất sau phẫu thuật.

Phương pháp "hoàn hồi" cứu sống nhiều trẻ mắc hội chứng ruột ngắn

Hiện nay, ngoài phương pháp nuôi ăn trực tiếp bằng các loại sữa thủy phân, khoa Dinh dưỡng còn thực hiện phương pháp nuôi dưỡng khác là "hoàn hồi", với mục đích giúp trẻ hấp thu tối đa chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Khi thực hiện phương pháp "hoàn hồi", trẻ sẽ được làm hậu môn nhân tạo có đầu trên thông với ruột non, đầu dưới thông với ruột già. Hậu môn nhân tạo có vai trò chứa đựng các chất không hấp thu hết từ đoạn ruột trên thải ra. Chất lỏng trong hậu môn nhân tạo sẽ được bơm vào đoạn ruột dưới hậu môn nhân tạo giúp trẻ hấp thu thêm các chất dinh dưỡng còn lại.

Trước đây bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn hầu như rất khó qua khỏi, sự ra đời của các loại sữa thủy phân đã cứu sống được rất nhiều trẻ tuy nhiên với các trẻ có độ dài ruột còn quá ngắn thì tỷ lệ tử vong vẫn rất cao. Từ khi Khoa áp dụng phương pháp nuôi dưỡng "hoàn hồi" đã cứu thêm được nhiều bệnh nhi có độ dài ruột còn lại rất ngắn.

Việc áp dụng phương pháp nuôi dưỡng này đã mở ra nhiều hy vọng cho trẻ không may mắc hội chứng ruột ngắn, mang tới cho trẻ tương lai phát triển bình thường như bao em nhỏ khác.

Khi nào bố mẹ cần cho trẻ đi khám?

Trẻ mắc hội chứng ruột ngắn phải điều trị kéo dài và nhiều đợt. Sau khi tình trạng bệnh ổn định trẻ sẽ được xuất viện và theo dõi tại nhà. Thời điểm trẻ nên được tái khám:

- Khám định kỳ theo hẹn.

- Khi trẻ có tình trạng nặng như: nhiễm trùng, hạ thân nhiệt, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ.

- Lượng phân nhiều hơn bình thường, máu trong phân.

- Không tiểu hoặc nước tiểu ít hơn bình thường.

- Viêm, tấy đỏ, có mủ tại vùng hậu môn nhân tạo (nếu có).