Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số còn thấp

Cuộc sống số - Ngày đăng : 09:05, 30/11/2021

Theo khảo sát về chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, doanh nghiệp khu vực 2 (sản xuất công nghiệp) đang xếp sau các khu vực 1, 3 về mức độ sẵn sàng trong nhận thức với chuyển đổi số.

Doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số

Báo cáo nghiên cứu “Chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” mới được công bố tại diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2021 do Đại học RMIT Việt Nam tổ chức.

Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số còn thấp
Khảo sát “Chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát các DNVVN và DNNN” mới được Đại học RMIT Việt Nam công bố tại diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2021.

Báo cáo được xây dựng dựa trên phát hiện từ khảo sát doanh nghiệp, phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm được Trung tâm xuất sắc về kỹ thuật số (CODE) và Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam thực hiện trong năm 2019 – 2020, với quản lý từ trung đến cao cấp tại 180 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Phó Giáo sư Jerry Watkins, Giám đốc Trung tâm CODE cho biết: Lãnh đạo DNNN và DNVVN nhìn chung tự tin và lạc quan về chuyển đổi số cũng như nhu cầu chuyển đổi ngành nghề hay doanh nghiệp của họ lên không gian số.

Khảo sát mới cũng khích lệ doanh nghiệp dấn bước đầu tiên trên hành trình chuyển đổi số thông qua việc chỉ ra cách tận dụng những cơ hội “vàng” mà hành trình này có thể đem đến cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số còn thấp
Theo khảo sát, lãnh đạo DNNN và DNVVN tự tin và lạc quan về chuyển đổi số cũng như nhu cầu chuyển đổi ngành nghề hay doanh nghiệp của họ lên không gian số Ảnh minh họa: saigondautu.com.vn)

Khi được yêu cầu xác định các mục tiêu của chuyển đổi số trong doanh nghiệp của mình, 75% DNNN và 39% DNVVN tham gia khảo sát xác định đó là việc tối ưu hóa quy trình làm việc; 44% DNNN và 45% DNVVN xác định đó là gia tăng các tính năng của sản phẩm; 21% đối tượng trả lời khảo sát là DNNN và 54% đối tượng trả lời khảo sát là DNVVN xác định đó là nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

“Kết quả trên gợi ý rằng các DNNN ưu tiên cải thiện các quy trình nội bộ để tối ưu hóa hiệu quả làm việc, trong khi các DNVVN tập trung hơn vào việc thu hút khách hàng để tối đa hóa dòng tiền”, đại diện nhóm nghiên cứu thông tin.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, đối với một số DNNN và DNVVN, vấn đề chính họ đang gặp phải là thiếu lãnh đạo am hiểu về quá trình chuyển đổi số.

Doanh nghiệp trong các khu vực kinh tế ưu tiên khác nhau khi chuyển đổi số

Kết quả trả lời của các doanh nghiệp tham gia khảo sát theo khu vực kinh tế 1, 2, 3 (Nông – Lâm – Ngư nghiệp, Sản xuất công nghiệp, Dịch vụ ) cho thấy doanh nghiệp thuộc từng khu vực có ưu tiên khác nhau trên hành trình chuyển đổi số.

Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số còn thấp
Các mục tiêu chuyển đổi số của DNNN và DNVVN, theo nghiên cứu mới của Đại học RMIT.

Nhóm nghiên cứu còn xem xét 2 năng lực thiết yếu doanh nghiệp cần có để chuyển đổi số thành công, đó là năng lực quản trị chuyển đổi số và năng lực kỹ thuật số.

Trong đó, năng lực quản trị chuyển đổi dựa trên 3 khái niệm: Quản trị, chiến lược và văn hóa, và mô tả hiệu quả lãnh đạo của Ban lãnh đạo trong quá trình dẫn dắt doanh nghiệp, bao gồm cán bộ nhân viên, các nhà cung cấp và khách hang để hướng tới chuyển đổi số.

“Trong khi đó, năng lực kỹ thuật số chỉ ra cách doanh nghiệp tận dụng công nghệ định hướng dữ liệu như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và Internet vạn vật, để mở rộng quy mô hoạt động, thu hút khách hàng và gia tăng giá trị”, Phó Giáo sư Jerry Watkins giải thích.

Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số còn thấp
Các mục tiêu chuyển đổi số theo 3 khu vực của nền kinh tế.

Nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp ở khu vực 2 của nền kinh tế, trong đó có ngành sản xuất và xây dựng, có vẻ không sẵn sàng chuyển đổi số bằng doanh nghiệp thuộc khu vực 1 và 3.

Phó giáo sư Watkins phân tích: Liên quan đến năng lực quản trị chuyển đổi, báo cáo cho thấy quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp thuộc khu vực 2 có chiến lược chuyển đổi số chưa phù hợp và thiếu định hướng, với mức độ tương tác trong doanh nghiệp quanh chuyển đổi số ở mức khá thấp. Doanh nghiệp khu vực 2 cũng nhìn nhận có phần tiêu cực về đầu tư cho công nghệ định hướng dữ liệu và nhân viên cũng có nhận thức tương tự về nền tảng kỹ thuật số.

Đề xuất các bước quan trọng để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công

Phó Giáo sư Jerry Watkins cho rằng: Tham vọng “chuyển đổi số” vượt xa khỏi số hóa để tạo ra “các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới và làm suy yếu các cách thức cung cấp dịch vụ hiện có”.

Theo Phó Giáo sư, mục tiêu của chuyển đổi số không phải là cải tiến 1 lần với các quy trình hiện có, cũng không nên mong đợi kết quả tức thì. Thay vào đó, chuyển đổi số thực sự sẽ đổi mới mô hình kinh doanh, sử dụng dữ liệu hoạt động và dữ liệu khách hàng để liên tục tạo ra giá trị mới trong thời gian dài. “Lên kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số là việc không đơn giản. Mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tiếp cận khác nhau, và vì vậy không có một lộ trình rõ ràng”, Phó Giáo sư Jerry Watkins nêu quan điểm.

Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất một số bước quan trọng để chuyển đổi số thành công dành cho các công ty đang mong muốn chuyển đổi số và nắm bắt những lợi thế mà quá trình này mang lại cho công ty của họ.

Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số còn thấp
Nhóm nghiên cứu đề xuất một số bước quan trọng để chuyển đổi số thành công.

Thành viên nhóm nghiên cứu “Chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát các DNVVN và DNNN” từ Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT Việt Nam gồm: Phụ trách Trung tâm nghiên cứu Thành phố thông minh và bền vững Phó giáo sư Nguyễn Quang Trung, Trưởng khoa Giáo sư Mathews Nkhoma và nghiên cứu sinh Tiến sĩ Nguyễn Lê Hoàng Long, và cộng sự viên nghiên cứu của Trung tâm Xuất sắc về kỹ thuật số Võ Khánh Thiên.

Vân Anh