Xúc tiến thương mại linh hoạt với mô hình trực tuyến
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:12, 24/11/2021
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, thông qua hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến như hội thảo, hội nghị kết nối cung-cầu trực tuyến với các địa phương trên toàn quốc cũng như với các đối tác quốc tế, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã có điều kiện tiếp xúc và hợp tác thương mại với nhiều đối tác mới.
Triển lãm từ xa mang lại hiệu quả
Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), bằng việc triển khai hoạt động giao thương trực tuyến đã hỗ trợ được các DN, địa phương trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, ngoài hội nghị kết nối cung-cầu với các địa phương, hội nghị kết nối trực tuyến với các đối tác, bạn hàng quốc tế lớn, 2021 là năm đầu tiên tổ chức thí điểm triển khai cho các DN Việt Nam tham gia triển lãm từ xa ở các hội chợ, triển lãm uy tín lớn.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hội chợ, triển lãm từ xa là hình thức hoàn toàn mới trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Khi đó, DN không cần có mặt mà chỉ gửi sản phẩm của DN tới ban tổ chức hội chợ, triển lãm để họ trưng bày trực tiếp. “Việc kết nối, trao đổi thông tin giữa DN Việt Nam với đối tác nước ngoài sẽ thực hiện qua các nền tảng số như hội nghị giao thương kinh tế số của ban tổ chức cung cấp”, ông Chiến nói.
Cũng theo ông Chiến, hình thức triển lãm trực tuyến cũng được đẩy mạnh hơn trong năm 2021. Các DN được tạo lập gian hàng trên môi trường trực tuyến (gian hàng ảo). Sản phẩm của DN được trưng bày thông qua các video clip, các hình ảnh chụp và thông tin cụ thể của sản phẩm, của DN tại kệ gian hàng ảo. Các khách hàng sẽ tham quan và tìm hiểu thông tin sản phẩm, hoàn toàn không có tiếp xúc trực tiếp.
Bà Nguyễn Việt Hồng, Phụ trách Ban Kinh tế xúc tiến thương mại, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến bước đầu đã đem lại những kết quả rất đáng ghi nhận. DN có thể tiếp cận thị trường nhanh, chi phí không tốn kém. Trước kia, DN tham gia hoạt động xúc tiến trực tiếp phải trả các chi phí cho vé máy bay, vận chuyển hàng hoá, đi lại, ăn ở… Với hình thức trực tuyến, DN chỉ cần làm tốt hoạt động về marketing, giới thiệu hình ảnh sản phẩm, hình ảnh DN.
Bên cạnh đó, nếu như trước kia, khi DN tham gia hội chợ chuyên ngành thường là chỉ áp dụng cho một nhóm sản phẩm, nhưng nay hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trực tuyến đã hướng DN đến nhiều đối tượng khách hàng và cùng lúc có thể tổ chức xúc tiến với nhiều ngành hàng khác nhau. Đây là hoạt động rất hữu ích cho DN.
“Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã triển khai các dự án liên quan khác như mở tài khoản trên sàn giao dịch thương mại điện tử B2B (DN tới DN), B2C (DN - người tiêu dùng). Hiệp hội cũng triển khai dự án liên quan đến sàn thương mại điện tử B2B. Đến nay, kết quả đem về khá đáng kể. Các DN của Hiệp hội tham gia đã tiếp cận được các hệ thống lớn của Mỹ, Australia, EU…”, bà Hồng cho biết.
Cẩn trọng những rủi ro
Mặc dù bước đầu thành công với những mô hình tiếp thị, quảng bá mới, song nhiên theo bà Hồng, việc chuyển đổi tiếp cận thị trường từ mô hình trực tiếp sang trực tuyến nổi lên một số nhược điểm. Hoạt động marketing của DN Việt Nam chưa thực sự mang đúng tính chất là marketting. Đáng chú ý, đây là những hoạt động giao dịch trên nền tảng online nên nhiều rủi ro có thể xảy ra.
“DN Việt Nam chưa thể tìm hiểu kỹ về đối tác định giao dịch, tất cả chỉ qua không gian ảo. Để khắc phục điều này, các DN cần sự hỗ trợ từ các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng như đại sứ quán Việt Nam hay sự hỗ trợ của sở công hương các tỉnh, thành phố. Khi triển khai xúc tiến thương mại trực tuyến rất cần có sự liên kết chặt chẽ để tránh rủi ro cho DN”, bà Hồng lưu ý.
Một điểm hạn chế được bà Hồng chỉ ra nữa là khi quảng bá trực tuyến cần nhấn mạnh yếu tố hình ảnh. Trong khi đó, các DN Việt Nam lại chưa thực sự đầu tư cho hình ảnh sản phẩm của DN. Điều quan trọng là DN phải đồng hành cùng cơ quan quản lý xúc tiến thương mại cũng như UBDN các tỉnh, thành phố. DN phải có kiến thức, sự chuẩn bị nhất định để hoạt động xúc tiến hiệu quả hơn.
Để khẳng định tính hiệu quả cũng như nhân rộng các mô hình xúc tiến thương mại mới, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, hiện nay Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Đề án đang được các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng và dự kiến thời gian sắp tới Thủ tướng sẽ ký ban hành quyết định phê duyệt Đề án này.
“Đề án này là nền tảng, trong đó có đưa ra các mục tiêu cũng như giải pháp cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bộ, ban, ngành, địa phương, thể hiện sự chung tay của cộng đồng DN, hiệp hội, ngành hàng trong quá trình triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại”, ông Chiến nêu rõ./.