Thanh tra quỹ đất nhà xã hội, quỹ bảo trì: 11 tỉnh thành trong danh sách
Kinh doanh - Ngày đăng : 16:39, 23/11/2021
Nhiều tỉnh, doanh nghiệp trong tầm ngắm thanh tra
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Xây dựng. Quyết định giao Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng tổ chức triển khai, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch thanh tra, định kỳ báo cáo Bộ trưởng theo quy định.
Theo danh mục thanh tra năm 2022 kèm theo Quyết định, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư.
2 đơn vị nằm trong danh sách này đó là Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Nội dung thanh tra là công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng sẽ tiến hành công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng tại 3 tỉnh, đó là: UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Tuyên Quang, UBND Hậu Giang. Nội dung thanh tra các tỉnh nêu trên sẽ tập trung vào công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng trong các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch, hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đáng chú ý, tại kế hoạch thanh tra năm nay, Bộ Xây dựng quyết định tiến hành thanh tra 2 chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Hai nội dung thanh tra diện rộng loạt chủ đầu tư, địa phương
Ở chuyên đề diện rộng thứ nhất, đối tượng thanh tra gồm chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn thành phố.
Còn tại chuyên đề diện rộng thứ hai, đối tượng thanh tra sẽ gồm UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn (quan tâm đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp).
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra năm 2022, sẽ tập trung vào việc thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về giải quyết khiếu nại về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất (dự kiến từ 2 - 4 đoàn).
Trước đó, tại hội nghị sơ kết hôm 3/11, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ trưởng về kế hoạch thanh tra năm 2022. Trong kế hoạch đưa ra, đáng chú ý là 2 chuyên đề thanh tra diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và việc thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội. Cả hai nhóm nội dung thanh tra nêu trên đều nhận được sự quan tâm từ phía dư luận thời gian qua. Trong đó, tình trạng tranh chấp về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì từng nổ ra gay gắt tại nhiều chung cư, gây méo mó thị trường, ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội.
Việc bố trí quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cũng từng bị vạch ra nhiều bất cập khi thực tế một số địa phương phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn chưa bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, nhiều dự án không bố trí diện tích đất dành cho nhà ở xã hội theo quy định.
Ngay tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đồng ý giao Thanh tra Bộ 2 nội dung nêu trên. Trong đó, thanh tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời với đẩy mạnh công tác thanh tra, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất, chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp.
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết sẽ thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các kế hoạch thanh tra được giao. Trong đó, với hai chuyên đề diện rộng, Thanh tra Bộ sẽ thực hiện tại 11 tỉnh và hướng dẫn Thanh tra Sở xây dựng các tỉnh. Sau thanh tra, Thanh tra Bộ sẽ có những giá tổng thể báo cáo Bộ trưởng, đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi chính sách phù hợp.
Nguyễn Mạnh