Thỏa thuận 'nhạy cảm' của liên minh Mỹ - Anh - Australia khiến Trung Quốc lo lắng
Đối ngoại - Ngày đăng : 13:30, 22/11/2021
Hôm nay (22/11), Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đã cùng các nhà ngoại giao Mỹ và Anh chính thức ký kết một thỏa thuận cho phép trao đổi “thông tin nhạy cảm về động cơ hạt nhân trong lực lượng hải quân”. Đây được xem là bước tiến đầu tiên trên hành trình hiện thực hóa kế hoạch trang bị tàu ngầm hạt nhân cho hải quân Australia theo khuôn khổ liên minh quốc phòng mới được thành lập giữa Mỹ - Anh - Australia mang tên Aukus.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây cũng là lần đầu tiên một thỏa thuận về công nghệ được ký kết công khai kể từ khi Mỹ - Anh - Australia công bố về sự ra đời của Aukus hồi tháng Chín. Aukus được xem là một giải pháp nhằm đối phó với những căng thẳng chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương, nơi Mỹ - Trung đang tăng cường cạnh tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton. (Ảnh: EPA-EFE) |
Hôm 19/11, trước thời điểm diễn ra buổi lễ ký kết thỏa thuận công nghệ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dutton với quyền đại sứ Mỹ Michael Goldman và đại sứ Anh Victoria Treadell ở Canberra, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh “thỏa thuận sẽ cho phép hợp tác tăng cường giữa các bên”.
Theo nội dung trong thỏa thuận Aukus, Australia sẽ sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân hiện đại để thực hiện những sứ mệnh tầm xa và tàng hình. Thông qua Aukus, 3 nước Mỹ - Anh - Australia còn chia sẻ thông tin an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và năng lực không xác định dưới biển.
Cho tới nay chỉ có 6 nước vận hành tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí nguyên tử gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Anh. Nếu như dự án Aukus thành công, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nhưng không có vũ khí hạt nhân đi kèm.
Ngay sau khi Mỹ - Anh - Australia thông báo về sự ra đời của Aukus, Trung Quốc đã vô cùng tức giận. Bắc Kinh nhấn mạnh Aukus là mối đe dọa “vô trách nhiệm cực lớn” đối với sự ổn định của khu vực.
Ngoài ra, Pháp cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ khi bị “đánh úp”. Nguyên nhân là do sau thông báo tham gia liên minh Aukus, Australia đã hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm điện - diesel trị giá 65 tỉ USD với Pháp
Về phần mình, Thủ tướng Australian Scott Morrison nhấn mạnh việc tham gia Aukus là vì lợi ích quốc gia, dù ông biết chuyện này “sẽ làm mất lòng một số người”.
Vào ngày 19/11, quan chức điều phối chính sách của Nhà Trắng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là ông Kurt Campbell cho biết mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ với các đối tác đang khiến Trung Quốc "khó chịu". Thậm chí, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rõ với Tổng thống Biden trong cuộc họp trực tuyến đầu tiên diễn ra hôm 15/11 rằng, hoạt động đẩy mạnh mối quan hệ của Washington với các đồng minh mang tư tưởng Chiến tranh Lạnh.
Ông Campbell nhận định liên minh Aukus là phản ứng trước hoạt động mở rộng quân sự của Trung Quốc, vấn đề mà Mỹ đang xem là một trong những chuyện lớn nhất cần phải xử lý trong thời hiện đại. Ông Campbell nhấn mạnh thêm, Ấn Độ cũng đang là đối tác “quan trọng” trong chiến lược tương lai của Mỹ ở khu vực.
Cũng theo ông Campbell, Bộ Tứ Kim Cương với 4 thành viên là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia cũng nhằm mở rộng sự hợp tác giữa các bên và Nhật Bản đã đồng thuận tổ chức một cuộc họp của nhóm vào năm 2022.
Phát biểu trong một diễn đàn trực tuyến vào ngày 19/11, cựu Thủ tướng Shinzo Abe cho hay Nhật Bản nên hợp tác với các đối tác an ninh trong liên minh Aukus trong lĩnh vực tình báo, trí tuệ nhân tạo, năng lực mạng và công nghệ lượng tử.
“Điều này là cực kỳ quan trọng để triển khai các nỗ lực nhiều lớp nhằm thúc đẩy nền hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”, ông Abe nói.
Liên quan tới mối quan hệ giữa Nhật Bản và Australia, ông Abe cho rằng hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt.
“Do môi trường an ninh khu vực ngày càng phức tạp, quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng song phương giữa Nhật Bản và Australia cần được nâng lên một tầm cao mới”, ông Abe nhấn mạnh.
Minh Thu (lược dịch)