Doanh nghiệp TP.HCM đang cần hỗ trợ khi F0 ở các khu công nghiệp gia tăng
Bất động sản - Ngày đăng : 08:05, 21/11/2021
Hơn 230.000 lao động của TP.HCM cũng đã quay lại làm việc, chiếm 80% tổng số lao động tại đây trước khi có dịch. Đến nay, hơn 96% lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM được tiêm 2 mũi vaccine. Tuy nhiên gần đây, số ca mắc COVID-19 ở đây vẫn gia tăng, doanh nghiệp đang cần rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để không ảnh hưởng đến sản xuất.
F0 gia tăng, trung tâm cách ly quá tải
Gần 50.000 lao động của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K về phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế, doanh nghiệp luôn xét nghiệm định kỳ cho công nhân. Các phân xưởng sản xuất đều giãn cách, chia ca, tránh thời gian tiếp xúc nhiều... Tuy nhiên, số ca nhiễm bệnh tại công ty vẫn gia tăng, có ngày đến 25 ca F0, khiến doanh nghiệp gặp lúng túng khi xử lý. UBND quận Bình Tân yêu cầu doanh nghiệp này tổ chức trung tâm thu dung, cách ly tại chỗ với quy mô khoảng 200-300 giường. Nhưng điều này khó thực hiện vì công ty không có nhân lực y tế, cơ sở vật chất và mặt bằng không đảm bảo cho việc tổ chức khu cách ly, thu dung tại chỗ.
Bà Lê Diệu Thúy, Giám đốc điều hành đối ngoại và truyền thông Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết: “Các khu cách ly tập trung đều là trường học thì đã trả lại hết, giờ không có chỗ. Công ty thì không có con người và địa điểm để tổ chức khu cách ly F0 tại chỗ, không có ai chăm sóc mấy trăm F0 không có triệu chứng, mình quản lý thế nào? Những công nhân khác ở công ty cũng lo ngại”.
Từ ngày 1/10 đến nay, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao của TP.HCM có hơn 3.700 ca F0. Số ca F0 tăng nhanh từ giữa tháng 10/2021 đến nay. Hiện mỗi ngày ở đây có khoảng 100 ca bệnh. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý nhanh F0, Khu Công nghệ cao thành phố đã thành lập trung tâm cách ly, điều trị COVID-19 tại nội khu, đây cũng là mô hình đầu tiên trong cả nước. Trung tâm này tiếp nhận cách ly và điều trị những F0 nhẹ, không có triệu chứng. Kinh phí hoạt động do doanh nghiệp đóng góp với sự tham gia của y tế tư nhân.
Ông Đặng Văn Chung, Phó Chi Hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết: Khi có ca F0, doanh nghiệp chủ động xử lý nhanh, có thể đưa ngay F0 đến trung tâm này, thay vì trước đây phải chờ đợi y tế địa phương đến xử lý rất lâu. Ở đây, người lao động yên tâm cách ly điều trị bệnh với cơ sở vật chất khá đầy đủ. Đồng thời, doanh nghiệp có thể bóc tách F0, không ảnh hưởng đến sản xuất và tâm lý người lao động. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tuần hoạt động, trung tâm đã sử dụng gần hết công suất. Nếu số ca nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng thì trung tâm này không thể đáp ứng đủ nhu cầu.
“Với quy mô của khu cách ly tập trung của khu công nghệ cao sử dụng gần đạt công suất 200 gường, nếu vượt số ca bệnh này thì chúng tôi không nhận thêm được nữa và phải nhờ hệ thống y tế của TP.Thủ Đức hỗ trợ” - ông Đặng Văn Chung nói.
Không còn đất trống để làm khu cách ly
Để chủ động chống dịch bệnh trong tình hình mới, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) đã thành lập thêm Khu thu dung và điều trị COVID-19 ở Khu khu chế xuất Linh Trung 2, TP.Thủ Đức với 260 giường bệnh. Hepza cũng đã làm việc với chủ đầu tư để thành lập Khu cách ly tập trung tại Khu công nghiệp Đông Nam ở huyện Củ Chi, Khu cách ly tập trung ở Khu công nghiệp Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè… và đang tiếp tục rà soát những nơi có đủ điều kiện để phối hợp, sớm thành lập thêm các khu cách ly tập trung.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, cái khó hiện nay là vấn đề cơ sở vật chất: “Có nhiều khu công nghiệp không đủ điều kiện cơ sở vật chất thành lập khu cách ly tập trung, mặt bằng nhỏ hẹp, doanh nghiệp cho thuê không còn chỗ trống. Doanh nghiệp bên trong không đồng ý tổ chức khu cách ly bên trong khu công nghiệp. Ban quản lý cũng đề nghị thành phố giữ lại 1 khu cách ly chung của thành phố để đưa công nhân người lao động vào đó khi có ca nhiễm”.
Để giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý khi nơi sản xuất có nhiều ca F0, Sở Y tế thành phố đang có kế hoạch triển khai tập huấn, hướng dẫn và diễn tập các tình huống.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Quy trình xử lý F0 ở các cơ sở sản xuất cũng có một số điểm mới, khác với trước đây, nên tôi đề nghị với Hepza phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức diễn tập ở 1 số doanh nghiệp để rút kinh nghiệm và xem đây là quy trình triển khai cho doanh nghiệp để họ theo dõi dễ hơn”.
Trước tình hình số ca COVID-19 gia tăng, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất TP phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các trung tâm y tế để tăng cường phòng chống dịch bệnh và xử lý F0.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế thành phố rà soát lại quy trình xử lý F0, vì thời gian qua có một số F0 từ doanh nghiệp về nhà tự cách ly, nhưng vài ngày sau mới đến y tế phường khai báo, nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
“Chúng ta cần phải làm thêm những khu cách ly ở nội khu. Thứ hai là liên kết với hệ thống các bệnh viện để trong trường hợp cần thiết, chuyển viện sớm đối với các ca diễn tiến nặng. Tất cả các khu cách ly hoặc điều trị ca F0 nhẹ đều phải liên kết với bệnh viện để có sự hỗ trợ về chuyên môn” - ông Dương Anh Đức yêu cầu.
TP.HCM xác định trong tình hình bình thường mới, công tác phòng, chống dịch bệnh phải thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả. Chính vì vậy, doanh nghiệp cũng luôn sẵn sàng các phương án vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất ngay khi có F0, vừa không để đứt gãy sản xuất. Điều này không chỉ cần doanh nghiệp tuân thủ tốt quy trình phòng, chống dịch bệnh theo quy định của thành phố mà cần có sự hỗ trợ của cơ quan y tế và chính quyền địa phương để xử lý kịp thời các ca mắc COVID-19, hạn chế lây lan và duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp./.