Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 15-21/11: Tuần bận rộn của Tổng thống Mỹ, Belarus giúp 'hạ nhiệt' khủng hoảng di cư

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:46, 21/11/2021

Tổng thống Mỹ dự 2 cuộc gặp thượng đỉnh trong 1 tuần, cuộc khủng hoảng di cư dần hạ nhiệt, Nga 'cau có' trước Mỹ... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm trực tuyến sáng 16/11. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến sáng 16/11. (Nguồn: Reuters)

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung

Như dự đoán ban đầu, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong ngày 16/11 đã không đạt được nhiều đột phá.

Vấn đề Đài Loan được cả hai nhà lãnh đạo quan tâm và là trọng tâm lớn xuyên suốt cuộc thảo luận kéo dài 3,5 tiếng.

Ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẽ tiến hành “các biện pháp cứng rắn” nếu Đài Loan thực hiện bất kỳ hành động đòi độc lập nào vượt quá lằn ranh đỏ mà nước này đã thiết lập. Đồng thời, ông cũng cảnh cáo chính quyền Mỹ không nên “đùa với lửa” khi ủng hộ nền độc lập của hòn đảo.

Đáp lại, ông Joe Biden khẳng định vẫn sẽ cam kết tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”, đồng thời “lên án bất kỳ nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc ảnh hưởng tới ổn định và hòa bình trên eo biển Đài Loan”.

Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định cả Mỹ và Trung Quốc đều có nghĩa vụ đảm bảo cuộc cạnh tranh giữa hai bên sẽ không “bùng phát thành một cuộc xung đột lớn”. Theo đó, ông kêu gọi sớm thiết lập một cơ chế giám sát chung nhằm kiểm soát hành vi của cả hai bên trong các vấn đề quan trọng, đặc biệt là Đài Loan.

Dù không đạt được nhiều kết quả cụ thể, đại diện cơ quan báo chí của hai nước đều khẳng định cuộc thảo luận đã diễn ra trên tinh thần tôn trọng, xây dựng, cởi mở và thẳng thắn.

Tổng thống Biden đã cố gắng xây dựng một mặt trận thống nhất với Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Nguồn: NY Times)
Tổng thống Biden cố gắng xây dựng một mặt trận thống nhất với người đồng cấp Mexico Andrés Manuel López Obrador và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Nguồn: NY Times)

Hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Mexico-Canada

Hôm 18/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp người đồng cấp Mexico Andrés Manuel López Obrador và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại thủ đô Washington D.C., trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ (NALS).

Trong cuộc thảo luận diễn ra tại Nhà Trắng, những chủ đề được các nhà lãnh đạo quan tâm bao gồm: Di cư, an ninh, thương mại, khí hậu và dịch bệnh.

Tuyên bố chung sau hội nghị nhấn mạnh: “Dưới mái nhà chung Bắc Mỹ, chúng ta sẽ luôn tồn tại vững mạnh cũng như hướng tới xây dựng tốt hơn cộng đồng, cơ sở hạ tầng và tương lai chung, với tư cách là những đối tác toàn diện”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều khẳng định, hội nghị vẫn chỉ mang tính biểu tượng và chưa tìm ra được hướng giải quyết thực tế cho những vấn đề còn vướng mắc giữa ba bên, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và di cư.

Sau khi hội nghị kết thúc, Nhà Trắng đã công bố thông tin về những “kết quả quan trọng” đạt được giữa ba nước, trong đó bao gồm các cam kết của Canada và Mexico về việc đóng góp thêm cho quá trình phân phối vaccine toàn cầu, một kế hoạch chung toàn Bắc Mỹ về việc cắt giảm khí methan cũng như chiến lược chung nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Cả ba nhà lãnh đạo cũng đã đồng ý sẽ cùng gặp mặt tại Mexico trong năm sau.

