Mùa đông làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:10, 01/12/2021

Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, vốn đã trở thành một trong những “thảm họa” về giá cả tàn khốc nhất trong lịch sử, có thể trở nên tồi tệ hơn khi mùa đông bắt đầu.

Theo Bloomberg, trước viễn cảnh mất điện và cuộc tranh giành nguồn cung cấp năng lượng, tình hình vẫn tiếp tục khó lường bất chấp thực tế là cái lạnh vẫn chưa đến.

Châu Âu ‘u ám’ bởi khủng hoảng năng lượng

Vào tháng 10, giá năng lượng tăng mạnh ở Anh đã buộc một số công ty công nghiệp phải cắt giảm sản lượng và tìm kiếm sự trợ giúp của chính phủ. Điều này đóng vai trò như một dấu hiệu về những gì có thể xảy ra ở châu Âu khi “lục địa già” đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng Covid-19 mới.

Mùa đông làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu
Mùa đông làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Đối với các chính phủ, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng, vì họ cần phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ nguồn cung cấp. Trong khi đó, công dân có thể được yêu cầu tiết kiệm năng lượng hoặc thậm chí chuẩn bị cho việc mất điện.

“Vấn đề là không có giải pháp nào cho nguồn cung được mong đợi trong tương lai gần. Các nhà xuất khẩu của Nga cung cấp đúng như yêu cầu trong hợp đồng và Qatar tuyên bố rằng họ đang khai thác ở công suất tối đa. Kết quả là ngành năng lượng phải đối mặt với sự gián đoạn nhu cầu”, ông Fabian Ronningen, nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy AS cho biết.

“Chúng tôi đã thấy điều này trong vài tháng qua ở nhiều lĩnh vực và xu hướng này có khả năng tiếp tục hoặc thậm chí tăng lên”, ông Ronningen nói.

Ngoài ra, châu Âu một lần nữa trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19. Các hạn chế kiểm dịch đang được thắt chặt ở một số nước và các gia đình đang phải đối mặt với chi phí gia tăng do lạm phát tràn lan.

Hơn nữa, khi thời tiết lạnh giá xuất hiện, tình trạng mất điện có thể bắt đầu. Việc áp dụng biện pháp “khóa sổ”, như đã được thực hiện ở Áo có thể giúp hạn chế chi tiêu của nước này, nhưng hầu hết các chính phủ đều miễn cưỡng làm như vậy.

Tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu đặc biệt gặp rủi ro. Khả năng xảy ra băng giá trong tháng 1 và tháng 2 đang được đơn vị vận hành lưới điện quốc gia hết sức quan tâm. Khả năng sẵn có của các nhà máy điện hạt nhân vẫn ở mức thấp do đại dịch đã điều chỉnh lịch bảo dưỡng cho một số lò phản ứng.

“Nếu thời tiết lạnh giá tình hình có thể trở nên nghiêm trọng, do sự sụt giảm sản lượng điện hạt nhân và việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than gần đây”, ông Nicolas Goldberg, nhà tư vấn năng lượng của hãng tư vấn Colombus Consulting nhận định.

Việc khởi động đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) từ Nga đến Đức được chờ đợi từ lâu có thể làm giảm bớt cuộc khủng hoảng năng lượng của “lục địa già”. Tuy nhiên, cho dù việc xây dựng đã được hoàn thành thì nó vẫn gặp phải những trở ngại về quy định và vẫn chưa rõ khi nào sẽ được khai thông.

Nếu tình hình trở nên thực sự tồi tệ, các quốc gia có thể giảm việc bán khí đốt tự nhiên cho các khu vực khác. Trong những trường hợp cực đoan, họ hoàn toàn có thể ngừng cung cấp khí đốt và điện, điều này sẽ “kích thích mâu thuẫn và giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế”.

“Do đó, có thể thấy hệ thống năng lượng châu Âu dễ bị tổn thương như thế nào trước tác động của các yếu tố như sự biến động của giá cả”, ông Ronningen nhấn mạnh.

Trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ thiếu khí đốt ở châu Âu trong mùa đông năm nay, từ trước khi có tin biến động về giá cả. Trong vòng 1 năm, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gấp 5,5 lần.

“Chúng tôi hiện không có đủ khí đốt, thực sự là như vậy. Chúng tôi không tích trữ được khí đốt cho thời gian mùa đông. Bởi vậy, có một mối lo thực sự là nếu mùa đông năm nay lạnh hơn bình thường, châu Âu có thể phải cắt điện luân phiên”, CEO Jeremy Weir của công ty giao dịch năng lượng Trafigura cho biết.

Thanh Bình (lược dịch)