Nhiều người Việt đặt mua du thuyền, máy bay riêng
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 14:08, 25/11/2021
Các nhà sản xuất du thuyền và chuyên gia hàng không cho biết trong hai năm bùng phát đại dịch COVID-19, giới nhà giàu đã thay đổi xu hướng sử dụng phương tiện đi lại. Họ mua du thuyền, máy bay riêng để việc đi lại chủ động hơn. Ngoài ra, hiện các dự án lớn, khu du lịch, resort biển cũng thiết kế bến du thuyền, bến thủy phi cơ để tăng giá trị và kết nối với các khu du lịch biển, đảo.
Đơn hàng du thuyền kín
Bà Hoàng Hà, một nhà đầu tư bất động sản tại TP.HCM, cho biết những khu đất dự án mặt tiền sông, biển đang được giới đầu tư săn lùng để thiết kế bến du thuyền cho khách sang. Tuy loại mặt hàng này có nguồn cung hạn chế nhưng giá trị rất cao. Theo bà Hà, thời gian qua dù dịch bệnh nhưng nhiều người giàu vẫn mua du thuyền để đi lại cùng gia đình và bạn bè, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Một bến du thuyền trên sông Sài Gòn. Ảnh: PHONG ĐIỀN |
Tại TP.HCM đang có hai thương hiệu du thuyền hạng sang là Seawind và Corsair Marine tổ chức sản xuất trực tiếp và xuất khẩu sang Mỹ, Úc và các nước châu Âu là chính. Du thuyền của hai thương hiệu này sản xuất, bán tại Việt Nam và xuất khẩu có giá từ vài chục ngàn đến cả triệu USD/chiếc.
Một đại diện của thương hiệu Seawind thông tin, đơn đặt hàng du thuyền của hãng đã kín đến năm 2027. Lý do là nhu cầu mua sắm của khách hàng ở nước ngoài đã thay đổi đáng kể sau khi có dịch COVID-19. Thay vì đi du lịch trên các siêu du thuyền, nhiều doanh nhân đã chuyển hướng sang mua du thuyền cá nhân. Nhà máy của hãng phải tăng công suất, đẩy nhanh tiến độ sản xuất mới kịp giao hàng cho khách.
Thủy phi cơ lấy đà cất cánh
Ngoài du thuyền, hiện một số đại gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản tại Việt Nam còn có nhu cầu mua máy bay riêng giá hàng chục triệu USD để phục vụ đi lại. Chủ yếu các loại máy bay cá nhân này do các công ty ở Đông Âu và Hong Kong khai thác.
Một chuyên gia về hàng không cho biết các dự án bất động sản, resort ven sông, biển ngoài bến du thuyền, họ còn mở ra các không gian để phát triển thủy phi cơ phục vụ du lịch và cá nhân. Ngoài du lịch, các bến thủy phi cơ sẽ giúp họ nhanh chóng di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác so với các phương tiện thông thường.
Vị này dẫn chứng một số dự án biệt thự cao cấp mặt tiền sông tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) có thể kết nối với các không gian biển bằng thủy phi cơ đến Quy Nhơn, Khánh Hòa, Phú Yên, Phú Quốc.
Dư địa phát triển thủy phi cơ hướng sông và biển tại nước ta còn rất lớn nhưng chưa được kết nối hoàn chỉnh. “Giới nhà giàu sẵn sàng chi tiền để sở hữu máy bay cá nhân, thậm chí khách du lịch cũng sẵn sàng mở hầu bao để thuê phi cơ, du thuyền đến các hòn đảo, ngắm cảnh từ trên cao” - vị này chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sengroup Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận giới nhà giàu tại Việt Nam không ít nhưng số người sở hữu máy bay, thủy phi cơ riêng còn thấp. Tuy nhiên, tiềm năng và dư địa phát triển hai loại phương tiện này khá lớn.
Ông Thanh cho biết công ty đang lên đề án khai thác du lịch tại một hòn đảo ở Phú Quốc (Kiên Giang), bởi tiềm năng khai thác thủy phi cơ đến đây để ngắm đảo, biển khá cao. Nếu phát triển tốt từ Phú Quốc có thể kết nối với các đảo trong nước và đến các đảo ở Đông Nam Á, mở hướng cho du lịch biển phát triển.
Cũng theo ông Thanh, hiện tại quần thể du lịch thuộc đảo Hòn Thơm, Phú Quốc đã có bến thủy phi cơ nhưng chủ yếu phục vụ khách du lịch. Để khai thác theo hướng kết hợp du lịch và thương mại thì cần có lộ trình dài và với không gian hướng biển hoàn toàn.
Không dễ khai thác vì thủ tục phức tạp Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho biết quy hoạch cảng hàng không, sân bay từ giai đoạn 1992-1997, đã chú ý đến không gian dành cho thủy phi cơ phát triển ra hướng biển, đảo. Thậm chí, trong giai đoạn đó đã phát triển đội thủy phi cơ gồm năm chiếc nhưng vì nhiều lý do nên đến nay chưa phát triển như mong đợi. TS Châu nhìn nhận ông là người tâm huyết với lĩnh vực này và có đội ngũ chuyên gia am hiểu về thủy phi cơ, nếu kết hợp cùng các nhà đầu tư có uy tín sẽ mở ra cơ hội phát triển rộng lớn. Với không gian biển, đảo rộng thì việc phát triển du lịch trên không lẫn mặt nước giúp người dân tiếp cận các hòn đảo đa dạng hơn. Theo TS Châu, sân bay Cà Mau có thể làm căn cứ để mở rộng và phát triển loại hình máy bay cá nhân, thủy phi cơ kết nối rộng lớn với các nước Đông Nam Á, Úc, thu hút khách du lịch, thông thương đi lại giữa các nước. Đại diện một tập đoàn bất động sản lớn cho biết khi triển khai các dự án nghỉ dưỡng ven biển đều có tính đến bến cảng du thuyền và thủy phi cơ. Tuy nhiên, thực tế để khai thác bến cảng du thuyền thì dễ hơn, riêng thủy phi cơ thì rất nhiều thủ tục, rất phức tạp. Để đăng ký khai thác hình thức này phải qua nhiều khâu kiểm duyệt, dù nhu cầu thực tế ngày càng nhiều. “Về lâu dài đây là hướng tốt vì ngày càng có nhiều người mua máy bay cá nhân, đi du lịch bằng máy bay riêng nhưng tôi nghĩ phải 10 năm nữa thì các dịch vụ này mới phát triển” - vị này chia sẻ. |