Đây là lần đầu tiên NALS được tái khởi động kể từ năm 2016, sau nhiều năm bị hủy dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

(11.18) Câu chuyện biên giới Belarus-Ba Lan đang là vấn đề nhức nhối với EU. (Nguồn: AP)
Người di cư tại biên giới Belarus-Ba Lan. (Nguồn: AP)

Khủng hoảng di cư Ba Lan-Belarus đạt được tiến triển tích cực

Ngày 16/11, tình trạng bạo lực đã bùng phát tại biên giới Ba Lan-Belarus khi người di cư ném đá vào lực lượng biên phòng Ba Lan và bị đáp trả bằng vòi rồng, hơi cay.

Bộ Quốc phòng Ba Lan ngày 18/11 thông báo các lực lượng của nước này đã bắt giữ một nhóm khoảng 100 người di cư đang cố vượt biên từ lãnh thổ Belarus trong đêm.

Cùng với Liên minh châu Âu (EU), các ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng lên tiếng hối thúc nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng di cư này do đang gây rủi ro tới tính mạng của nhiều người.

Do vậy, Belarus đã đưa ra đề xuất giải quyết cuộc khủng hoảng, theo đó, EU sẽ tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác.

Cùng ngày, Minks thông báo đã dỡ bỏ các khu lán trại tị nạn chính của người di cư ở biên giới với Ba Lan. Động thái này được cho là nhằm "hạ nhiệt" cuộc khủng hoảng trong những tuần gần đây giữa Belarus và EU.

Mỹ đang cân nhắc các lựa chọn nhằm gia tăng sức ép, bao gồm quy định hạn chế chặt chẽ hơn đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. (Nguồn: Reuters)
Iran tiếp tục hứng chịu lệnh trừng phạt mới từ Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran

Trong ngày 18/11, Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng nhằm vào hai cá nhân người Iran được cho là đã khởi xướng một chiến dịch “truyền tin giả và đe dọa” để gây ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Theo các bản cáo trạng, Mohammad Hosein Musa Kazemi, 24 tuổi, và Sajjad Kashian, 27 tuổi, đã thực hiện một chiến dịch trên mạng nhằm “đe dọa và ảnh hưởng đến các cử tri Mỹ, khác làm suy yếu lòng tin của cử tri và gây mối bất đồng”.

Cùng ngày, Bộ Ngân khố Mỹ cũng tuyên bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào hai cá nhân nêu trên và ba người khác có liên quan, tất cả đều đang làm việc cho một công ty mang tên Emennet Pasargad.

Bản cáo trạng và lệnh trừng phạt không nhắm vào chính phủ Iran, nhưng có khẳng định công ty kể trên đã từng làm việc cho chính quyền nước Cộng hòa Hồi giáo.

Một ngày sau khi Washington đưa ra các quyết định trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố trên trang Twitter cá nhân: “Iran lên án những lệnh trừng phạt mới của Mỹ, như một nỗ lực tuyệt vọng và phi pháp nhằm tiếp nối chính sách cưỡng ép vốn đã thất bại dưới thời ông Trump”.

Tòa nhà nơi đặt văn phòng đại diện của đảo Đài Loan ở thủ đô Vilnius, Litva hôm 18/11. Ảnh: AFP.
Tòa nhà nơi đặt văn phòng đại diện không chính thức của đảo Đài Loan ở thủ đô Vilnius, Lithuania. (Nguồn: AFP)

Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Lithuania

Trong ngày 18/11, Đài Loan (Trung Quốc) thông báo đã mở cơ quan đại diện không chính thức (de facto) tại Lithuania, đồng thời cũng là cơ quan đại diện mới nhất của hòn đảo được thiết lập tại châu Âu sau hơn 18 năm.

Vào hồi tháng 7, chính phủ Lithuania tuyên bố đã đồng ý cho phép chính quyền hòn đảo mở một văn phòng đại diện sử dụng tên “Đài Loan”, thay vì “Đài Bắc” như các trụ sở cơ quan đại diện khác tại Mỹ và châu Âu.

