Tin thế giới 23/11: Nga 'nóng mặt' ra tuyên bố quả quyết giữa ì xèo với Ukraine; Mỹ lặng im; Ba Lan gọi Nga là đạo diễn

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:16, 23/11/2021

Căng thẳng gia tăng ở biên giới Nga-Ukraine, Dòng chảy phương Bắc 2, quan hệ giữa Nga với Mỹ và Moldova, khủng hoảng di cư và căng thẳng biên giới EU-Belarus, quan hệ Israel-Iran, IAEA-Iran là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tin thế giới 23/11: Nga lo lắng vô cùng về 'sự khiêu khích' của Ukraine; Mỹ lặng im; Ba Lan gọi Nga là đạo diễn giữa khủng hoảng di cư
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga không có kế hoạch tấn công bất kỳ ai cũng như không đưa ra bất kỳ kế hoạch gây hấn nào. (Nguồn: TASS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Vấn đề Ukraine: Nga tỏ "vô cùng quan ngại", Mỹ vẫn lặng im

Ngày 23/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga không có kế hoạch tấn công bất kỳ ai cũng như không đưa ra bất kỳ kế hoạch gây hấn nào.

Trả lời báo giới, ông Peskov nêu rõ: "Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố ở nhiều cấp độ khác nhau rằng Nga không có ý định tấn công bất kỳ ai. Nga không đưa ra bất kỳ kế hoạch gây hấn nào. Và hoàn toàn sai lầm khi nói điều ngược lại".

Quan chức Nga khẳng định, "hoàn toàn sai lầm khi gắn bất kỳ hoạt động nào của các lực lượng vũ trang Nga trên khắp lãnh thổ đất nước chúng tôi với những kế hoạch tương tự. Điều này không đúng".

Bên cạnh đó, người phát ngôn Điện Kremlin cho hay, nước này vô cùng quan ngại trước các hành động khiêu khích của quân đội Ukraine trên tuyến giao tranh ở Donbass cũng như sự chuẩn bị của Kiev cho việc xử lý xung đột tại khu vực này bằng vũ lực.

Bình luận thông tin gần đây của truyền thông Mỹ rằng, Washington đang xem xét đưa các cố vấn quân sự và nhiều loại vũ khí đến Ukraine, bao gồm cả tên lửa phòng không vác vai Stinger, ông Peskov đánh giá, "không loại trừ điều này vì nó đã và đang xảy ra".

Theo quan chức Điện Kremlin: "Các cố vấn quân sự và hệ thống vũ khí đang đến đó. Không chỉ từ Mỹ, mà còn từ các nước khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây Dương (NATO). Tất cả những điều này làm gia tăng căng thẳng".

Tuy nhiên, cùng ngày, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã từ chối bình luận các thông tin từ truyền thông Mỹ đưa ra về kế hoạch Washington định gửi thêm vũ khí và cố vấn quân sự cho Ukraine.

Trong diễn biến khác, cũng trong ngày 23/11, hai tàu tuần tra cũ được tân trang lại thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã cập cảng Odessa của Ukraine ở khu vực Biển Đen để tăng cường năng lực hải quân Ukraine.

Một chỉ huy lực lượng hải quân Ukraine nhấn mạnh: "Chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của phía Mỹ nhằm ngăn chặn hành vi gây hấn có vũ trang của Nga nhằm vào Ukraine". (TASS, Reuters)

Dòng chảy phương Bắc 2: Mỹ áp trừng phạt mới, Nga không thể chấp nhận'

Ngày 22/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo, nước này đã áp đặt các lệnh trừng phạt tiếp theo liên quan dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Các lệnh trừng phạt mới được áp dụng đối với một thực thể liên quan Nga là công ty Transadria Ltd., trong khi con tàu Marlin của công ty này cũng được xếp vào diện “tài sản phong tỏa”.

Bình luận về thông báo trên, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố các nỗ lực của Washington duy trì đối thoại với Moskva bằng cách trừng phạt là không thể chấp nhận được và vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo nhà ngoại giao Nga, Mỹ vừa muốn trì hoãn Dòng chảy phương Bắc 2, trong khi kêu gọi Nga tăng nguồn cung năng lượng cho châu Âu để giảm thiểu hậu quả của cuộc khủng hoảng nhiên liệu.

Ông nhấn mạnh: "Đối thoại bằng trừng phạt là không chấp nhận được và vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi coi mọi nỗ lực cản trở hoạt động xuất khẩu dầu mỏ-khí đốt của Nga tới châu Âu là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hủy hoại các nguyên tắc thị trường tự do". (TASS)

Ngoại trưởng Ba Lan gọi Nga là "đạo diễn" cuộc khủng hoảng ở biên giới với Belarus

Ngày 23/11, hãng thông tấn TASS dẫn lời Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho hay, nước này sẵn sàng thảo luận với giới lãnh đạo hiện tại của Belarus (ám chỉ chính quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko) về cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ở biên giới hai nước ở "cấp độ kỹ thuật".

