Cha mẹ - Lá chắn bảo vệ con trước đại dịch

Gia đình - Ngày đăng : 06:57, 30/11/2021

GD&TĐ - Để bảo vệ trẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19, một trong những phương thức được các chuyên gia tâm lý khuyến cáo là sự đồng hành, tranh thủ trau dồi kỹ năng cho con từ phía các bậc phụ huynh.
 Ảnh minh họa. Ảnh: IT Ảnh minh họa. Ảnh: IT

Những con số… biết khóc

Cùng với việc chung tay đẩy lùi đại dịch, mỗi gia đình có con nhỏ đều đang vật lộn với các phương thức hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của chúng tới sức khoẻ tâm thần của con em mình.

“Điểm mấu chốt dẫn tới tình trạng căng thẳng tâm lý, trầm cảm ở trẻ em là thiếu sự giao tiếp và thấu hiểu nên dù ở hoàn cảnh nào, khó khăn ra sao, thì người lớn cần thiết phải có sự chia sẻ với trẻ em.
Các bậc cha mẹ cũng có thể chia sẻ với con về khó khăn mà gia đình, xã hội đang phải đối diện với những thông tin chọn lọc để kích thích trẻ có những suy nghĩ, hành động tích cực, chia sẻ với gia đình và cộng đồng.
Hãy dạy cho trẻ hiểu, lạc quan và nỗ lực luôn là yếu tố then chốt giúp chúng ta vượt qua mọi nghịch cảnh”. - ThS Nguyễn Văn Quyết

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo, trẻ em và thanh niên có thể cảm nhận được tác động của đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần và sức khỏe của các em trong nhiều năm.

Đại dịch Covid-19 chuẩn bị bước sang năm thứ ba, hậu quả của nó tiếp tục đè nặng lên sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em. Dữ liệu gần đây nhất của UNICEF chỉ ra rằng, cứ 7 trẻ em thì ít nhất 1 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp khóa cửa và hơn 1,6 tỷ trẻ em đã bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc học hành.

Sự gián đoạn và thay đổi trạng thái cuộc sống hàng ngày, giáo dục, vui chơi giải trí, và những ảnh hưởng từ mối lo về thu nhập và sức khỏe gia đình từ người lớn trong nhà đã khiến nhiều người trẻ cảm thấy sợ hãi, tức giận và lo lắng về tương lai.

Theo Chuyên gia tâm lý Mạnh Linh (Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology), lịch sinh hoạt bị thay đổi, trẻ không thể vui chơi ngoài trời, không được cùng gia đình đi dã ngoại, không được tự do khám phá cuộc sống... sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, tâm lý.

Trẻ có thể chán ăn, chán chơi, tính cách trở nên thất thường, nhu cầu giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa và cảm nhận cuộc sống xung quanh rất quan trọng. Từ thực tế này, nếu bố mẹ không đồng hành cùng con, trẻ sẽ bị đe dọa do rất nhiều nguy cơ về rối loạn cảm xúc, khủng hoảng tâm lý, trầm cảm...

Trước những nguy cơ trên, chuyên gia Mạnh Linh khuyến nghị: “Phụ huynh cần chú ý chăm sóc, tranh thủ thời gian giúp trẻ tích luỹ kiến thức, kỹ năng để phát triển toàn diện… Khi trẻ tập trung vào những vấn đề không sinh công (chơi game, tham gia mạng xã hội, nghiền phim…) sẽ làm đảo lộn nền nếp sinh hoạt. Đồng thời, cũng có thể gây ra vấn đề nghiện hành vi (nghiện game, Internet) rất khó “cai”, gây hệ lụy xấu đến thể chất và tinh thần của trẻ”.


Ảnh minh họa. Ảnh: IT.

Gia đình – Vắc-xin quan trọng nhất

ThS tâm lý học Nguyễn Văn Quyết, Trung tâm Giáo dục trẻ em Ngày Mới cho rằng: Để trẻ thích ứng được với hoàn cảnh, trước hết cần giải thích cho con hiểu về đại dịch Covid-19. Hãy nói cho con hiểu về đại dịch một cách khái quát nhất. Với trẻ trên 8 tuổi, bố mẹ hãy cùng thảo luận với các con sâu hơn về những nguy cơ.

