Mỹ xây thêm căn cứ quân sự ở đâu để tăng sức đối phó với Trung Quốc?
Đối ngoại - Ngày đăng : 13:30, 30/11/2021
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho hay, Lầu Năm Góc sẽ tập trung xây dựng các căn cứ quân sự ở đảo Guam và Australia để giúp quân đội Mỹ tăng cường năng lực đối phó với Trung Quốc.
CNN cho hay thông tin này nằm trong bản đánh giá kế hoạch toàn cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Bản đánh giá được Tổng thống Mỹ Joe Biden giao cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thực hiện, chỉ sau thời gian ngắn ông Biden chính thức nhậm chức vào tháng Hai.
Căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam. (Ảnh: Không quân Mỹ) |
Sau đó, Bộ trưởng Austin bắt đầu thực hiện đánh giá vào tháng Ba. Bản đánh giá này là tuyệt mật, nhưng quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ đã tiết lộ một số chi tiết.
Trong cuộc họp báo hôm 29/11, Tiến sĩ Mara Karlin, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, cho hay ông Biden “gần đây đã phê chuẩn” những khuyến nghị và thông tin của Bộ trưởng Austin trong bản đánh giá.
Ông Karlin nhấn mạnh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện là mục tiêu chính, bởi Bộ trưởng Austin khẳng định “Trung Quốc là thách thức ngày càng lớn” đối với Bộ Quốc phòng Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Biden cho hay đối phó với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng gia tăng mà cụ thể liên quan tới vấn đề Đài Loan. Các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cũng công khai đưa ra lời cảnh báo về những nỗ lực nâng cấp và hiện đại hóa sức mạnh quân sự của quân đội Trung Quốc. Hồi tháng 10, ông Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho hay vụ thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh của Trung Quốc “gần giống” với khoảnh khắc Sputnik.
Ông Karlin cho biết để đối phó với Trung Quốc, bản đánh giá kiến nghị tăng cường xây dựng các “cơ sở hạ tầng ở Guam và Australia”, ưu tiên “xây dựng những công trình quân sự trên các đảo ở Thái Bình Dương”, và “tìm kiếm cách tiếp cận sâu hơn ở khu vực để phục vụ hoạt động đối tác quân sự”.
“Tại Australia, bạn sẽ thấy sự gia tăng hoạt động luân chuyển chiến đấu cơ và máy bay ném bom, bạn cũng sẽ thấy hoạt động tăng cường huấn luyện lực lượng bộ binh và tăng cường hợp tác hậu cần. Trên khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bạn sẽ thấy nhiều hạ tầng được nâng cấp, ở Guam, ở quần đảo Bắc Mariana và ở Australia”, ông Karlin nói thêm.
Bản đánh giá cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương bằng cách “cắt giảm” số lượng binh lính và khí tài ở các khu vực khác trên thế giới, nhằm “nâng cao năng lực chuẩn bị chiến đấu và tăng cường các hoạt động” ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Đối với Nga, Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối cung cấp thông tin cụ thể về cách bản đánh giá đề ra phương án chuẩn bị cho quân đội Mỹ đối phó trước những mối đe dọa từ phía Moscow. Nói rộng hơn, một trong những mục tiêu trong bản đánh giá là “tái thiết các tiêu chuẩn sẵn sàng” để quân đội Mỹ có thể “phản ứng nhanh nếu khủng hoảng bùng phát”.
Quân đội Mỹ cũng đang làm việc để “tái lập năng lực sẵn sàng” ở Đông Âu, “với mục tiêu tăng cường năng lực răn đe đáng tin cậy trước Nga và những đòi hỏi cụ thể ở khu vực”. Song ông Karlin từ chối nói cụ thể về cách Washington chuẩn bị để đối phó với Moscow.
Còn tại Trung Đông, bản đánh giá định hướng Bộ Quốc phòng Mỹ “tiếp tục hỗ trợ chiến dịch tiêu diệt lực lượng khủng bố ISIS” bên cạnh sự hiện diện gần đây của quân đội Mỹ ở Iraq và Syria, cũng như xây dựng “năng lực cho các lực lượng đối tác” ở hai quốc gia này. Tuy nhiên, Afghanistan không được nhắc tới trong bản đánh giá.
Cũng theo ông Karlin, tính tổng thể, Mỹ đã có “75 cuộc tham vấn” với các đối tác và đồng minh khi tiến hành bản đánh giá. Trong số các bên tham vấn với Mỹ có các đồng minh NATO, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, và hơn 10 đối tác ở Trung Đông và châu Phi.
Bản đánh giá không nhắc tới “khả năng hoạt động” của lực lượng hạt nhân, vũ trụ và không gian mạng, bởi những vấn đề này được báo cáo trong một bản đánh giá khác của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Minh Thu (lược dịch)