Giá thực phẩm leo thang mãi không xuống, người bán, người mua cùng 'méo mặt'
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:23, 23/11/2021
Nguồn cung hạn chế cùng việc "tát nước" theo...giá xăng được cho là nguyên nhân khiến các loại thực phẩm, rau xanh tăng giá vùn vụt nhiều ngày qua. Theo khảo sát, nhiều mặt hàng thiết yếu ở các chợ truyền thống, siêu thị Hà Nội đang ở mức giá cao, dù việc giãn cách xã hội đã kết thúc gần 2 tháng.
Tại chợ truyền thống, nhiều loại rau xanh đã đắt gần gấp đôi so với cuối tháng 8/2021 - thời điểm các chợ đầu mối hoạt động trở lại sau khoảng thời gian tạm đóng cửa để chống dịch: Cải chíp, cải xanh giá dao động 20.000 - 22.000 đồng/kg; cải bắp giá 25.000 - 28.000 đồng/kg.
Còn trong các siêu thị, các loại rau xanh phổ biến như rau muống, rau cải xanh, cải cúc... giá từ 39.500 - 48.000 đồng/kg.
Giá các loại rau gia vị còn tăng mạnh hơn, chẳng hạn như hành, mùi. Thời điểm cao nhất, giá đạt khoảng trên 60.000 đồng/kg, tức là có lúc đắt ngang ngửa thịt heo. Hiện tại, giá hành lá tại các chợ vẫn đang giữ ở mức cao từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Không chỉ rau xanh mà giá thịt heo sau một thời gian ngắn hạ "nhiệt" cũng đã nhanh chóng tăng trở lại và được người bán dự đoán sẽ còn cao nữa cho đến Tết. Hiện các loại thịt đang có giá khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kg. Còn trong siêu thị, giá cao hơn rất nhiều, từ 130.000 - 170.000 đồng/kg.
Tại TP.HCM, tình hình cũng không khả quan hơn khi giá thực phẩm đang "leo thang" thấy rõ, tuy mức tăng chưa đột biến như thời điểm đầu tháng 7. Nhiều tiểu thương cho biết, nguồn cung đang ít hơn, khi nông dân không dám sản xuất nhiều vì lo sợ dịch bệnh, cũng như giá phân bón, hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật lại tăng gấp 2-3 lần kết hợp với giá xăng liên tục lên cao.
Giá thực phẩm tăng khiến bữa ăn hàng ngày trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều, các bà nội trợ lo lắng, phải đắn đo, tính toán chi li hơn để chủ động được nguồn chi, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn rình rập.
Chị Nguyễn Thúy (trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) than, giá mọi mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức cao trong khi thu nhập của chị bị giảm 30% do ảnh hưởng của COVID-19.
“Giờ là lúc phải đắn đo, cân nhắc trước khi quyết định mua thứ gì đó. Tôi cố gắng chỉ mua những thứ cần thiết nhất trong mỗi lần đi chợ. Cầm 500.000 đồng đi siêu thị thấy chẳng mua được bao nhiêu, trong khi trước đó phải mua được cho vài ngày ”, chị Thuý nói.
Chỉ vào túi rau xanh vừa mua ở chợ, chị Thu Lan (Vĩnh Tuy, Hà Nội) liệt kê: "Tôi chỉ mua một mớ rau muống, một mớ cải cúc, một mớ cải xoong, ít rau mùi, thì là mà cũng mất đến 65.000 đồng. Trước kia, có lúc giá chỉ bằng nửa thế này".
Chị Hoàng Nhung (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Quanh đi quẩn lại thì bữa ăn gia đình cũng chỉ ngần ấy món. Nhìn lại thì thứ gì cũng tăng giá một chút khiến chi phí ăn uống tăng lên. Trước kia, nếu tính toán khéo, tôi hoàn toàn có thể soạn 1 bữa ăn ngon cho 4 người chỉ với chi phí 100.000 đồng. Nhưng hiện giờ thì rất khó, nếu được thì cũng phải co kéo giảm bớt rau xanh và sử dụng các loại thực phẩm thay thế rẻ hơn như trứng, đậu hay đồ ăn chế biến sẵn. Để hạn chế chi tiêu nhiều trong thời dịch bệnh, tôi đành tận dụng bằng cách tăng cường nhờ người thân ở dưới quê gửi rau xanh, trứng thịt lên hoặc rủ bạn bè cùng mua chung những nguồn thực phẩm giá rẻ để mua được nhiều và ăn dần trong nhiều ngày”.
Giá cả tăng cao không chỉ khiến người tiêu dùng mệt mỏi mà ngay người bán cũng lo "méo mặt". Một tiểu thương bán rau củ tại chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, giá các mặt hàng đắt đỏ khiến việc buôn bán trở nên khó khăn hơn, trong khi họ vẫn phải chịu mối lo chung như mọi khách hàng khác.
“Giá thực phẩm đắt khiến mọi người chuyển hướng mua sắm ít hơn, tính toán chi li hơn, chúng tôi vì thế bán được ít hàng hơn. Tôi không dám nhập hàng vế nhiều như trước và đều phải nghĩ thật kỹ, làm sao để không bị thừa quá nhiều hàng. Rau xanh không để được lâu nên giờ mà không bán được thì chỉ đổ bỏ. Tôi cũng phải tăng lượng bán rau củ lên vì giá loại hàng này bình ổn hơn, được lòng người mua hơn. Làm ăn khó khăn, trong khi giá xăng dầu, giá gas cứ tăng vùn vụt, chi ngày càng nhiều hơn thu, thật đáng lo".
Nhiều tiểu thương khác cũng lo lắng khi giá cả ngày càng không "dễ chịu". "Tôi là người bán thịt heo. Có thể tôi dễ dàng mua được nguồn hàng rẻ hơn người khác vì có sẵn mối. Nhưng tôi cũng là người tiêu dùng, bữa cơm của gia đình tôi cũng phải bao gồm các thực phẩm khác. Chưa kể, các hàng thiết yếu đang tăng cũng khiến tôi không ngừng lo lắng. Bởi vậy, dù là người bán nhưng tôi vẫn mong giá cả được bình ổn, "dễ thở" hơn để mọi sinh hoạt của người dân lại trở về bình thường. Có như thế chúng tôi mới yên tâm buôn bán", chị Hoài Thu (chợ Vĩnh Tuy, Hà Nội) nói.
HẠO NHIÊN