Bắc Ninh phục dựng 'phiên chợ âm - dương' mua may, bán rủi
Xã hội - Ngày đăng : 20:08, 23/11/2021
Ngày 23/11, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) phối hợp Viện Sử học, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Phiên chợ âm dương - Giá trị lịch sử văn hóa".
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học cho biết theo truyền ngôn từ gần 2.000 năm trước, trên địa bàn Ma Ổ trang hay còn gọi là làng Ó (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh ngày nay) đã hình thành một lễ hội đặc biệt. Đó là phiên chợ âm - dương, diễn ra vào mùng 4, mùng 5 tháng Giêng hàng năm.
Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) thì gặp quân của Hai Bà Trưng và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh. Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về chiến trường xưa tưởng nhớ người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán.
Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở 1 lần vào đêm mùng 4, rạng ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó, sinh ra chợ âm - dương.
Phiên chợ dựa trên quan niệm dân gian cho rằng người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi, những người đi chợ không dám nói cười ồn ào, vì sợ linh hồn hoảng sợ; không dám thắp đèn vì sợ gà sẽ cất tiếng gáy, làm linh hồn tan tác…
Mặt hàng được mua bán nhiều nhất trong chợ là những chú gà đen và các đồ vật tế lễ. Ngay ở cổng chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm dương. Người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm tiền. Họ cũng không tỏ vẻ bực tức, khó chịu nếu nhận phải “tiền ma” mà coi đó chuyện làm điều phúc, điều thiện. Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước, ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, phiên chợ độc đáo không còn tổ chức và chỉ đọng lại trong trí nhớ của người dân.
Hội thảo khoa học "Phiên chợ âm dương - Giá trị lịch sử văn hóa" được tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu đã xoay quanh những nội dung về nguồn gốc, lịch sử cũng như ý nghĩa phục dựng phiên chợ này.
Văn Chương