Đổi mới giáo dục không phải ở khẩu hiệu

Xã hội - Ngày đăng : 11:58, 02/12/2021

Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam tồn tại khá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc, cần tìm hiểu kĩ nguyên nhân, không có chuyện giáo dục kém chỉ vì một khẩu hiệu.
Lỗi không ở chữ Lễ
Đổi mới giáo dục không phải ở khẩu hiệu mà ở phương pháp.

Lỗi không nằm ở chữ "Lễ"

Liên quan đến đề nghị bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” của GS. Trần Ngọc Thêm với mục đích là nhằm khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo của con người, nhiều nhà giáo và các chuyên gia cho rằng không thể đồng tình với quan điểm này.

Bởi, dù tư duy phản biện là cần thiết nhưng không có nghĩa là học sinh được phép bỏ qua chuyện lễ nghĩa. Và để khai mở tư duy phản biện cũng không cần thiết phải bỏ khẩu hiệu vốn đã trở nên quen thuộc với người Việt.

GS. TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, để đổi mới giáo dục và đào tạo cần có một giải pháp tổng thể nhưng không dàn trải mà có chìa khóa, có trọng tâm, trọng điểm. Chìa khóa phải là thay đổi triết lý giáo dục. Đồng nghĩa, để có con người sáng tạo, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó. Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động.

Tôi và các nhà giáo dục vẫn quan niệm chữ "Lễ" trong câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là đạo đức, lối sống, cách ứng xử lịch sự, lễ phép. Đó cũng là cách chúng tôi giảng giải cho học sinh từ trước tới nay. Việc sử dụng câu khẩu hiệu này trong giờ giảng dạy của chúng tôi chủ yếu đề cao, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn đức cho học sinh. Những vấn đề vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, vô văn hóa, vô giáo dục bị lên án và coi những người vi phạm đó là không có... lễ.

Nhiều người băn khoăn liệu chữ "Lễ" có biến người học trở nên thụ động, lệ thuộc vào người thầy, đánh mất sự chủ động, sáng tạo và tư duy phản biện hay không? Thực tế, mỗi chữ trong tiếng Việt cổ đều có nhiều nghĩa. Với người này, chúng ta coi chữ "Lễ" là áp đặt, là giáo dục kiểu thụ động, với người khác chữ "Lễ" lại có ý nghĩa là đạo đức. Cùng một chữ, có nhiều nghĩa là bình thường.

Theo tôi, không nhất thiết phải xóa bỏ đi khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” mà có thể hiểu chữ "Lễ" ở góc độ phù hợp với thời đại và giáo dục ngày nay.

Nhìn rộng ra, các nước phương Đông vẫn giữ khá nhiều nếp cũ, nhưng họ vẫn cởi mở đón nhận những tư tưởng mới, đón nhận cách suy nghĩ mới. Giáo dục mà thản nhiên đập bỏ truyền thống để hi vọng tân tiến là cách làm thiếu thận trọng.

Do đó, vấn đề cần thay đổi ở đây là cách tiếp cận và việc đổi mới giáo dục không nằm ở bỏ khẩu hiệu. Thực tế, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng không phải là triết lý giáo dục của Việt Nam.

Hiện nay, triết lý giáo dục của chúng ta là giáo dục phát triển năng lực. Vì thế, sự tồn tại của khẩu hiệu này không hề ảnh hưởng đến phương pháp giảng dạy của giáo dục Việt Nam. Nếu theo khẩu hiệu trên, giờ đạo đức phải chiếm 30 - 50% mới đúng.

Khẩu hiệu trên cũng không đi vào đời sống học sinh từ lâu lắm rồi khi hạnh kiểm giờ chỉ tồn tại trên giấy. Ngoài ra, những vấn đề của giáo dục hiện nay nằm ở phương thức quản lý giáo dục đã lỗi thời, nhiều bất cập. Để giải quyết các vấn đề trong giáo dục, nhất thiết phải có sự cải tổ trong các phương thức quản lý giáo dục.

Bỏ "Lễ", đạo đức các con sẽ ra sao?

Trong khi đó, bên cạnh thực trạng bạo lực học đường, còn rất nhiều các vấn đề nóng khác của học sinh Việt Nam mà chủ yếu tập trung chính ở đạo đức, lối sống. Trẻ Việt Nam giờ “Lễ” có nhiều vấn đề. Nói tục, chửi bậy thành cửa miệng, nói trống không, cư xử thiếu văn hóa... Chữ "Lễ" chưa bao giờ yếu như thế, vậy giờ lại bỏ "Lễ", đạo đức các con sẽ ra sao? Do đó, chữ "Lễ" càng nên được coi trọng trong giáo dục nhà trường.

Bệnh thành tích khiến cho nhiều đứa trẻ lạc vào ma trận học hành, thi cử không mệt mỏi; khiến cho giá trị của giáo viên phụ thuộc vào thành tích của học sinh, vào những giờ dự giờ, thi giáo viên dạy giỏi… Rõ ràng, dù nói rằng tồn tại khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng các trường học vẫn tiếp tục đề cao việc học kiến thức chứ ít quan tâm đến chữ "Lễ".

Nếu chúng ta xóa bỏ khẩu hiệu này, hiệu ứng có thể sẽ rất lớn. Hiện nay, cái tôi của trẻ Việt đã được đẩy lên quá cao. Giáo dục khai phóng quan tâm đến quan niệm và ý tưởng của trẻ. Nhưng ở không ít gia đình và trong lớp học hiện nay, ý thích, đòi hỏi của trẻ cũng khá cao. Điều này gây nguy hại cho tính cách và hình thành nhân cách của trẻ. Có không ít gia đình đã nhận ra, cảm thấy hối hận khi đáp ứng mọi yêu cầu và sở thích của con.

Hơn nữa, các trường học hiện nay đâu bắt buộc phải treo khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Mỗi trường có những slogan (khẩu hiệu) của riêng mình. Vậy lý do gì phải “khai tử” một trong các khẩu hiệu vốn rất quan trọng với giáo dục?

Nói một cách công bằng thì giáo dục không đi theo một khẩu hiệu. Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam tồn tại nhiều vấn đề. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc, cần tìm hiểu kĩ nguyên nhân, không có chuyện giáo dục kém chỉ vì một khẩu hiệu.

TS. Vũ Thu Hương