Người mang triết lý đèn giao thông chèo lái nước Đức hậu kỷ nguyên Merkel
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:45, 26/11/2021
NGƯỜI MANG TRIẾT LÝ ĐÈN GIAO THÔNG CHÈO LÁI NƯỚC ĐỨC HẬU KỶ NGUYÊN MERKEL
Với phong cách mang đậm nét của người tiền nhiệm và bề dày kinh nghiệm chính trường, tân Thủ tướng Olaf Scholz gánh trên vai trách nhiệm chèo lái nước Đức sau 16 năm gắn với "tượng đài" Angela Merkel.
Tại cuộc họp báo ở Berlin hôm 24/11, liên minh 3 đảng của Đức đã công bố thỏa thuận hợp tác, thành lập chính phủ với tân thủ tướng là Olaf Scholz. 2 tháng sau khi đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz dẫn trước đảng Liên minh Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc tổng tuyển cử, đảng này đã đạt được thỏa thuận lập một chính phủ liên minh với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP).
Phát biểu sau khi công bố thỏa thuận hợp tác liên minh, ông Scholz, lãnh đạo đảng SPD đồng thời là người kế nhiệm "bà đầm thép" Merkel, đã gợi nhắc lại câu chuyện về đèn giao thông đầu tiên được dựng lên tại ngã tư Potsdamer Platz ở thủ đô Berlin vào năm 1924. Thủ tướng tương lai của Đức muốn đề cập đến việc 3 đảng có 3 màu đặc trưng đỏ, xanh, vàng giống đèn giao thông.
"Đèn giao thông đầu tiên (của Đức) được dựng lên tại Berlin vào năm 1924 ở Potsdamer Platz. Vào thời điểm đó, đây vẫn là một công nghệ khác thường. Người ta hoài nghi liệu nó có thể hoạt động được không?", ông Scholz nói.
"Ngày nay, đèn giao thông là thứ không thể thiếu để điều tiết mọi thứ một cách rõ ràng, định hướng đúng và đảm bảo rằng mọi người đều tiến về phía trước một cách an toàn và thuận lợi. Tham vọng của tôi với tư cách là thủ tướng là liên minh đèn giao thông này sẽ đóng một vai trò đột phá tương tự đối với Đức", ông Scholz tuyên bố.
Liên minh mới của chính quyền Đức cho biết họ đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình "chuyển đổi xanh" trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ông Christian Lindner, chủ tịch đảng FDP với chính sách ủng hộ doanh nghiệp và là người ủng hộ kỷ luật tài khóa, dự kiến sẽ trở thành bộ trưởng tài chính Đức. Ông Robert Habeck, đồng lãnh đạo của đảng Xanh và là người vận động cho mục tiêu ngân sách đầy tham vọng để nâng cấp ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng của Đức, được kỳ vọng sẽ trở thành "siêu bộ trưởng" giám sát nền kinh tế cùng với chính sách khí hậu và năng lượng.
Thỏa thuận của đảng SPD và 2 đảng đối tác sẽ thành lập chính phủ liên bang 3 bên đầu tiên của Đức kể từ những năm 1950 và kết thúc 16 năm của chính phủ do Thủ tướng Merkel lãnh đạo, đánh dấu một kỷ nguyên mới cho quan hệ của Đức với châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Liên minh phải đối mặt với những thách thức trước mắt, khi Đức đang đối phó với làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất, châu Âu đang vật lộn với hậu quả từ Brexit (Anh rời EU) và cuộc khủng hoảng ở biên giới của EU với Belarus. Đây cũng là bài toán đặt ra cho tân thủ tướng 63 tuổi của Đức hậu kỷ nguyên Merkel.
"Cỗ máy" Scholz
Sinh ra ở Osnabrück, miền bắc Đức, OlafGiống bà Merkel, ông Scholz được biết đến là một chính trị gia đáng tin cậy, một người tử tế có khả năng gắn kết lưỡng đảng. lớn lên ở Hamburg, thành phố sau này ông lên nắm quyền với tư cách thị trưởng. Ông nội của Scholz là một công nhân đường sắt, còn cha mẹ ông làm việc trong ngành dệt may.
