5 sự thật ‘đen tối’ về Black Friday

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:30, 26/11/2021

Phía sau quảng cáo hấp dẫn của các chương trình sale Black Friday - thứ Sáu đen tối - là "sự thật đen tối" về thủ thuật của các chủ shop nhằm kích thích tiêu tiền.

Black Friday, hay còn gọi là ngày "Thứ Sáu đen tối", được tổ chức vào thứ Sáu đầu tiên sau ngày lễ Tạ ơn. Lễ này diễn ra vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư tháng 11 hàng năm, chủ yếu tại Mỹ và Canada.

Sự thật bạn nên biết về Black Friday

Black Friday - ngày thứ 6 đen tối - là dịp các mặt hàng được treo biển giảm giá mạnh, thậm chí đến 80%, khiến ở nhiều nơi, khách hàng chen nhau từ nửa đêm để xếp hàng chờ giờ mở cửa và giành giật nhau từng món đồ. Họ cứ nghĩ mua là được nên cố gắng khuân về càng nhiều càng tooys mà không hề biết về những thủ thuật “moi sạch tiền trong ví khách” của các shop, các siêu thị trong dịp Black Friday.

Dưới đây là sự thật về những cái bẫy mua sắm trong ngày này mà bạn nên biết.

Hàng lạc mốt, thiếu size mới giảm giá khủng

Dù là Black Friday, bạn cũng đừng hy vọng được giảm giá sâu đối với những mặt hàng mới, hàng bán chạy. Với thời trang, các bộ sưu tập vừa ra mắt chỉ được giảm tối đa 20%, thường chỉ 5-15%.

Những sản phẩm được giảm giá tới 60-80% thường là hàng tồn, lỗi mốt, lạc mùa, thiếu size. Tình hình cũng tương tự với nhiều ngành hàng khác.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người hăm hở chen vào biển người để đi mua sắm trong dịp thứ Sáu đen tối, nhưng rồi thất vọng trở về tay không.

5 sự thật ‘đen tối’ về Black Friday - 1

Hàng sale mạnh có thể đã được tăng giá 

Sự thật là dù đăng biển giảm giá mạnh đến mấy, các cửa hàng vẫn có lãi. Theo khảo sát của tờ The Wall Street, khoảng 1/5 số mặt hàng giảm giá được tạp chí này theo dõi được nâng giá 8% trước Black Friday, có những mặt hàng được nâng giá đến 23% như đồ chơi và dụng cụ. Sau đó, chúng được treo biển sale với tỷ lệ “điên cuồng”.

Khách hàng tưởng được món hời nên lao vào tranh nhau mua trong khi tỷ lệ giảm giá thật sự không quá cao. Trong khi đó, lượng hàng bán ra tăng vọt nên doanh nghiệp vẫn lãi.

Rất nhiều tín đồ mua sắm cũng từng chia sẻ, sau khi so giá món đồ sale 50% vừa mua được, họ nhận ra cửa hàng khác cũng từng bán món đó với mức giá tương tự trong những ngày không có khuyến mãi.

Tưởng tặng, hóa ra phải mua hàng ế

Các khuyến mãi mua một tặng một, mua hàng tặng quà khá phổ biến trong các dịp Black Friday, chẳng hạn mua váy được tặng áo len. Mặc dù nhiều người vẫn nhận ra giá món hàng không hề rẻ, thậm chí nhỉnh hơn một chút so với giá ngày thường, nhưng vẫn không đủ tỉnh táo để bỏ qua nó vì nghĩ rằng, tính tổng giá trị của hai món đồ thì mình vẫn hời. Trên thực tế, họ đã phải bỏ tiền ra mua 2 thứ thay vì chỉ một thứ họ cần. Món đồ "tặng" kia nhiều khả năng không sử dụng được do không phù hợp hoặc chất lượng thấp, lỗi mốt...

Hàng chất lượng thấp chỉ dành cho Black Friday

Theo CNN và Forrbes, lợi dụng cơn cuồng mua sắm, tâm lý ham đồ giảm giá của số đông khách hàng, nhiều nhà bán lẻ đặt hàng sản xuất những món đồ để bán riêng trong dịp Black Friday. Những mặt hàng này có chất lượng thấp hơn bình thường (chẳng hạn đồ diện tử có chất lượng màn hình kém hơn hoặc thiếu một số tính năng) và được treo biển giảm giá mạnh. Người mua thường bị lóa mắt bởi phần trăm sale lớn nên không biết điều này.

Cái bẫy "mua nhanh kẻo”

Bằng chiêu quảng cáo “số lượng có hạn” đối với các mặt hàng giảm giá ngày Black Friday, các cửa hàng đánh vào tâm lý sợ hụt mất món hời của khách. Họ sẽ tự giục giã mình mua nhanh kẻo hết.

Nhiều cửa hàng tuyên bố mặt hàng giảm giá sâu đang khiến khách chờ đợi đã hết chỉ ít phút sau khi mở cửa. Tuy nhiên, do đã mất công xếp hàng, chen lần nên mọi người vẫn xông vào hy vọng săn được món hời khác, kết quả là “đốt” thêm cả đống tiền.

Minh Nhật(Tổng hợp)

Minh Nhật(Tổng hợp)