Đại dịch kéo dài khiến người lớn cũng gặp khó khăn và có thể chuyển những cảm xúc tiêu cực của mình lên con trẻ. Vì thế, bố mẹ cũng cần phải tập luyện để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Điều quan trọng nhất là phải biết gọi tên cảm xúc của mình “tôi đang tức giận”, “tôi đang lo lắng”... Việc gọi được tên cảm xúc của mình sẽ giúp mỗi cá nhân dễ dàng hơn trong việc tìm cách để giải quyết vấn đề đang gặp phải.

Chính bố mẹ cũng phải tìm kiếm các hoạt động khác thay thế và làm đa dạng các hoạt động cho mình và tranh thủ bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho con như thích nghi hoàn cảnh, kiểm soát cảm xúc, quản lý thời gian… thông qua các hoạt động cùng con.

Bố mẹ hãy học cách ghi nhận những cảm xúc tiêu cực ở con, chia sẻ sự đồng cảm và sẵn sàng lắng nghe con. Khuyến khích con tham gia các hoạt động trong gia đình như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, cùng trò chuyện, tập thể thao… Bố mẹ cũng có thể tham gia vào các hoạt động chơi do con khởi xướng. Đừng quên trò chuyện và chia sẻ với con về những điều xảy ra trong ngày.

Khuyến khích và hướng dẫn các con lên kế hoạch sinh hoạt trong ngày là việc rất nên ưu tiên. Hãy quan tâm lịch trình công việc các con cần làm trong 1 ngày. Nguyên tắc là hãy để trẻ được bận rộn với những kế hoạch mà con tự đưa ra.

“Nếu con có những cảm xúc tiêu cực như lo âu, căng thẳng, stress, cha mẹ hãy ghi nhận điều đó. Đồng thời, hãy gửi cho con thông điệp rằng bố mẹ luôn lắng nghe và muốn cùng con giải quyết mọi vấn đề. Nhất thiết không để con có cảm giác đơn độc trong giai đoạn tạm dừng đến trường vì ảnh hưởng của dịch bệnh”, ThS Nguyễn Văn Quyết khuyên.

Theo chuyên gia tâm lý Mạnh Linh: Cha mẹ hãy lưu ý đến các yếu tố bảo vệ con trước ảnh hưởng của đại dịch, chẳng hạn như sự yêu thương cha mẹ dành cho con, môi trường học an toàn và các mối quan hệ bạn bè tích cực… có thể giúp giảm nguy cơ rối loạn tâm thần.

Thêm nữa, một trong những phương pháp giúp trẻ giải toả căng thẳng là cha mẹ cần làm bạn với con, cùng ăn, cùng chơi, cùng trò chuyện và thảo luận mỗi ngày bằng những câu chuyện gần gũi và cởi mở nhất. Con chơi gì, đang băn khoăn thắc mắc điều gì, hãy tạo điều kiện gần gũi và thoải mái nhất để trẻ chia sẻ một cách tự nhiên.

“Dịch bệnh mang đến nhiều khó khăn, nhất là đối với việc nuôi dạy trẻ, nhưng không phải là không có cách. Chúng ta có thể hướng dẫn và cùng con dọn dẹp, trang trí nhà cửa, làm vườn, trồng cây, cho trẻ học một môn nghệ thuật nào đó như: Vẽ, hát, đàn, thủ công... qua kênh online” - chuyên gia Mạnh Linh gợi ý.

Trong một phát biểu gần đây, Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: “Gần 2 năm qua là chặng đường rất dài đối với tất cả chúng tôi, nhưng đặc biệt là đối với các em nhỏ. Do nhiều quốc gia đóng cửa và hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch, trẻ em đã lãng phí thời gian quý báu, xa gia đình, bạn bè và lớp học nhiều năm, không thể dành cho các hoạt động ngoại khóa. Kết quả là các em đã bị tước đi một số khía cạnh thiết yếu của tuổi thơ”.

Bảo Minh