TPHCM chỉ còn 7.000 liều thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19
Tin Y tế - Ngày đăng : 19:42, 22/11/2021
Được cấp thêm 5.000 liều Molnupiravia
Tại họp báo chiều 22.11, Báo Lao Động đặt câu hỏi: Hiện nay, F0 tại TPHCM đang tăng và hiện nguồn thuốc Molnupiravir đang sắp hết. Vừa qua TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế cấp thêm vậy hiện nay đã cấp thêm được bao nhiêu và liệu có thiếu thuốc trong những ngày tới không? Nếu thiếu thì xử lý như thế nào?
Trả lời vấn đề này, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay mới đây Sở Y tế đã trình Bộ Y tế đề nghị cấp thêm cho TPHCM 100.000 liều thuốc Molnupiravir để có thể hỗ trợ sớm nhất cho F0 đang điều trị tại nhà.
Ngay sau đề nghị, sáng nay (22.11), Bộ Y tế đã điều chuyển 5.000 liều. Bà Mai cho hay, TPHCM còn 2.000 liều Molnupiravir, như vậy hiện chỉ còn 7.000 liều, cộng thêm với một số đã được cấp phát về địa phương.
Theo bà Mai, Bộ Y tế cũng đang điều chuyển thuốc về TPHCM theo yêu cầu điều trị của thành phố.
Thuốc kháng virus Molnupiravir, còn gọi túi thuốc C, cùng với túi thuốc A (thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng), túi thuốc B (kháng viêm, kháng đông), được cung cấp cho F0 tại nhà ở TPHCM những tháng qua, góp phần giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tử vong.
Chấn chỉnh tình trạng không tiếp nhận khai báo của F0
Báo chí phản ánh thời gian gần đây xuất hiện tình trạng người dân xét nghiệm dương tính nhưng không báo địa phương do có trường hợp báo cũng không được đến xét nghiệm hay cấp thuốc, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết đơn vị có ghi nhận tình trạng này.
Theo ông Tâm, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là một số trạm y tế địa phương không đủ nhân sự hoặc đường dây nóng hoạt động chưa thông suốt. Về việc này, ông Tâm cho hay Sở Y tế sẽ chấn chỉnh.
Ông Tâm cho biết theo quy trình, nếu người dân tự xét nghiệm, phát hiện dương tính sẽ báo cho trung tâm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động. Theo quy định, trong 24 giờ, trạm y tế cử nhân viên xuống tận nhà người dân kiểm tra, qua đó sẽ có đánh giá tình trạng bệnh cũng như điều kiện cách ly tập trung hay tại nhà.
“Hiện có một số người dân khi báo không được cấp thuốc, không xuống ghi nhận nên họ không báo nữa và gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. F0 không ai biết, đi lung tung. Ngoài ra, việc không khai báo còn thiệt hại cho gia đình người F0”, ông Tâm nói.
Lí giải điều này, ông Tâm cho hay theo quy định, không phải trường hợp nào cũng được cấp thuốc. Tuy nhiên, những trường hợp F0 sau khi báo cáo sẽ được theo dõi, nếu bệnh nhân chuyển nặng sẽ được đưa lên tuyến trên để can thiệp, còn những F1 trong gia đình cũng được theo dõi, quản lý và bảo vệ.
Ông Tâm đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông quy định cấp phát thuốc để người dân hiểu.
Trạm y tế địa phương cần thường xuyên theo dõi lực lượng có đủ đáp ứng, đảm bảo tiếp nhận thông suốt đường dây nóng.