Olaf Scholz và các anh em trai là những người đầu tiên trong gia đình học đại học. Scholz gia nhập đảng Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) khi vẫn đang còn là học sinh trung học. Là người trẻ với đầy nhiệt huyết, ông đã dành một thập niên làm luật sư bảo vệ cho các công nhân khi lợi ích của họ bị đe dọa do nhà máy đóng cửa.
Giống bà Merkel, ông Scholz được biết đến là một chính trị gia đáng tin cậy, một người tử tế có khả năng gắn kết lưỡng đảng.
Sau đó, với tư cách là tổng thư ký của đảng SDP dưới thời chính quyền trung tả của Thủ tướng Gerhard Schröder, ông Scholz đã nỗ lực bảo vệ những cải cách thị trường lao động với phong cách giống như một cỗ máy, khiến ông có biệt danh "Scholzo-mat" (Cỗ máy Scholz).
Scholz từng thua trong cuộc đua giành quyền lãnh đạo đảng trước 2 chính trị gia cánh tả cách đây 2 năm, nhưng sau đó ông đã gây kinh ngạc và ấn tượng với một số nhà phê bình gay gắt nhất trong đảng khi nỗ lực thông qua gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ euro để hỗ trợ những người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Ông Scholz, người được cho là đã giảm 12 kg, và ngừng uống rượu trước cuộc bầu cử Đức, từ lâu đã bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, một đồng minh thân cận tiết lộ ông đã nuôi tham vọng trở thành thủ tướng Đức từ năm 2011. Ngay cả những đối thủ chính trị của Scholz cũng phải thán phục ông về bản lĩnh chính trị, sức chịu đựng và niềm tin thầm lặng của ông.
Ba năm trước, khi xếp hạng tín nhiệm của đảng SDP xuống gần mức thấp kỷ lục, ông Scholz đã nói với New York Times rằng đảng của ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Đậm nét người tiền nhiệm
Olaf Scholz đã thành công trong chiến dịch tranh cử để trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức. Chiến thắng mà ông có được chủ yếu nhờ thuyết phục các cử tri rằng, ông sẽ có phong cách rất giống "tượng đài" của nước Đức - Angela Merkel.
Súc tích, ngắn gọn và không thể hiện bất kỳ cử chỉ đắc thắng nào, ông Scholz không chỉ có phong cách giống người tiền nhiệm, mà còn mang đậm khí chất điềm tĩnh và bình ổn của bà Merkel, đến mức người ta thường xuyên thấy ông đặt hai bàn tay vào nhau tạo thành hình kim cương - một cử chỉ đặc trưng của "bà đầm thép".
"Bà Merkel vượt ra ngoài chính trị đảng phái, bà ấy là tiếng nói của lý trí. Trở thành trung tâm của chính trị với trái tim của một con người, đó là những gì bà Merkel đã làm rất thành công và đó cũng là những gì ông Scholz đang hướng tới", nhà phân tích Alexander cho biết.
Sự linh hoạt về chính trị giờ đây có thể giúp ông Scholz trở thành nhà lãnh đạo hoàn hảo để giải quyết những thách thức liên tục mà ông phải đối mặt trên cương vị thủ tướng, trong đó có nhiệm vụ gắn kết liên minh 3 đảng chưa từng được thử nghiệm trước đây.
Nhưng ông Scholz cũng có nguy cơ không thể làm hài lòng mọi người. Theo các nhà quan sát, tân thủ tướng sẽ phải nỗ lực để thông qua được một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm chuẩn bị cho nước Đức hướng đến tương lai trung hòa carbon và kỷ nguyên kỹ thuật số.
Các nhà phân tích dự đoán, nếu ông Scholz quá mất tập trung vào những căng thẳng chính trị nội bộ, châu Âu và cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ cảm thấy mất vai trò lãnh đạo của Đức như thời bà Merkel.
Nhưng nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, nước Đức dưới thời ông Scholz có thể trở thành một cường quốc nòng cốt cho sự gắn kết của châu Âu, cho sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và cạnh tranh với các đối thủ chiến lược như Trung Quốc và Nga.
