Thủ tướng Anh bị kiện vì biến đổi khí hậu
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:05, 27/11/2021
Theo đó, các nhà hoạt động sinh thái người Anh Adetola Onamade, Jerry Amokwandoh và Marina Trix, được sự hậu thuẫn của tổ chức phi chính phủ về môi trường Plan B Earth cáo buộc Thủ tướng Johnson vi phạm nghĩa vụ pháp lý trong việc thực hiện các biện pháp thiết thực và hiệu quả để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Các nhà hoạt động đã đệ đơn kiện tập thể lên Tòa án Tối cao London.
Các nhà hoạt động sinh thái cho rằng chính phủ của ông Johnson phớt lờ thảm họa sinh thái trên hành tinh, đồng thời phân biệt đối xử với thế hệ trẻ của cả nước và đặc biệt là London, nơi trong tương lai sẽ phải gánh chịu những hậu quả chính của khí hậu thay đổi.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: RIA) |
“Chúng tôi biết rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống. Tác động là lớn nhất đối với các nhóm chịu rủi ro và phân biệt đối xử, bao gồm cả những người khiếu nại. Họ biết phải làm gì, nhưng họ không làm”, luật sư Tim Crosland của Plan B Earth, đại diện cho các nhà hoạt động sinh thái cho biết.
Trong khi đó, đại diện của Thủ tướng Anh chỉ ra rằng, tòa án không nên chấp nhận yêu cầu này để xem xét.
“Luật nhân quyền không có hiệu lực pháp lý đối với các quy định của Thỏa thuận Paris, vì vậy tòa án không có quyền xem xét liệu Vương quốc Anh có vi phạm hay không”, người đại diện của Thủ tướng Anh nói.
Ông cũng lưu ý rằng, những tuyên bố của các nhà hoạt động sinh thái dựa trên sự khẳng định biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế và xã hội, do đó được khái quát hóa và mang tính giả thuyết.
Vào đầu tháng 11, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, chính ông Johnson đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “thúc đẩy tất cả các đòn bẩy” để cứu hành tinh khỏi thảm họa khí hậu. Đặc biệt, các quốc gia nên xác định các cách tiếp cận thị trường và phi thị trường để giảm phát thải khí nhà kính.
Anh hiện đang nuôi hy vọng thoả thuận chính thức của COP26 sẽ bao gồm việc yêu cầu các quốc gia quay trở lại bàn đàm phán vào năm tới tại COP27 ở Ai Cập với những cam kết tăng cường về giảm phát thải carbon, do những hành động hiện nay là không đủ nhanh và đủ mạnh trong “thập kỷ quan trọng” đến năm 2030.
Theo dự thảo thỏa thuận của COP26, các nước cần đẩy nhanh loại bỏ điện than và bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, hiện một số nước phát thải CO2 lớn vẫn phản đối việc đưa ra cam kết rõ ràng về chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thanh Bình (lược dịch)