Tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên ở TP.HCM tiếp tục bị trì hoãn

Xã hội - Ngày đăng : 17:37, 23/11/2021

Tuyến buýt nhanh - BRT số 1 đầu tiên của TP.HCM kết nối với tuyến metro tiếp tục bị trì hoãn thực hiện do nhiều yếu tố không phù hợp cần rà soát lại.

Sở GTVT TP.HCM vừa có kiến nghị UBND TP.HCM rà soát một số nội dung của dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM (gọi tắt là tuyến xe buýt nhanh BRT số 1).

Theo Sở GTVT TP, từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng dịch Covid-19 đã tác động lớn đến tiến trình phát triển kinh tế xã hội của thành phố, vận tải hành khách công cộng không đạt được như kỳ vọng do phải tạm ngừng hoạt động, số lượng tuyến xe buýt giảm, sản lượng hành khách giảm; các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng song song với kiểm soát xe cả nhân chậm triển khai...

Việc này làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của dự án khi đưa vào hoạt động, khai thác.

Tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên ở TP.HCM tiếp tục bị trì hoãn
Tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của TP.HCM vẫn chưa thể khởi động

Sở GTVT cho biết, sản lượng dự kiến hành khách năm 2022 khi đưa dự án được đưa vào sử dụng là hơn 28.000 hành khách/ngày không đảm bảo như dự tính. Nguyên nhân do tuyến đường sắt đô thị Bến thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) chưa xong ảnh hưởng đến việc dự kiến sản lượng trung chuyển hành khách từ nhà ga Rạch Chiếc về Bến xe Chợ Lớn, An Lạc.

Do đó, việc đầu tư tuyến buýt nhanh BRT khi chưa đảm bảo một số yếu tố dẫn đến hiệu quả của dự án không được đảm bảo, không đạt được sản lượng như kỳ vọng...

Tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên ở TP.HCM tiếp tục bị trì hoãn
Thiết kế nhà chờ tuyến buýt BRT

Trên cơ sở rà soát nhiều yếu tố, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP tạm thời hoãn thực hiện dự án cho đến khi khắc phục các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tính khả thi của dự án như trên. Tạm dừng bước thẩm định thiết kế kỹ thuật do thời điểm sau này khi triển khai thực hiện sẽ phải tiếp tục điều chỉnh về định mức, đơn giá, quy định khác ... cho phù hợp tình hình thực tế.

Dự án xây dựng tuyến BRT số 1 của TP.HCM được phê duyệt năm 2013, tổng mức đầu tư gần 156 triệu USD. Năm 2020, dự án được điều chỉnh giảm còn 143 triệu USD, gồm hơn 121 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á, còn lại vốn đối ứng trong nước.

Theo thiết kế, tuyến có chiều dài toàn tuyến là 26km, điểm đầu tại nút giao An Lạc kết nối vào ga Rạch Chiếc của tuyến metro số 1.

Tuấn Kiệt