Chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh trong đại dịch COVID-19
Xã hội - Ngày đăng : 20:37, 26/11/2021
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sức khỏe tinh thần cho học sinh trung học cơ sở tại Hà Nội thông qua xây dựng và vận hành mô hình phòng tham vấn học đường” được tài trợ và thực hiện bởi tổ chức GNI và tỉnh Gyeonggi-do (Hàn Quốc). Hội thảo hướng đến việc chia sẻ kinh nghiệm thiết lập, vận hành phòng tham vấn học đường từ các mô hình thành công đến các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học trong TP Hà Nội và các đơn vị quan tâm.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, năm 2021, quy mô học sinh trên cả nước là 23 triệu, riêng TP Hà Nội có tổng số học sinh khoảng 2,1 triệu.
Hơn 7 tháng qua, toàn thể học sinh và thầy cô giáo phải bắt đầu thích ứng với việc thực hiện dạy và học trực tuyến. Ở lứa tuổi các em học sinh, bên cạnh chất lượng tiếp thu kiến thức thì việc đến trường học để giao lưu bạn bè-thầy cô, hoạt động trong môi trường tập thể là điều quan trọng và cần thiết trong sự phát triển các kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh cũng gặp không ít khó khăn và áp lực.
Ông Phạm Xuân Tiến dẫn chứng, trong Báo cáo Nghiên cứu về Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại Việt Nam (ODI, Unicef, BLĐTB&XH, 2018) cho rằng, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên hiện nay mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam là từ 8% đến 29%. Theo khảo sát tình hình trẻ em thế giới năm 2021 (Unicef), cứ trung bình 7 em thì có ít nhất 1 em đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Như vậy, có hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục.
Khi mà các em phải ở nhà thời gian dài và học tập hàng giờ trước máy tính và điện thoại kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe tinh thần. Những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là trình trạng mệt mỏi kéo dài, giảm tương tác xã hội dẫn đến cảm giác cô đơn, mất động lực phấn đấu trong học tập và cuộc sống. Bên cạnh đó, các em có thể cũng rơi vào tình trạng lo âu và căng thẳng khi học trực tuyến hàng giờ đồng hồ cùng khối lượng kiến thức lớn...Và bởi vì học tập tại nhà mà rất nhiều em còn nảy sinh mâu thuẫn giữa mối quan hệ bạn bè hay với người thân trong gia đình...
Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, các em cần phải học tập online thời gian dài hơn, trong khi không nhận được những hỗ trợ kịp thời trong giải quyết các vấn đề về sức khỏe tinh thần thì các vấn đề ấy của các em lại trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến khả năng cảm xúc, nhận thức, hành vi trong các mối quan hệ xã hội sau này.
"Đây là một điều báo động để tất cả chúng ta nhìn nhận lại và chú ý quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần của các em. Để làm được điều đó, phòng tham vấn học đường, nơi có các cán bộ hỗ trợ, có kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi được xem như một lựa chọn để giảm thiểu những khó khăn về tâm lý, hỗ trợ năng lực phát triển của học sinh", ông nói.
Tại Hà Nội, 100% trường học đều thành lập các phòng tham vấn học đường. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội đã có các chương trình tập huấn kỹ năng tham vấn cho giáo viên nòng cốt của các đơn vị. Tuy nhiên, theo báo cáo hàng năm, số lượng học sinh đến các phòng tham vấn học đường vẫn còn rất ít. Một số đơn vị hoàn toàn không có học sinh đến phòng tham vấn; trong khi khảo sát kết quả lại có rất nhiều em gặp khó khăn trong quá trình học tập, gặp khó khăn trong mối quan hệ bạn bè, gia đình. Như vậy, chúng ta có thể thấy, việc thành lập và mở rộng phòng tham vấn đã tiến hành rất tốt, nhưng tại sao chưa hiệu quả và làm sao để hoạt động hiệu quả?
Theo ông Tiến, để giải quyết những vấn đề này, bên cạnh đó, không thể không kể đến những thách thức trong triển khai mô hình... Điều đầu tiên phải nói đến là tiềm lực tài chính-kinh tế trong việc chi trả bản quyền thang đo và công cụ trị liệu, giúp hỗ trợ nhân viên tham vấn trong hoạt động nghề. Thách thức thứ hai là chế độ lương thưởng cho nhân viên tham vấn. Khó khăn thứ ba là vấn đề niềm tin và thời gian. Thách thức thứ tư là nhân tài chưa có cơ hội cống hiến đúng năng lực của bản thân cho nghề nghiệp.
Ông Park Dong Chul, Trưởng Đại diện của GNI, cho biết tại Việt Nam, bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em tại trường học nói riêng đang là vấn đề được tất cả các cấp, các ngành quan tâm trong những năm gần đây, được đưa vào quy định tại các văn bản chính sách của Chính phủ. Trong đó, việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em tại trường học đã được cụ thể hóa trong chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 với chỉ tiêu số 19 là “phần đấu 95% các trường học có dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho trẻ em vào năm 2025”. Điều này cho thấy đây là một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành Giáo dục Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Ông cho biết, năm 2018 và 2019, GNI đã triển khai hai dự án là Be Friend và Speak Out giai đoạn 1 hướng tới phòng ngừa bạo lực học đường và hỗ trợ thiết lập, vận hành phòng tham vấn học đường tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn TP.Hà Nội. Những hoạt động của 2 dự án đã có những bước thành công nhất định, góp phần vào công tác bảo vệ trẻ em tại nhà trường.
Năm 2021, tiếp nối con đường này, GNI triển khai dự án “Tăng cường sức khỏe tinh thần cho Học sinh trung học cơ sở trên địa bàn TP.Hà Nội thông qua thiết lập và vận hành phòng tham vấn học đường”. Tuy nhiên, với bước đi lần này, GNI kỳ vọng sẽ không chỉ là sự hợp tác giữa GNI và nhà trường ở thời điểm này, mà còn là sự phát triển bền vững và có thể mở rộng mô hình phòng tham vấn GNI tới các ngôi trường khác, với mong muốn đem đến cho các em học sinh, nhà trường và cả phụ huynh những ý nghĩa tốt đẹp nhất về việc tăng cường sức khỏe tinh thần cho các em học sinh, một vấn đề vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ.
Ông hy vọng buổi hội thảo này cùng với những hoạt động thực tế, thiết thực của mô hình phòng tham vấn học đường sẽ đóng góp được cho sự phát triển của ngành Giáo dục của TP.Hà Nội và các địa phương, sẽ không chỉ là tổng kết cho một giai đoạn nhỏ mà còn mở ra một con đường lớn ở phía trước cho các mô hình phòng tham vấn học đường trong thời gian tới, với mục tiêu cuối cùng của một nền giáo dục thành công là tạo nên những con người hạnh phúc.
Bảo Anh