Thách thức chờ đón
Khi ông Scholz công bố chính phủ trung tả mới của mình hôm 24/11 và chuẩn bị nhậm chức vào tháng tới, một câu hỏi đặt ra cho Đức cũng như toàn bộ châu Âu và thế giới là: Liệu ông có thể đi vừa "đôi giày lớn" mà bà Merkel để lại không?
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào đầu tháng 12, ông Scholz sẽ phải đối phó với làn sóng Covid-19 đang bùng phát tại Đức, căng thẳng ở biên giới Ba Lan - Belarus, "điểm nóng" biên giới phía đông Ukraine, một Trung Quốc đối đầu nhiều hơn và một nước Mỹ ít tin cậy hơn.
Nhà phân tích Jana Puglierin tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho rằng áp lực đè lên vai tân thủ tướng "rất lớn".
"Chính phủ mới lên nắm quyền trong bối cảnh "nóng" trên nhiều mặt trận. Và khi nói đến chính sách đối ngoại, Olaf Scholz vẫn còn là một ẩn số", Puglierin nhận định.
Ông Scholz sẽ thể hiện như thế nào trên cương vị thủ tướng sau 2 tuần nữa cho đến nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Là thành viên trọn đời của đảng Dân chủ Xã hội, ông Scholz là một gương mặt quen thuộc trên chính trường Đức trong hơn 2 thập niên qua, từng phục vụ trong 2 chính phủ do đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel lãnh đạo, và gần đây nhất là bộ trưởng tài chính dưới thời bà Merkel.
Tuy nhiên, ông Scholz cũng được xem là một chính trị gia thực dụng, người dễ dàng nghiêng cả về cánh tả lẫn cánh hữu, đến mức khó có thể biết chính xác ông đang đứng ở đâu.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Scholz gần như không thảo luận về chính sách đối ngoại, nhưng cùng với Covid-19, đây có thể sẽ là chủ đề chiếm ưu thế trong những tháng đầu tiên của chính quyền mới. Đức sẽ tiếp quản vai trò chủ tịch G7 vào tháng 1/2022 và ông Scholz sẽ ngay lập tức thu hút sự chú ý với một loạt vấn đề quốc tế cấp bách. Các vấn đề nóng của khu vực và thế giới vẫn đang chờ tân thủ tướng Đức.
Các cố vấn của ông Scholz cho biết ông sẽ tập trung sức lực vào việc củng cố Liên minh châu Âu (EU). Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sẽ là tới gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đang đối mặt với chiến dịch tranh cử đầy khó khăn vào năm tới.
"Một châu Âu tự chủ là chìa khóa cho chính sách đối ngoại của chúng tôi. Là quốc gia mạnh nhất về kinh tế và đông dân nhất ở trung tâm châu Âu, nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho một châu Âu tự chủ trở nên khả thi, đồng thời thúc đẩy và phát triển khu vực này", ông Scholz nói hôm 24/11.
"Ông ấy giống như một cầu thủ bóng đá, chuyên nghiên cứu băng ghi hình của một cầu thủ khác để thay đổi lối chơi của mình. Từ tính khí, phong cách chính trị cho đến biểu hiện trên khuôn mặt, ông Scholz đều mang đậm nét của bà Merkel", Robin Alexander, nhà quan sát chính trị lâu năm, nhận định về ông Olaf Scholz.
Rất ít nhà phân tích kỳ vọng tân thủ tướng sẽ thay đổi hướng đi đáng kể so với bà Merkel, người đã đưa ông tới hội nghị G20 vào tháng trước và giới thiệu ông với một số nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Đừng mong đợi quá nhiều thay đổi," Nils Schmid, phát ngôn viên chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội, cho biết vào cuối tuần trước.
Đối với các đồng minh của Đức, những người đang hy vọng về lập trường cứng rắn hơn của Đức đối với Trung Quốc và Nga cũng như lời hứa hẹn về việc gia tăng chi tiêu quân sự, họ có thể cảm thấy an tâm phần nào. Nhưng với rất nhiều vấn đề nóng trên chính trường quốc tế và một số thay đổi cơ cấu địa chính trị đang diễn ra, tân thủ tướng Đức có thể sẽ phải thay đổi.
