Từ vụ sát hại chủ nợ, đốt xác phi tang: Bi kịch của việc "vay dễ - đòi khó"
Xã hội - Ngày đăng : 09:24, 21/11/2021
Con nợ sát hại chủ nợ để "xù" tiền
Vừa qua, vụ án vợ chồng đối tượng Cao Tài Năng và Vũ Thị Mừng (Hải Dương) sát hại chủ nợ, rồi đốt xác phi tang đã gây bức xức dư luận. Nguyên nhân xuất phát từ việc vợ chồng Cao Tài Năng có vay của anh Dương Công Cường hơn 7,2 tỷ đồng. Sau đó, vợ chồng Năng trả được hơn 4,2 tỷ đồng, số tiền còn lại xin khất nhưng anh Cường không đồng ý.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/11/2020, anh Cường đến cửa tiệm thuốc của vợ chồng Năng tại 126 Nguyễn Thượng Mẫn, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) để đòi nợ thì bị Năng điều lên gác, dùng thanh gỗ đánh chết. Sau khi gây án, Năng đã kể với vợ, hai vợ chồng Năng đã mang xác nạn nhân đi chôn và hơn hai tháng sau, lo sợ bị lộ, vợ chồng đối tượng lại đào xác nạn nhân lên để đốt, rồi đập vụn ra nhằm xóa dấu vết.
Với tội ác dã man nói trên, TAND tỉnh Hải Dương đã tuyên án tử hình với Cao Tài Năng về các tội: Giết người, Cướp tài sản và Xâm phạm thi thể, hài cốt; 6 năm 6 tháng tù giam với Vũ Thị Mừng về tội Che giấu tội phạm và Xâm phạm thi thể, hài cốt.
Khi nghiên cứu về vụ án nói trên, chúng tôi lại nhớ đến một vụ sát hại chủ nợ khác xảy ra tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, TP Hải Phòng đầu năm 2020. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1995), chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại di động Lâm Oanh có địa chỉ ở xã Hồng Thái, huyện An Dương. Mọi người đã phát hiện thi thể anh Lâm đang bị đốt cháy trong một thùng phuy bằng nhựa hình trụ tròn màu xanh tại vườn nhà ông Phạm Văn Trường (SN 1971), ở thôn Tràng Nhuệ, xã Lê Lợi.
Tiến hành điều tra, cơ quan Công an đã xác định đối tượng gây án là Phạm Ngọc Tuấn (SN 1996), con trai của ông Trường. Sau khi gây án, Tuấn đã bỏ trốn khỏi địa phương. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng, Công an huyện An Dương và Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã phát hiện ra hướng trốn chạy của Tuấn là trên chiếc xe khách của nhà xe Hùng Long xuôi tuyến Móng Cái (Quảng Ninh) đi Sốp Cộp (Sơn La). Đến 3h ngày 23/2/2020, Tuấn đã bị các thành viên trong Ban Chuyên án phối hợp với Công an tỉnh Sơn La bắt giữ tại địa phận huyện Mai Sơn (Sơn La).
Tại cơ quan Công an, Tuấn khai nhận có vay của anh Lâm 6 triệu đồng tiền gốc và 800 nghìn đồng tiền lãi. Khoảng 12h30 ngày 22/2, anh Lâm đi xe máy đến nhà Tuấn để đòi nợ. Vì Tuấn không có tiền trả nên anh Lâm đã chửi Tuấn. Bực tức và muốn thoát món nợ, Tuấn đã xuống bếp lấy dao lên nhà sát hại anh Lâm, sau đó cho xác anh Lâm vào thùng phuy, kéo ra vườn đốt.
Cách đây 3 năm, vụ vợ chồng Nguyễn Hùng Dũng, Lê Thị Phương Oanh "bùng" nợ bằng cách đoạt mạng người cho vay tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cũng khiến dư luận rúng động. Phiên tòa xét xử lưu động sau đó đã tuyên Dũng mức án tử hình, còn Oanh mức án chung thân về 2 tội danh: Giết người và Cướp tài sản.
Kết quả điều tra xác định, Oanh vay số tiền 170 triệu đồng của bà Văn Thị Thanh Nga (45 tuổi, ngụ phường An Hải Tây).
