Bóc mẽ doanh nghiệp ôm đất đầu cơ, giá bất động sản vùng ven tăng "nóng"
Kinh doanh - Ngày đăng : 07:44, 28/11/2021
Bất động sản khan hiếm, chuyên gia bóc mẽ vụ doanh nghiệp ôm đất, đầu cơ
Tại hội thảo vừa diễn ra, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đã chia sẻ thêm về nguyên nhân gây khan hiếm nguồn cung vừa qua.
Ông Nghĩa cho biết, hiện tại nguồn cung khan hiếm rất nghiêm trọng và theo nhiều chuyên gia nguyên nhân là vấn đề pháp lý. Tuy nhiên theo ông Nghĩa, còn có nguyên nhân khác là rất nhiều doanh nghiệp "mua gom và đầu cơ dự án".
"Thậm chí còn có nhiều quan điểm cho rằng đây là thời điểm tốt để mua gom bất động sản, nên rất nhiều doanh nghiệp lớn thu gom rất nhiều đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ, trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Và những doanh nghiệp lớn đang đầu cơ này thường có ngân hàng đứng phía sau", ông Nghĩa chia sẻ.
Một ngày trước khi bị bắt, Tổng Giám đốc Thuduc House đã từ nhiệm
Ngày 25/11, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã chứng khoán: TDH) đã công bố thông tin về đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng. Theo đó, ngày 24/11, Công ty này đã nhận được đơn từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng.
Cùng ngày 25/11, trao đổi với Dân trí, một lãnh Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) xác nhận, đơn vị đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (SN 1976, ngụ Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, tạm trú chung cư Catavil Premier, phường An Phú, quận 2, TPHCM).
Thuduc House là doanh nghiệp chuyên đầu tư và kinh doanh địa ốc, bao gồm các dự án xây dựng khu nhà ở, xây dựng chung cư, chợ, văn phòng và hạ tầng kỹ thuật liên quan. Doanh nghiệp này được biết đến với nhiều dự án trải dài khắp các tỉnh thành của Việt Nam như TPHCM, Huế, Hà Nội, Long An, Đà Lạt... và ở Nam California - Mỹ.
Giá đất vùng ven tăng "nóng" ra sao?
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đã có những chia sẻ đáng chú ý liên quan đến thị trường bất động sản.
Cụ thể tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II, hiện tượng tăng giá, thậm chí "sốt" tại một số phân khúc bất động sản diễn ra. Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tăng bình quân khoảng 8-10% (tính chung cả hai quý, giá nhà ở riêng lẻ tại nhiều địa phương có mức tăng khoảng 15 - 20% so với mức quý IV//2020). Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao.
Cũng theo con số lãnh đạo Bộ Xây dựng đưa ra, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao. Cụ thể như ở vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%).
Nhiều nơi như Thanh Hóa; TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ (TPHCM); Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai)… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Chủ đầu tư chưa khắc phục sai phạm, cư dân HH Linh Đàm mòn mỏi chờ sổ hồng
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong đó có đề cập đến việc xem xét, giải quyết những khó khăn vướng mắc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) cho các hộ tại khu chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội cho biết, đối với những sai phạm tại các dự án do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và Công ty CP Xuất nhập khẩu Bemes đầu tư hoặc hợp tác đầu tư trên địa bàn TP đã được Thanh tra TP kết luận tại nội dung Kết luận số 2344 ngày 10/8/2016.
Đáng lưu ý đến thời điểm trả lời cử tri, UBND TP cho biết chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục sai phạm và hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, nghĩa vụ tài chính và PCCC… Do đó theo UBND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có đủ cơ sở pháp lý để cấp sổ hồng cho người mua nhà theo quy định.
Thanh tra quỹ đất nhà xã hội, quỹ bảo trì: 11 tỉnh thành trong danh sách
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Xây dựng. Quyết định giao Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng tổ chức triển khai, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch thanh tra, định kỳ báo cáo Bộ trưởng theo quy định.
Đáng chú ý, tại kế hoạch thanh tra năm nay, Bộ Xây dựng quyết định tiến hành thanh tra 2 chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Ở chuyên đề diện rộng thứ nhất, đối tượng thanh tra gồm chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
Còn tại chuyên đề diện rộng thứ hai, đối tượng thanh tra sẽ gồm UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn (quan tâm đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp).
Shophouse "ế chỏng", bất động sản "gà đẻ trứng vàng" đã hết thời?
Tác động dịch bệnh đến phân khúc bất động sản cho thuê là rất rõ. Trong đó shophouse - sản phẩm vốn được quảng bá là "gà đẻ trứng vàng" - lại càng thêm phần bi đát do giá cả ở mức cao.
Theo khảo sát, giá cho thuê mỗi căn shophouse ở mặt đường Tố Hữu (Hà Đông) có giá dao động từ 80-100 triệu đồng/tháng tùy diện tích. Diện tích phổ biến ở mức 80 m2, từ 3-5 sàn. Cách đó không xa, giá thuê mỗi căn shophouse mặt đường Vũ Trọng Khánh rơi vào mức 25-50 triệu đồng/tháng tùy từng vị trí, diện tích.
Sau nhiều năm xuất hiện trên thị trường, bùng nổ với số lượng khá lớn, hiện nhiều căn shophouse đang phải chật vật với bài toán cho thuê, nâng cao tỷ suất lợi nhuận.
Một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cho biết, vì việc cho thuê khó khăn nên giao dịch, thanh khoản các sản phẩm này cũng gặp nhiều khó khăn.
Nguyễn Khánh (Tổng hợp)