Một trong những bài kiểm tra đầu tiên của ông Scholz khi lên nắm quyền là cuộc khủng hoảng biên giới Ba Lan - Belarus. Ngoài ra, trong mối quan hệ với Nga, đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz vốn có truyền thống ôn hòa với Moscow, ủng hộ các dự án như đường ống dẫn khí đốt Nordstream II gây tranh cãi. Nhưng nếu Moscow tiến hành một cuộc xung đột khác với Ukraine, đó sẽ là bài kiểm tra quan trọng khác với tân thủ tướng Đức.
Đối với Trung Quốc, vấn đề có thể phức tạp hơn. Đảng Dân chủ Xã hội từng phát đi tín hiệu rằng, ông Scholz sẽ không đứng về phía Mỹ để cứng rắn với Trung Quốc chỉ sau một đêm.
"Nếu nhìn vào chính sách với Trung Quốc của bà Merkel, tôi nghĩ Olaf Scholz sẽ đi theo hướng này, hơn là theo chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc," Lars Klingbeil, tổng thư ký của đảng Dân chủ Xã hội và là một đồng minh thân cận của ông Scholz, cho biết vào tháng trước.
"Scholz có ảnh hưởng lớn và ông ấy sẽ còn có thêm ảnh hưởng trong nhiệm kỳ thủ tướng. Ông ấy có tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ với vị thế trên trường quốc tế, miễn là ông ấy duy trì được liên minh 3 đảng của mình", Holger Schmieding, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Berenberg, cho biết.
Một số nhà phân tích cho rằng chính phủ của ông Scholz sẽ duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Văn bản thỏa thuận của liên minh 3 đảng có hơn 10 lần đề cập đến Trung Quốc và lần đầu tiên đề cập đến vấn đề Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan.
"Lời lẽ về Trung Quốc là những ngôn từ mạnh nhất từng xuất hiện trong một thỏa thuận liên minh của Đức, phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về hướng đi của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình", nhà phân tích Noah Barkin nhận định.
Mô tả Bắc Kinh là một "đối thủ mang tính hệ thống", thỏa thuận liên minh kêu gọi một "một chiến lược toàn diện của Đức đối với Trung Quốc trong khuôn khổ chính sách chung giữa Trung Quốc và EU". Văn bản này kêu gọi Trung Quốc thực thi chính sách đối ngoại nhằm "đóng một vai trò có trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định ở khu vực lân cận", đồng thời cho biết Đức "cam kết đảm bảo rằng các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông được giải quyết trên cơ sở luật biển quốc tế".
Annalena Baerbock, đồng lãnh đạo của đảng Xanh, dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Đức, trong khi đồng lãnh đạo khác Robert Habeck có thể sẽ giữ vị trí phó thủ tướng. Đảng Xanh cam kết sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại "dựa trên thực chất" và có đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, Nga cũng các mối đe dọa khác đối với an ninh của Đức và EU.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng FDP, Christian Lindner, dự kiến sẽ trở bộ trưởng tài chính tiếp theo của Đức và cũng là người chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Đức với Trung Quốc. Ngay cả bà Merkel tuần trước cũng mô tả chính sách này là "ngây thơ".
Hans Kundnani, giám đốc chương trình châu Âu của Viện Chatham House, cho rằng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng cạnh tranh gay gắt với nhau, Đức dưới thời Merkel có thể cân bằng quan hệ giữa hai siêu cường, nhưng dưới thời Scholz, nước này có thể phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn về việc ủng hộ bên nào.
Ariane Reimers, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) có trụ sở tại Berlin, cho biết ông Scholz có thể theo đuổi chính sách thực dụng với Trung Quốc và theo định hướng kinh tế nhiều hơn, gần như tương tự con đường của bà Merkel.
"Nhưng ông ấy sẽ phải hợp nhất các quan điểm của đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do, khi cả 2 đều có cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề nhân quyền", chuyên gia Reimers nói.
Reimers cho rằng dù ai lãnh đạo nước Đức, không đảng phái chính trị nào có lợi ích khi theo đuổi chính sách đối đầu quá mức với Trung Quốc. vì bất kỳ tình huống chiến tranh Lạnh hoặc tiến sát chiến tranh Lạnh nào đều có thể gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của Đức.
Thành Đạt
Tổng hợp