Chuyên gia nói cần sớm mở cửa trường học nhưng các địa phương vẫn dè dặt

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:32, 26/11/2021

Hiện nay, cả nước đã thích ứng với COVID-19 khi Nghị quyết 128 đi vào cuộc sống. Thế nhưng, nhiều địa phương đến nay vẫn tỏ ra thận trọng trong việc cho trẻ quay trở lại trường. Nhiều ý kiến cho rằng, việc mở cửa trường học sớm sẽ tránh nhiều hệ lụy cho trẻ em.

Tỉ lệ trẻ nhỏ mắc COVID-19 thấp hơn nhiều người lớn

Nhiều người lo ngại, nếu chúng ta cứ chờ đợi "Zero COVID" hoặc chờ đợi tiêm đủ vaccine COVID-19 cho toàn bộ trẻ em mới cho trẻ trở lại trường, thì trẻ em sẽ phải đối mặt với nguy cơ ở nhà hàng năm liền. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập, vui chơi của trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cả về sức khỏe, tâm sinh lý. 

TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó Trưởng Văn phòng tiêm chủng Mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) - cho biết, Việt Nam đã trải qua 2 năm COVID-19, ghi nhận số ca mắc và tử vong cao, ở trẻ nhỏ thì tỉ lệ mắc COVID-19 thấp hơn nhiều. 

TS Huyền cho rằng, việc cho học sinh quay trở lại trường học có nhiều yếu tố cần cân nhắc. Trước hết, cần xem xét khả năng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nghĩa là phải đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở từng địa phương.

Thứ 2 là tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng, tức là tỉ lệ những người được tiêm chủng vaccine COVID-19 ra sao, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Khi cho trẻ em quay trở lại trường học, phải cân nhắc nhiều yếu tố chứ không chỉ là vấn đề triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Ví dụ, một địa phương đang có dịch lưu hành, có khu vực phải áp dụng giãn cách, cách ly thì không thể cho trẻ đi học trở lại, trường học chưa thể mở cửa.

“Nếu địa phương nào đang dần khống chế được COVID-19, đồng thời tăng tỉ lệ tiêm chủng, đặc biệt là tiêm chủng cho cả người lớn và trẻ em thì chúng ta có thể tính mở cửa trường học. Việc triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho cả người lớn và trẻ em cũng là một trong những yếu tố cần xem xét khi quyết định mở cửa trường học, phải xem xét thận trọng nhiều khía cạnh, cân nhắc lợi ích, nguy cơ.

Tuy nhiên, có lẽ chúng ta không đợi tất cả trẻ em được tiêm đầy đủ 2 mũi rồi mới cho trẻ đi học lại”- bà Đặng Thị Thanh Huyền bày tỏ quan điểm.

Cũng theo TS Đặng Thị Thanh Huyền, hiện nay, đối với việc tiêm chủng thì có khả năng phòng 60-80% trường hợp lây nhiễm.

"Mặc dù vẫn còn tỉ lệ nhỏ các trường hợp vẫn bị lây nhiễm nhưng tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả, an toàn cho trẻ em trong việc phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 và các biến chứng của bệnh COVID-19. Song hành việc tiêm chủng, chúng ta vẫn cần hướng dẫn các em thực hiện tốt 5K, để phòng chống lây nhiễm tốt nhất cho trẻ em và bạn bè, những người xung quanh”- TS Huyền nhấn mạnh.

Đối với bệnh COVID-19, TS Nguyễn Hồng Vũ (Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA) cho hay: Hầu hết trẻ em khi mắc sẽ bị bệnh nhẹ, khỏi nhanh và phần lớn không có triệu chứng, chỉ một tỉ lệ rất rất nhỏ bị trở nặng hoặc tử vong. Đây là một hiện tượng đang được các nhà khoa học nghiên cứu và làm rõ.

Tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh. Ảnh: Hải Nguyễn
Tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh. Ảnh: Hải Nguyễn

Phải có phương án trường học an toàn để học sinh trở lại trường

Về vấn đề cho học sinh trở lại trường, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Ccục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng, hiện nay, trẻ em đã được tiêm vaccine ở một tỉ lệ nhất định. Hơn nữa, cả nước đã thích ứng, tiến tới sống chung với dịch COVID-19, vì thế cũng cần cho học sinh trở lại trường để được đi học và trở lại cuộc sống bình thường.

"Tôi cũng đã khuyến cáo Hà Nội và các tỉnh thành về vấn đề này rằng, nên sớm cho trẻ em đi học. Tuy nhiên, Hà Nội và địa phương vẫn còn dè dặt"- ông Phu nói. 

Theo chuyên gia này, một trong các vấn đề quan trọng là các địa phương cần phải giám sát dịch tốt, đánh giá nguy cơ thì mới có thể biết được tình hình dịch ở địa phương mình như thế nào. Bằng hình thức như xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, xét nghiệm vùng nguy cơ. Khi có dịch vẫn phải truy vết, phát hiện, quây ổ dịch càng nhỏ càng tốt, không thể buông xuôi cho rằng tiêm vaccine rồi thì không cần quây ổ dịch.

PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh việc quan trọng nhất là các địa phương phải có phương án ở tất cả ngành nghề, các khu vực như xí nghiệp an toàn, chợ an toàn, siêu thị an toàn, trường học an toàn. Các địa phương cần có phương án trường học an toàn để có thể sớm cho học sinh quay trở lại trường học.

"Chúng ta không thể đợi tất cả học sinh được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine mới cho đi học, vì như vậy ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sự phát triển thể chất cũng như tinh thần và kiến thức của trẻ"- ông Phu nói.

Thùy Linh