MG – Xe Anh hay xe Trung Quốc?
Xa lộ - Ngày đăng : 15:30, 30/11/2021
Năm 2000, MG-Rover được thành lập sau khi BMW “bán”, “vứt”… phần lớn thương hiệu mà tay buôn này đã mua sỉ trước đó.
Từ 2000 đến trước thời kỳ SAIC mua lại, MG và Rover có thể nói đã không xây dựng được thành tích nào đáng kể. Các mẫu xe MG và cả Rover luôn có doanh số ảm đạm. Quá khứ cho thấy khi nước Anh chế tạo xe hơi hạng phổ thông, tức là dành cho số đông, thì hoàn toàn không ổn.
Trong danh sách những mẫu xe tốt nhất từng được chế tạo tại Anh, ở phân khúc phổ thông, thì phần lớn là các tên tuổi do Ford và Vauxhall (thực chất là Opel), hay Honda đem đến.
Việt Nam những năm 2009 đã từng có những chiếc MG. Đó là những phiên bản khá đẹp đẽ mang tính chất Ăng-lê. Tuy nhiên, về bản chất chúng là những chiếc xe Honda. MG hay Rover trong thời điểm này là những chiếc xe Honda được người Anh thiết kế lại ngoại hình. Tất nhiên, những chiếc xe Anh “nội dung Honda” với thiết kế hoa mỹ và giá đắt chả có cách gì bán được. Có lẽ nếu rẻ hơn thì mọi việc đã ổn.
Sau này SAIC mua lại MG. SAIC thành lập công ty có tên là MG Motor - là công ty độc lập có trụ sở tại London, có nhiệm vụ phát triển, thiết kế và phân phối các dòng xe MG, sau đó đưa về Trung Quốc sản xuất. SAIC duy trì đầu não của bộ máy thiết kế tại Anh, do người Anh đảm nhận. Việc thử nghiệm và sản xuất được đưa về Trung quốc, để tiết kiệm chi phí tối đa. SAIC sở hữu hạ tầng rất tốt cho việc này. Thương hiệu này hiểu rõ, họ cần người Anh trong việc thiết kế ra xe Anh, điều mà người Đức có vẻ không cần. Trụ sở được đặt tại đúng vị trí nguyên bản mà nhà thiết kế Sir Alec Issigonis đã từng làm việc, nơi tạo ra những mẫu xe MG thể thao và… Mini Cooper.
Ở lĩnh vực xe phổ thông với giá bán thấp, tất nhiên không thể làm theo kiểu Rolls-Royce, nhưng với tiềm năng sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, SAIC có những ưu thế của họ. Thực chất xe Anh phổ thông, có thể nói, không thể hiện tính chất Anh rõ nét như xe đắt tiền. Quá khứ lủng củng của MG và Rover là những ví dụ. SAIC đơn giản là đang đưa ra hình ảnh mới cho xe Anh phổ thông.
Những gì MG làm ở châu Âu có vẻ được nhìn nhận khá tích cực. Tập đoàn đến từ châu Á đang đem lại sự phục hồi mạnh mẽ cho 1 thương hiệu nổi tiếng quá khứ, nổi tiếng với xe thể thao. Và có vẻ người Trung Quốc khá tôn trọng lịch sử thương hiệu, họ không chỉ làm ra những chiếc xe phổ thông bán lấy tiền là chính, mà còn theo đuổi những model xe thể thao, vốn nặng về tính truyền thống MG, hơn là buôn bán.
Về cách tiếp cận, MG khá ổn trong mắt người châu Âu: tài trợ cho CLB Liverpool, thậm chí ra mắt phiên bản có tên MG Anfield. Rất nhiều người sẽ hỏi “chất Anh đâu?”. Về cơ bản mà nói, với đơn giá của mẫu xe phổ thông, người mua không nên kỳ vọng quá nhiều. Liệu có nên tìm tính chất quí tộc trên 1 chiếc xe phổ thông? Chất Anh có lẽ nên tìm ở những model MG đắt tiền như Cyberster hoặc các mẫu thể thao sắp ra mắt.
Tính chất Anh của MG ngày nay có lẽ nằm ở việc định hình thiết kế tại Anh. Và SAIC mở ra cuộc thi rất hay có tên “SAIC design challenge’’. Bắt đầu từ 2012, đây là cuộc thi thường niên dành cho sinh viên châu Âu và Trung Quốc. Đề bài của những năm trước là “Thể hiện tinh thần MG trên 1 chiếc xe thời tương lai” đem đến nhiều bản thiết kế hết sức sáng tạo cho hãng xe MG. Những người đang nghĩ MG là thiết kế copy có lẽ sẽ hơi bỡ ngỡ khi biết tin này: Năm nay, đề thi “Thiết kế chiếc xe của thế giới phẳng” có lẽ ám chỉ tính toàn cầu hóa của bộ môn sản xuất ô tô.
Hiện nay, báo chí quốc tế gọi MG bằng định nghĩa đầy đủ “Hãng xe Anh - sở hữu bởi Trung Quốc’’, trong khi đó người Việt vẫn đang loay hoay với việc rút gọn định nghĩa này.