Theo nhà ngoại giao Ba Lan: "Warsaw cũng sẵn sàng thảo luận với Nga về cuộc khủng hoảng di cư này, nhưng các cuộc đàm phán liên quan Minsk và mối quan hệ Ba Lan-Belarus cũng như tương lai của Belarus nên được tổ chức với phe đối lập của Belarus".

Ông Rau cho hay: "Các vấn đề liên quan vận mệnh chính trị của Minsk cần được nêu ra và đây là một mục tiêu quan trọng trong chính sách Ba Lan, mà công chúng Belarus tin tưởng".

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Ba Lan gọi Nga là "đạo diễn" của cuộc khủng hoảng hiện nay ở biên giới, trong khi Belarus được mô tả là "người biểu diễn", bất chấp việc Moscow và Minsk đều bác bỏ các cáo buộc có dính líu đến cuộc khủng hoảng này.

Êm xuôi chưa bao lâu, Nga cảnh báo nóng Moldova

Ngày 22/11, Đại diện chính thức của Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom Sergey Kupriyanov cho hay, Tập đoàn này đã thông báo cho Moldova về khả năng ngừng cung cấp khí đốt trong 48 giờ tới do Chisinau chưa thanh toán các khoản nợ trị giá 74 triệu USD cho các đợt nhận hàng gần đây

Trước cảnh báo này, ngày 23/11, Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu cam kết 2,6 triệu công dân sẽ không gặp phải tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Cơ quan báo chí của Điện Kremlin cho hay, trong cuộc điện đàm diễn ra với Thủ tướng Italy Mario Draghi, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Moscow sẵn sàng cung cấp liên tục và lâu dài khí đốt tự nhiên cho châu lục. (TASS)

Israel tố Iran tấn công mục tiêu trên biển, cảnh cáo cứng

Ngày 23/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cáo buộc Iran tiến hành hoạt động tấn công các mục tiêu trên biển từ các căn cứ ở Chabahar và đảo Qeshem, đồng thời cho rằng, những địa điểm này cũng được sử dụng để chứa các máy bay chiến đấu không người lái.

Cùng ngày, đánh giá Iran đang "ở trong giai đoạn tiên tiến nhất của chương trình hạt nhân", Thủ tướng Israel Naftali Bennett phát đi tín hiệu về việc không ngại đối đầu với Iran.

Thủ tướng Bennett khẳng định lại quyền tự chủ của Israel trong việc hành động chống lại kẻ thù không đội trời chung này, nêu rõ: "Chúng ta đang đối mặt với thời điểm phức tạp. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả khi quay trở lại thỏa thuận, Israel chắc chắn không phải là một bên của thỏa thuận và không bị ràng buộc". (Reuters)

Armenia thông báo 1 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc chạm súng với Azerbaijan

Ngày 23/11, Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, 1 binh sĩ 19 tuổi của nước này đã thiệt mạng trong một cuộc chạm súng trên biên giới với Azerbaijan ngày 22/11.

Yerevan cho biết, binh sĩ này đã thiệt mạng sau khi lực lượng Azerbaijan nã "đạn nhiều kích cỡ khác nhau” vào các vị trí của Armenia ở tỉnh biên giới phía Đông Gegharkunin. Vụ đấu súng diễn ra lúc 18h10 ngày 22/11 theo giờ địa phương và chấm dứt lúc 19h30.

Vụ việc là căng thẳng mới nhất giữa hai nước láng giềng thù địch kể từ sau cuộc chiến tranh giành vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh năm ngoái.

Tuần trước, Armenia thông báo 6 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với Azerbaijan, 13 người khác bị lực lượng của Baku bắt giữ và 24 quân nhân mất tích. Trong khi Azerbaijan cho biết 7 binh sĩ của họ đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ngày 16/11 và 10 người bị thương. (RFERL)

Nói muốn tăng cường hợp tác, IAEA được Iran khuyên đừng để bị lợi dụng

Trong cuộc thảo luận với Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami tại thủ đô Tehran ngày 23/11, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi tuyên bố, ông muốn tăng cường hợp tác với Iran.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung trên truyền hình, ông Eslami tuyên bố, Tehran quyết tâm giải quyết các vấn đề kỹ thuật với IAEA mà không "chính trị hóa vấn đề này".

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, IAEA nên "tiếp tục con đường hợp tác kỹ thuật với Iran".

Phát biểu tại buổi họp báo hàng tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh, IAEA "không nên để một số quốc gia lợi dụng tên tuổi phục vụ mục đích chính trị".

Liên quan vòng đàm phán mới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015, ngày 22/11, Iran khẳng định, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là yếu tố quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Theo ông Khatibzadeh: "Nếu thoả thuận hạt nhân Iran 2015 không mang lại lợi ích kinh tế cụ thể và việc bình thường hóa ngoại thương cho Iran thì Mỹ nên biết rằng cơ hội này sẽ không tồn tại mãi mãi".

Hoàng Hà