4 thứ trong bếp không được rửa đúng cách còn 'bẩn hơn bồn cầu'

Ẩm thực - Ngày đăng : 10:59, 22/11/2021

Đây là 4 vật dụng bẩn bậc nhất trong bếp, tiềm tàng nhiều mối nguy hại cho sức khỏe.

Việc chuẩn bị cho bữa cơm sum họp gia đình có thể là niềm vui, nhưng khi dọn dẹp căn bếp sau đó lại khiến ai cũng phải ái ngại. Lúc này, có một số vật dụng "quen mặt" trong nhà bếp nếu chỉ vệ sinh qua loa sẽ ẩn chứa hàng triệu vi khuẩn gây bệnh.

Dưới đây là 4 vật dụng bẩn bậc nhất trong bếp, tiềm tàng nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Các bà nội trợ cần vệ sinh đúng cách kẻo rước bệnh cho gia đình.

4 thứ trong bếp không được rửa đúng cách còn bẩn hơn bồn cầu-1

1. Miếng xốp rửa bát

Miếng rửa chén - một thứ nhà nào cũng dùng hàng ngày để vệ sinh bát đĩa sạch sẽ, không ngờ lại là nơi vi khuẩn "thích" tụ tập nhất. Một nghiên cứu chỉ ra, miệng rửa bát bẩn gấp 200.000 bồn cầu và gấp 20.000 lần khăn lau bếp.

Tất nhiên bạn có thể đun sôi hoặc hoặc dùng lò vi sóng để diệt vi khuẩn miếng xốp rửa chén. Nhưng sự thật là rất khó có thể làm sạch tất cả các lỗ nhỏ bên trong miếng xốp này.

Chính vì thế, bạn nên thường xuyên thay thế miếng xốp rửa bát. Nên chọn miếng rửa chén bằng vải vì vi khuẩn không bám dính như ở miếng xốp, hoặc sử dụng khăn giấy, dùng xong vứt đi.

2. Đũa gỗ

Đũa gỗ là vật dụng phổ biến trong các gia đình. Tuy nhiên, nếu để đũa trong môi trường ẩm ướt lâu ngày,không có đủ ánh sáng mặt trời để khử trùng, đây lại là thứ dễ sinh ra độc tố aflatoxin.

Aflatoxin sau khi đưa vào cơ thể người sẽ được gan giải độc và chuyển hóa trực tiếp. Lúc này sẽ làm tăng gánh nặng cho gan.

Đây là chất gây ung thư bậc 1. Vậy nên hãy thay đũa gỗ thường xuyên, tốt nhất 3 tháng/lần và để nơi khô ráo, thoáng đãng.

4 thứ trong bếp không được rửa đúng cách còn bẩn hơn bồn cầu-2

3. Thớt gỗ

Thớt gỗ cũng giống như đũa. Độ ẩm trong rau, thịt lớn nên khi cắt thái trên bề mặt thớt dễ khiến vật dụng này bị ướt, dễ trầy xước.

Độc tính của aflatoxin sản sinh, lại không thể bị phá hủy hoàn toàn dù ở nhiệt độ cao. Chưa kể, khi thớt bị trầy xước, vi khuẩn sẽ trú ẩn trong các rãnh sâu đó, rất khó chùi rửa sạch sẽ.

Vì vậy, bạn nên phơi thớt trong nhà thường xuyên để giữ cho thớt khô ráo. Nên thay mới 6 tháng/lần.

4. Bồn rửa bát

Bồn rửa chén bát thực sự là một nơi "vô cùng kém vệ sinh". Nơi này hội tụ nhiều yếu tố để vi khuẩn sinh sôi như vụn thực phẩm, môi trường ẩm ướt.

Chúng ta cần chú ý vệ sinh bồn rửa bát thật kỹ càng. Tránh ngâm bát đũa lâu trong bồn.

An Chi
Theo Vietnamnet