Bỏ 'Tiên học lễ...' trong giáo dục có khác gì chưa trồng cây đã chặt hết gốc rễ?

Xã hội - Ngày đăng : 09:40, 28/11/2021

Bối cảnh thời đại mới, 'Lễ' vừa là nền tảng đạo đức, văn hóa giao tiếp, là kỹ năng tư duy… Nếu hiểu được như thế, đâu nhất thiết cần phải bỏ 'Lễ' mới phát triển giáo dục, khai phóng tư duy con người.
Bỏ 'Tiên học lễ...' trong giáo dục có khác gì chưa trồng cây đã chặt hết gốc rễ?
Đâu nhất thiết cần phải bỏ "Lễ" mới phát triển giáo dục. (Nguồn: Dân trí)

Mấy ngày nay dư luận xã hội, đặc biệt là những người quan tâm đến giáo dục lại được dịp xôn xao xung quanh quan điểm đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo".

Theo lập luận của GS. Thêm, khẩu hiệu này là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải giữ lễ và phục tùng với người trên là yêu cầu số một. Vì vậy cần phải chấm dứt khẩu hiệu này để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo…

Hai quan điểm cách tư duy khác nhau về "Lễ"

Nhìn lại lịch sử các quan điểm, ý kiến tranh luận, đối thoại về việc cần xây dựng một tôn chỉ, một triết lý đúng đắn cho giáo dục Việt Nam thì thấy không phải đến bây giờ, khi GS.TSKH Trần Ngọc Thêm lên tiếng, chủ đề bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học Văn" mới được đề cập.

Trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật (số 31, tháng 7/1973), GS. Nguyễn Lân đã băn khoăn: "Có nên vận dụng phương châm: 'Tiên học lễ, hậu học văn' trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?".

Từ đó cho đến nay, sau hơn 30 năm với nhiều thay đổi, biến động trong đời sống kinh tế-chính trị-xã hội, chủ đề giữ hay bỏ khẩu hiệu quen thuộc này lại được những nhà nghiên cứu văn hóa, những người làm công tác giáo dục có uy tín, trách nhiệm đặc biệt quan tâm.

Gần đây nhất, tại hội thảo "Xây dựng môi trường văn hóa trường học" do Bộ Giáo dục & Đào tạo (ngày 12/10/2016), các đại biểu cũng có những bàn luận sôi nổi xung quanh chủ đề sử dụng khẩu hiệu ở các trường học, trong đó có vấn đề cần xem xét lại tính đúng đắn và phù hợp của khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".

Lược thuật các cuộc trao đổi, tranh luận xoay quanh chủ đề nói trên để thấy được câu chuyện đi tìm kiếm một triết lý giáo dục phù hợp với từng bối cảnh lịch sử luôn là điều cần thiết và là trăn trở rất đáng quý của những người có tâm huyết với giáo dục nước nhà.

Trở lại với vấn đề: nên chấm dứt hoặc cần xem lại khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" hay giữ gìn và phát huy tinh thần của khẩu hiệu ấy trong bối cảnh giáo dục hiện nay, có thể thấy vẫn tồn tại hai chiều hướng ý kiến xuất phát từ những điểm nhìn, cách tư duy khác nhau.

Chiều hướng đề xuất chấm dứt hay xem lại khẩu hiệu trên chủ yếu xuất phát từ quan điểm cần loại bỏ dần những tư tưởng lỗi thời của giáo dục Nho giáo trong bối cảnh thời đại mới, cần đề cao việc phát huy tính dân chủ và tư duy phản biện tích cực trong giáo dục, không nên duy trì những khẩu hiệu cũ kỹ, giáo điều gây cản trở sự vận động không ngừng của giáo dục nói riêng cũng như sự phát triển của văn hóa xã hội nói chung.

Chiều hướng đề xuất phải duy trì và phát huy tinh thần của khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" thì bảo vệ quan điểm phải lấy giáo dục đạo đức làm gốc, đi đến hiện đại không nhất thiết phải chối bỏ truyền thống, duy trì việc học "Lễ" không ảnh hưởng gì đến việc khai mở tư duy và giải phóng sức sáng tạo của người học…

"Lễ" đâu chỉ là những nguyên tắc cứng nhắc

Với tư cách là người học và cũng là người dạy, là một thầy giáo dạy môn Ngữ văn ở bậc Trung học phổ thông, người viết bài này, dù có tâm thế tranh luận và tự thấy chưa đủ kiến thức lý luận để tham gia vào những cuộc tranh luận nói trên, nhưng cũng không khỏi băn khoăn, trăn trở trước đề xuất cần chấm dứt khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"…

Thử hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu như trồng một cái cây mà không chăm gốc rễ, giáo dục một con người mà không chú trọng vào đạo đức, nhân cách, ứng xử…? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".

Từ lời dạy của Người khiến ta không khỏi có những liên tưởng và suy ngẫm: "trồng người" cũng như "trồng cây", đó không phải quá trình ngày một ngày hai, không thể dùng biện pháp "bứng", "chiết" hay "đốt cháy giai đoạn".

Để thu hoạch, khai thác được một cái cây có thể ta chỉ cần năm năm, mười năm, nhưng để đánh giá được thành quả giáo dục đối với một con người, rộng ra là một xã hội, một đất nước thì quá trình đó kéo dài cả trăm năm và đôi khi phải trải qua nhiều thế hệ mới nhìn thấy rõ.

Có khi nào trước nhu cầu phát triển và đổi mới bức thiết, những người có tâm huyết và nhiệt tình đã vội vàng chấp nhận đánh đổi các giá trị nền tảng để với mong muốn xây nhanh những giá trị mới với kết cấu ngược chiều của một tòa kim tự tháp.

Đành rằng không phải cái gì tồn tại cả nghìn năm cũng là hiển nhiên đúng, điều đó đồng nghĩa với việc khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" không phải là nhất thành bất biến. Nhưng chắc chắn, khi một tư tưởng, một hệ giá trị mới được xác lập, nó cần có sự bảo chứng của thời gian. Và nên chăng, trong lúc chờ sự bảo chứng của thời gian cho những giá trị mới, ta đừng vội phá dỡ ngay những nền móng cũ.

Xét đến cùng cái vỏ ngôn từ cũng chỉ có vai trò như một chiếc áo, nội hàm ý nghĩa của nó là do con người cấp cho. Mỗi người cần một kích cỡ áo khác nhau, mỗi thời đại cần có một cách hiểu linh hoạt về các khái niệm.

"Lễ" đâu chỉ là những nguyên tắc cứng nhắc, là sự cúi đầu, thuần phục. Gắn với bối cảnh thời đại mới, "Lễ" vừa là nền tảng đạo đức, nhân cách, là văn hóa giao tiếp, ứng xử, là kĩ năng tư duy… Nếu hiểu được như thế thì đâu nhất thiết cần phải bỏ "Lễ" mới phát triển được giáo dục, khai phóng được tư duy con người.

Nói như vậy để thấy chấm dứt hay gìn giữ, phát huy, lỗi thời, cũ kỹ hay vẫn còn là tinh hoa, giá trị âu cũng một phần do cách nhìn, do quan niệm của mỗi người. Còn với những người đang hàng ngày gánh vác sứ mệnh cao quý-sứ mệnh "trồng người" bằng một công việc bình dị là dạy học như chúng tôi thì thiển nghĩ: Không thể trồng một cái cây mà lại chặt hết gốc rễ. Không thể giáo dục con người nếu xem nhẹ hoặc bỏ qua những yêu cầu về chuẩn mực đạo đức, tác phong.

TS Đặng Ngọc Khương