Nông dân ngại đầu tư giống hoa Tết sang xịn, trồng hoa rẻ cho dễ bán
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:48, 02/12/2021
Vụ hoa Tết năm nay, nhiều người trồng hoa ở Đà Nẵng cho biết, do tình hình dịch bệnh và chi phí phân bón, thuốc... tăng cao nên giảm diện tích, chủng loại hoa, chỉ dám trồng các loại hoa bình dân, giá rẻ.
Những ngày này người trồng hoa ở làng Hoà Cường (Hải Châu, Đà Nẵng) đang tất bật chăm sóc để chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Hoa ở đây chủ yếu cung cấp cho địa bàn thành phố và các thị trường lân cận như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… Tuy nhiên, vụ hoa Tết Nguyên đán 2022 năm nay do tâm lý bà con dè chừng nên nhiều nhà đã thu hẹp diện tích và chủng loại.
Người dân chăm sóc hoa để chuẩn bị cho Tết |
Ông Nguyễn Quang Sơn (phường Hoà Cường Bắc) cho biết, năm nay ông trồng hơn 1.000 chậu hoa, chỉ bằng khoảng 60% so với năm ngoái.
“Vụ Tết năm nay sợ không bán được nên nhà nào cũng làm ít, nhất là khu Hoà Tiến có nhiều nhà nghỉ không trồng hoa Tết. Nhà tôi cũng chỉ trồng các loại hoa bình dân như cúc, vạn thọ, hoa thược dược, còn hoa ly thì bỏ hết không trồng vì hoa này đầu tư lớn hơn. Năm nay dịch bệnh, dân họ có mua hoa không mà trồng chi cho nhiều. Trồng mấy loại hoa rẻ rẻ cho dễ bán, nếu có rủi ro cũng đỡ. Chỉ sợ Tết tình hình dịch căng thẳng lại phong toả như vừa rồi thì coi như thua”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết năm nay giá thành sản xuất tăng khiến giá bán có thể tăng hơn năm ngoái |
Ngoài nỗi lo đầu ra, thì năm nay mọi chi phí như vật tư, phân bón, hạt giống đều tăng hơn so với năm trước khiến bà con càng thêm lo lắng.
“Phân, thuốc, cái gì cũng tăng. Như bao phân mua 750 nghìn, nay tăng lên 1,3 triệu. Thuốc cũng tăng cả trăm nghìn chai. Nếu không tăng giá bán thì bà con trồng hoa lỗ”, ông Sơn bộc bạch.
Ông Phạm Văn Thân (phường Hoà Cường Bắc) chia sẻ, giống như các hộ khác, năm nay ông cũng chỉ trồng 900 chậu hoa truyền thống là cúc pha lê và đại đoá.
Đáng ra vụ Tết năm nay ông làm số lượng ít hơn nữa nhưng vì hồi tháng 2 lỡ đặt người ta làm chậu rồi nên đành trồng cho hết chậu.
Như mọi năm, ông không lo lắng lắm về đầu ra vì các mối hàng quen ở Quảng Bình, Quảng Trị lấy hơn một nửa, còn lại bán lẻ ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, Tết năm nay như thế nào thì chưa biết, vẫn phải "tuỳ cơ ứng biến".
“Mấy hôm nay thấy mấy địa phương ngoài kia cũng có nhiều ca nhiễm, chỉ sợ dịch bùng phát, thương lái họ không vô mua hoa được thì chết”, ông Thân nói.
Cũng theo ông Thân, sắp tới đây các nhà vườn còn phải thuê nhân công ngắt nụ, buộc dây. Nếu thuê sinh viên thì giá ngày công chỉ 170- 180 nghìn đồng, còn công lao động khác giá thường cao gần gấp đôi. Tuy nhiên, việc sinh viên quay trở lại Đà Nẵng học trực tiếp còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.
“Giá thành sản xuất tăng cao so với năm ngoái nhưng giá bán có tăng hay không thì giờ cũng chưa biết được”, ông Thân nói.
Còn anh Dũng, chủ vườn mai ở quận Cẩm lệ (Đà Nẵng) dự báo Tết năm nay khả năng vườn mai của anh sẽ thất thu.
Nguyên nhân là nhà vườn chủ yếu là gốc mai khủng nên sẽ kén khách hơn. Dịch bệnh chắc mọi người sẽ thắt chặt chi tiêu nhưng giá mai cũng không thể hạ hơn so với năm ngoái vì năm nay mọi chi phí đều tăng.
“Mọi năm đến thời điểm này khách hàng đã rục rịch liên hệ khảo sát, lên vườn xem cây nhưng năm nay vẫn im ắng”, anh Dũng cho hay.
“Tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp, chưa biết trước được chợ hoa Tết có được tổ chức hay không. Trong khi đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định việc mua sắm của người dân”, anh Dũng nói thêm.
Diệu Thuỳ