Tranh sơn mài trong bộ sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại có giá 28 tỷ đồng
Dòng chảy - Ngày đăng : 06:03, 28/11/2021
Tranh sơn mài trong bộ sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại có giá 28 tỷ đồng
Chi tiết khiến bức tranh sơn mài nhận được nhiều sự chú ý chính là bởi tác phẩm này từng nằm trong bộ sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại.
Bức tranh sơn mài "Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long" được thực hiện bởi danh họa Phạm Hậu trong khoảng thời gian từ năm 1938 - 1945. Đây là tác phẩm đạt mức giá cao nhất trong cuộc đấu giá "Nghệ thuật hiện đại và đương đại của Đông Nam Á" do nhà đấu giá Bonhams Hồng Kông tổ chức vào sáng thứ 7 (27/11) vừa qua.
Trước phiên đấu giá, "Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long" đã là tác phẩm nhận được nhiều sự quan tâm nhất tại cuộc đấu giá. Chi tiết khiến bức tranh sơn mài nhận được nhiều sự chú ý chính là bởi tác phẩm này từng nằm trong bộ sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại.
Bức tranh sơn mài này được đánh giá là hiếm có. Trước khi được đem ra đấu giá tại Hồng Kông, tác phẩm đã có một thời gian ngắn lưu lại ở Singapore để phục vụ hoạt động trưng bày trước triển lãm, tác phẩm rất thu hút sự quan tâm của giới nghệ thuật tại đây.
Bức "Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long" được thực hiện bởi bậc thầy về tranh sơn mài của hội họa hiện đại Việt Nam - danh họa Phạm Hậu (1903 - 1995). Phạm Hậu cũng được đánh giá là một trong những họa sĩ xuất sắc nhất của dòng tranh sơn mài tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Đông Dương.
Tác phẩm từng thuộc bộ sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại trước khi được cựu hoàng Bảo Đại đem tặng cho nhà báo người Mỹ - ông Edgar Ansel Mowrer (1892 - 1977) khi nhà báo này có dịp gặp trực tiếp cựu hoàng Bảo Đại hồi năm 1951.
Ông Mowrer là một nhà báo có tiếng tại Mỹ lúc bấy giờ, ông đã mang bức tranh sơn mài này về treo trong ngôi nhà của mình ở bang New Hampshire, Mỹ. Sau đó, tác phẩm đã được thừa kế lại bởi con gái của ông Mowrer cho tới khi tác phẩm được đem rao bán đấu giá mới đây.
Trước phiên đấu giá, nhà đấu giá Bonhams đã đưa ra mức giá ước đoán cho tác phẩm này vào khoảng 2,8 tới 3,8 triệu đô la Hồng Kông, nhưng mức giá thực sự đạt được cao hơn thế nhiều, tác phẩm được trả giá 9.732.500 đô la Hồng Kông (tương đương 28,3 tỷ đồng).
Bức "Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long" cao một mét và rộng gần 2 mét, đưa lại một góc nhìn toàn cảnh về vịnh Hạ Long. Tác phẩm còn có những khắc họa tinh tế, tỉ mỉ về những thuyền đánh cá, những người dân chài trên cái nền cảnh quan tuyệt mỹ.
Tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp danh họa Phạm Hậu, họa sĩ đã dùng những nguyên liệu đắt giá để sáng tác nên tác phẩm này, như vàng và chu sa để tạo nên hai sắc đỏ - vàng ấn tượng trong tranh.
Tác phẩm được nhà đấu giá nhận định là một siêu phẩm được Phạm Hậu thực hiện bằng niềm tự hào và tình yêu quê hương. Theo thông tin từ nhà đấu giá, con trai của vị danh họa cho biết rằng lúc sinh thời, họa sĩ Phạm Hậu thực hiện rất ít tác phẩm về vịnh Hạ Long. Đây là tác phẩm thứ 2 được biết tới trong sự nghiệp của ông khắc họa quang cảnh vịnh Hạ Long.
Tác phẩm được thực hiện với kích thước lớn, được lựa chọn cầu kỳ về chất liệu với cách thức thực hiện công phu, tỉ mỉ. Đây cũng là một tác phẩm đưa lại cảm nhận rõ ràng về nơi chốn, địa điểm không như đa số các tác phẩm khác của Phạm Hậu thường đưa lại một cảm nhận chung, rằng đây là cảnh vật ở Việt Nam, nhưng không rõ ở nơi cụ thể nào.
Nhà đấu giá Bonhams chia sẻ nhận định với tờ tin tức Straits Times (Singapore) rằng trong những năm gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều nhà sưu tập hội họa tại Việt Nam muốn đưa tác phẩm của các danh họa Việt trở về quê nhà. Hiện tại, danh tính bên mua thành công bức "Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long" vẫn chưa được tiết lộ.
Trước phiên đấu giá, nhà đấu giá Bonhams đã xác định bức sơn mài "Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long" của danh họa Phạm Hậu và bức "Cô gái chơi đàn nguyệt cầm" của danh họa Mai Trung Thứ là hai tác phẩm nổi bật nhất sự kiện.
Quả đúng như vậy, bức "Cô gái chơi đàn nguyệt cầm" chính là tác phẩm đạt mức giá cao thứ hai tại cuộc đấu giá, mức giá lên tới 7.812.500 đô la Hồng Kông (22,7 tỷ đồng).
Nhà đấu giá Bonhams nhận định rằng giữa những biến động hiện tại, tác phẩm nghệ thuật bỗng trở thành một kênh đầu tư ổn định, vì vậy, mức giá tranh đang được đẩy lên cao hơn tại các cuộc đấu giá so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Bích Ngọc
Theo Straits Times/Bonham's