Hàng nghìn xe tải hàng hóa ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 15:24, 01/12/2021
Theo khuyến cáo của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hiện tại, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cần cân nhắc xem xét, bố trí thời gian hợp lý đưa hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn Bế Thái Hưng trong ngày 30/11, cửa khẩu thực hiện thông quan xuất được 215 xe nông sản chủ yếu là thanh long, xoài, mít..., hiện còn tồn ở khu phi thuế quan ở cửa khẩu và bãi xe Bảo Nguyên hơn 1.930 xe hàng nông sản, tương đương hơn 38.000 tấn.
Hiện nay đang là thời điểm cuối năm và cũng là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại nông sản như thanh long, xoài, bưởi, mít... ở các tỉnh phía Nam; vì thế, trong thời gian gần đây, lượng xe chở nông sản lên biên giới Lạng Sơn ngày càng tăng, cùng với sự kiểm soát chặt chẽ về phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa khẩu, nên đã gây tình trạng ùn ứ hàng nghìn xe chở hàng nông sản tại cửa khẩu.
Cụ thể, theo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 29/11, tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, số lượng xe Việt Nam tồn tại Trung Quốc là 680 xe; số xe Việt Nam chờ xuất khẩu là 95 xe. Tại Cửa khẩu chính Chi Ma, huyện Lộc Bình số xe tồn tại cửa khẩu chờ xuất khẩu là 614 xe.
Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, huyện Văn Lãng, số lượng xe Việt Nam tồn tại Trung Quốc là 523 xe; xe Việt Nam chờ xuất khẩu tại bãi xe Bảo Nguyên là 750 xe và số xe tồn tại khu phi thuế quan là 1.180 xe.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vi Công Tường, nguyên nhân do phía nước bạn đã tạm dừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, nhưng hàng từ nhiều địa phương vẫn đổ dồn về, nên chưa thể xuất đi được.
Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 26/9 vừa qua, tất cả các lái xe chuyên trách của Việt Nam đều phải bàn giao xe cho lái xe nước bạn, trong khi lái xe chuyên trách phía Trung Quốc bị thiếu hụt, khiến việc ùn ứ kéo dài.
Cũng theo ông Tường, hiện nay, phía Trung Quốc không chỉ kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, mà thị trường Trung Quốc cũng đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói...
Vì vậy, các địa phương, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường; đồng thời, thực hiện ký kết hợp đồng với Trung Quốc, hạn chế thấp nhất lượng hàng hóa đưa lên cửa khẩu không xuất được, gây thiệt hại, phát sinh chi phí không đáng có, đặc biệt hàng nông sản, hàng tươi sống...
(Nguồn: vietnamplus)