Dân Trung Quốc lo "mất ăn mất ngủ" vì thuế bất động sản

Kinh doanh - Ngày đăng : 15:05, 30/11/2021

Nhiều người dân Trung Quốc sở hữu nhiều ngôi nhà đang lo "mất ăn mất ngủ" khi Trung Quốc triển khai thí điểm đánh thuế bất động sản.
Dân Trung Quốc lo mất ăn mất ngủ vì thuế bất động sản - 1

Gánh nặng tài chính này có thể sẽ còn nặng hơn khi Trung Quốc đề xuất thí điểm áp thuế bất động sản (Ảnh: SCMP).

Lập trình viên máy tính Zheng Wenxuan sở hữu 2 căn hộ ở Bắc Kinh, một căn cho gia đình anh ở, một căn cho bố mẹ anh vừa chuyển từ quê ở tỉnh Hắc Long Giang lên ở. Mỗi tháng, người đàn ông 42 tuổi này phải trả 25.000 nhân dân tệ (3.900 USD) để thanh toán cho khoản vay thế chấp mua nhà - một gánh nặng đối với người trụ cột duy nhất của gia đình.

Và gánh nặng tài chính này có thể sẽ còn nặng hơn khi Trung Quốc đề xuất thí điểm áp thuế bất động sản ở một số thành phố trong 5 năm trước khi chính sách này triển khai rộng rãi trên toàn quốc.

"Giá trị thị trường của những bất động sản mà tôi sở hữu đã giảm 10% khi chính sách này được công bố. Nếu chúng tôi phải trả thuế khi sở hữu căn hộ thứ 2, như một số người suy đoán, thì gánh nặng tài chính của tôi sẽ tăng thêm", Zheng nói và cho biết anh đã nhiều đêm mất ngủ vì nỗi lo này.

Hồi tháng 8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ "tích cực và kiên quyết thúc đẩy cải cách luật và thuế nhà đất" và thực hiện chương trình thí điểm để giải quyết tình trạng chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng trong bối cảnh nước này thúc đẩy "thịnh vượng chung".

Nội dung chi tiết của sắc thuế này chưa được tiết lộ, chỉ biết rằng thuế sẽ được áp đối với bất động sản nhà ở và thương mại trên toàn quốc, ngoại trừ nhà ở nông thôn.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự đoán, các hộ gia đình sẽ bị đánh thuế nếu diện tích bất động sản đầu tiên của họ vượt ngưỡng quy định m2/người. Trong khi một giả thuyết khác cho rằng chủ sở hữu sẽ chỉ bị đánh thuế nếu họ sở hữu nhiều bất động sản.

Ông George Magnus, cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, cho rằng Trung Quốc phải có một hệ thống chặt chẽ để đảm bảo những người sở hữu nhà ở trên mức quy định kê khai tài sản đầy đủ, tránh trốn thuế.

Theo ông, việc đánh thuế nhà đất là phù hợp với khẩu hiệu thịnh vượng chung. Tuy nhiên, "chúng ta sẽ phải xem xét các thí điểm hoạt động ra sao và liệu việc áp thuế trên toàn quốc có thực sự triển khai như kế hoạch hay không".

Một cuộc khảo sát với 30.000 hộ gia đình trong năm 2019 do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực hiện cho thấy, 70% tài sản do các hộ gia đình thành thị nắm giữ là bất động sản. Khoảng 58% hộ gia đình thành thị sở hữu một căn nhà, 31% hộ gia đình sở hữu 2 căn nhà và có 10,5% hộ gia đình trong diện khảo sát trên sở hữu từ 3 căn nhà trở lên. Vay thế chấp mua nhà chiếm đến 76% tổng nợ của hộ gia đình.

Lập trình viên Zheng cho rằng, anh cảm thấy như mình bị "trói buộc" bởi chính 2 căn hộ của mình và thật không công bằng nếu anh buộc phải đóng thêm thuế nhà đất.

"Tôi đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm để có tiền trả nợ mua căn hộ. Trong một lần kiểm tra sức khỏe gần đây, bác sĩ đã nói rằng tim tôi giờ như một người 70 tuổi vì nhiều năm làm việc quá sức", anh nói và cho biết anh chuyển bố mẹ từ quê đến để dễ bề chăm sóc. Họ không đủ điều kiện để đứng tên căn hộ ở Bắc Kinh vì không phải là cư dân ở đây. Vì vậy cả hai căn hộ đều đứng tên tôi. "Tôi đã đóng thuế thu nhập cá nhân cao rồi, thêm mức thuế này chắc tôi không chịu nổi".

Còn Judy Wang, Giám đốc điều hành cấp cao tại một công ty tư nhân ở Bắc Kinh, cho biết: "Tôi và chồng tôi đã làm việc chăm chỉ để mua được 4 bất động sản ở Bắc Kinh. Tôi sẵn sàng trả thuế, miễn là chính phủ có thể đảm bảo tất cả những người đủ điều kiện phải nộp thuế đó ".

"Mọi người đều tin rằng Thẩm Quyến là một trong những thành phố thí điểm áp dụng thuế bất động sản. Nhưng mọi người đều bối rối không biết sẽ áp theo tiêu chí nào, theo diện tích đầu người hay theo tổng giá trị. Điều đó khiến chúng tôi lo lắng", Jade Zeng, người đang sở hữu một căn hộ 3 phòng ngủ và 2 căn hộ rộng 70 m2 ở Thâm Quyến nói.

Theo Zeng, thuế bất động sản đã có tác động rõ ràng đến lượng giao dịch và giá cả trên thị trường nhà đã qua sử dụng. Giá một căn hộ tương tự mà cô đang sở hữu ở Thâm Quyến đã giảm từ 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) xuống còn 9 triệu nhân dân tệ trong vòng vài tháng.

"Rất nhiều người đã vay nặng lãi để đầu tư vào bất động sản, thậm chí lạm dụng cả các khoản vay tiêu dùng và các gói vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ", Zeng nói và cho biết cô đang phải trả ngân hàng mỗi tháng 60.000 nhân dân tệ (9.387 USD) cho 3 căn hộ mà cô đang sở hữu.

"Nhiều người bạn của tôi lo rằng thị trường bất động sản sẽ sụp đổ vì thuế", Zeng nói.

Nhật Linh
Theo South China Morning Post