Không muốn trả nợ, Dũng đã bàn với Oanh lên kế hoạch giết bà Nga để "xù" món nợ này. Sáng 20/6/2018, Oanh nhắn tin bảo bà Nga đến căn phòng thuộc khu chung cư C2 (quận Sơn Trà) của hai vợ chồng để nhận tiền nợ, mục đích để dụ nạn nhân vào bẫy. Trong lúc ngồi nói chuyện với Oanh ở phòng ngủ, bà Nga bị Dũng dùng dây dù siết cổ từ phía sau.
Sau khi bà Nga tử vong, vợ chồng Dũng dùng dây thép trói tay chân, dùng bao ni-lon đen trùm kín phần trên của nạn nhân rồi bỏ vào thùng xốp, lục túi xách nạn nhân lấy 5,6 triệu đồng, 3 điện thoại. Sau đó, các đối tượng lấy xe của nạn nhân đem đi gửi chỗ khác. Khoảng 1h ngày 21/6, Oanh cùng Dũng mang thi thể bà Nga ra cầu Mân Quang ném xuống phi tang.
Bi kịch "vay dễ - đòi khó"
Nhận định về các vụ án "xù" nợ bằng cách sát hại dã man chủ nợ nói trên, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, việc vay mượn tài sản của người dân là sinh hoạt bình thường, vì ai cũng có lúc khó khăn hoặc cần có khoản tài chính để chi tiêu, giải quyết công việc. Tuy nhiên, đây lại là nguồn cơn dẫn đến những sự việc phức tạp về an ninh trật tự. Từ chuyện vay mượn nợ nần mà ở nhiều địa phương trong những năm gần đây đã xảy ra không ít vụ án con nợ sát hại chủ nợ một cách dã man, gây hoang mang dư luận.
Có hai lý do chính dẫn đến việc người đi vay ra tay tàn bạo với chủ nợ. Thứ nhất có thể là do bức xúc tâm lý nhất thời của các bên phát sinh trong lúc đòi nợ. Khi người đi vay liên tục phá vỡ các cam kết, có biểu hiện chây ì không muốn trả các khoản nợ đến hạn, sẽ khiến người cho vay lo lắng, tức giận vì phải bỏ công, mất sức đi đòi… Những điều này đã tạo ra tâm lý ức chế khó giải tỏa cho chủ nợ.
Ngược lại, người bị đòi nợ cũng rất căng thẳng vì chưa có tiền trả, dù biết rõ mình có nghĩa vụ phải trả nợ. Mang trạng thái, tâm lý này đến gặp nhau, chỉ cần người vay vẫn không trả nợ, hoặc có những câu nói, hành động khiêu khích, thách thức, hoặc chủ nợ chửi bới, xúc phạm người vay… sẽ khiến sự bức xúc gia tăng từ hai phía. Để rồi, từ cãi vã đến xung đột bạo lực tại chỗ rất dễ xảy ra. Thêm nữa, một số con nợ đứng trước áp lực bị đòi nợ chọn cách hại người cho vay để chối bỏ nghĩa vụ thanh toán.
Chúng ta thường nói nhiều đến nguy cơ người vay bị chủ nợ gây áp lực, dùng vũ lực để đòi nợ, mà ít xem xét đến khía cạnh chủ nợ có thể trở thành nạn nhân do các tình huống phát sinh khi thu nợ.
Trên thực tế, khi đã rắp tâm lật lọng để chiếm đoạt số tiền đã vay, để chối bỏ trách nhiệm trả nợ, con nợ có thể đi đến quyết định sát hại chủ nợ. Lường trước những nguy cơ này có ý nghĩa rất quan trọng để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra đối với người đi đòi nợ.
Trong đó các kỹ năng nhận định tình huống, kiểm soát hành vi, biết cách sử dụng các công cụ hợp pháp để đòi nợ… rất quan trọng để ngăn ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra. Đồng thời, phải lên án, xử lý thật nghiêm những con nợ có hành vi đê hèn, vì vay không muốn trả nợ, mà sát hại chủ nợ để chối bỏ việc thanh toán.
Theo Hoàng Nhật
Công an nhân dân