Phản ứng trước động thái trên của Vilnius, Bắc Kinh đã lên tiếng “đề nghị phía Lithuania ngay lập tức rút lại quyết định sai lầm này”.

Đồng thời, Trung Quốc cũng lên án hành động thiết lập cơ quan đại diện của chính quyền đảo Đài Loan là một “bước đi hết sức nghiêm trọng”, cảnh báo bất kỳ động thái nào nhằm tìm kiếm độc lập cho Đài Loan đều "chắc chắn sẽ thất bại".

Nga sử dụng tên lửa bay thẳng vào không trung (ASAT) hôm 15/11 để phá hủy một vệ tinh quay quanh quỹ đạo COSMOS 1408 của nước này. (Nguồn: EPA)
Nga sử dụng tên lửa bay thẳng vào không trung (ASAT) hôm 15/11 để phá hủy một vệ tinh quay quanh quỹ đạo COSMOS 1408 của nước này. (Nguồn: EPA)

Nga chỉ trích cáo buộc của Mỹ về vụ thử tên lửa chống vệ tinh

Trong thông cáo đưa ra vào ngày 16/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc phía Nga đã "liều lĩnh thực hiện cuộc thử nghiệm phá hủy vệ tinh của chính mình, sử dụng tên lửa diệt vệ tinh phóng từ mặt đất (DA-ASAT) hôm 15/11. Vụ thử đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ có thể theo dõi, cùng hàng trăm nghìn mảnh vụn nhỏ hơn".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng tuyên bố, cuộc thử nghiệm là "liều lĩnh", động thái này đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều mảnh vụn rác vũ trụ.

Đồng thời, Lầu Năm Góc nhận định, vũ khí chống vệ tinh do Nga phát triển có thể gây ra mối đe dọa đối với Mỹ và các cường quốc không gian khác.

Phản ứng trước động thái của Mỹ, hãng thông tấn nhà nước RIA cho biết, Nga xác nhận đã tiến hành vụ thử tên lửa nói trên nhằm vào một vệ tinh không còn sử dụng của nước này trên quỹ đạo.

Phát biểu trong buổi họp báo tại thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra nhận định rằng: "Việc Mỹ chỉ trích Nga gây rủi ro đối với mục tiêu sử dụng không gian một cách hòa bình là không có bằng chứng".

Ông Lavrov cũng cho rằng, Washington đã phớt lờ đề xuất từ phía Moscow và Bắc Kinh về việc thiết lập thỏa thuận chung nhằm kiểm soát vũ khí trong không gian.

Các quan chức thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã thảo luận thêm về vụ thử trong chuyến thăm và làm việc tại Moscow vào ngày 17/11.

Hamas shock khi Liên minh châu Phi cấp quy chế quan sát cho Israel
Hamas bị Anh coi là một tổ chức khủng bố.

Anh liệt Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố

Ngày 19/11, Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel thông báo trên Twitter rằng, nước này chính thức đưa toàn bộ Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố. Trước đó, vào năm 2001, chỉ cánh quân sự của tổ chức này mới bị London liệt vào danh sách khủng bố.

Theo dự kiến, sau khi được Quốc hội Anh thông qua trong tuần tới, đạo luật này sẽ hình sự hóa việc trở thành thành viên của Hamas hoặc bày tỏ sự ủng hộ công khai đối với nhóm này, với hình phạt tối đa cho tội danh này là 14 năm tù.

Được biết, các quyết định cuối cùng đã được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Israel Naftali Bennett và người đồng cấp Anh Boris Johnson hồi đầu tháng bên lề Hội nghị thượng đỉnh COP26.

Bày tỏ sự hoan nghênh đối với quyết định của Anh, Thủ tướng Israel cho biết, việc này đã “đánh dấu một thắng lợi ngoại giao cho chính phủ của ông".

Trong khi đó, tổ chức Hamas đã phản ứng giận dữ với động thái trên từ London.

Ly Lê