Doanh nghiệp vận tải hàng hóa tìm đủ cách xoay xở khi giá xăng dầu tăng cao

Bất động sản - Ngày đăng : 15:10, 20/11/2021

Giá xăng dầu đang ở mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay, khiến các ngành nghề gặp khó khăn. Trong đó, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TP.HCM đang tìm cách giảm chi phí để ổn định hoạt động sau dịch.

Nơi tăng giá cước, nơi giữ nguyên 

Khi giao thông được hoạt động bình thường trở lại, chưa kịp vui mừng, anh Phan Anh Tuấn– Giám đốc Công ty TNHH Vận tải hàng hóa Thiện Tuấn Vũ (quận Tân Bình) lại phải đối mặt với nhiều khó khăn. Giá xăng dầu tăng nhanh khiến cho chi phí vận tải tăng 30%. Thêm vào đó là chi phí test COVID-19 cho các tài xế khi đi tỉnh, trang bị nước sát khuẩn trên xe, phí sửa chữa bảo dưỡng phương tiện...  cũng tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, Công ty Thiện Tuấn Vũ vẫn quyết định giữ nguyên giá cước vận tải nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.

"Muốn tồn tại hoạt động được thì chấp nhận phải chạy với lợi nhuận của mình hạ thấp, nhưng mà lấy số lượng nhiều mình bù đắp lại. Thay vì trước mình lợi nhuận tới 40% thì tới giờ mình chỉ còn 15-17%" - anh Tuấn cho biết.

Còn Công ty TNHH Hậu cần lạnh Yoshida Sài Gòn (TP Thủ Đức) thì có hai cách giải quyết. Với khách hàng lâu năm, quan trọng, công ty ngồi lại với khách hàng để cùng tìm phương án cắt giảm chi phí. Còn với các khách hàng khác thì công ty buộc phải tăng 20% giá cước vận tải.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn– Trưởng phòng Kinh doanh công ty này cho biết: "Trước đây, hai đơn hàng thì cần phải ba xe tải đến lấy hàng đến TP.HCM. Nhưng mà bây giờ cho một xe xuống thôi, lấy hàng cho hai xe còn lại và lên trên này mình chia hàng ra. Cùng với đó sẽ kết hợp hai hoặc ba nhà cung cấp lại với nhau nếu như cùng một tuyến đường, cùng địa điểm nhận hàng và chi phí này sẽ được chia ra cho các nhà cung cấp".

Mong giá xăng dầu ổn định 

Ông Nguyễn Anh Dũng– Phó Giám đốc Công ty cổ phần thương mại vận tải Chấn Phát (Quận 1) cho rằng, khi giá xăng dầu tăng mạnh, người tiêu dùng trực tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cụ thể, khi giá xăng dầu tăng hoặc giảm, doanh nghiệp của ông phải điều chỉnh giá cước tương ứng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tùy theo loại xe, quãng đường di chuyển, hàng hóa vận chuyển… công ty có sự thay đổi giá khác nhau. Chi phí của các khâu khác trong chuỗi logistics cũng thay đổi tương tự và cuối cùng thì đều được cộng vào giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng: "Chi phí hãng tàu cũng tăng, một container đi qua Mỹ cách đây hai năm chưa tới 1000 USD thì bây giờ lên tới hơn 3000 USD. Doanh nghiệp cũng phải chịu chi phí đó thôi chứ đâu có thể nào mà ngưng việc cung cấp hàng hóa".

Theo ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, giá nhiên liệu chiếm khoảng 30-35% cước vận tải. Khi giá xăng dầu tăng cao, mỗi doanh nghiệp có giải pháp khác nhau và trong cùng một doanh nghiệp cũng có cách xử lý khác nhau đối với từng hợp đồng, từng khách hàng. Nhiều hợp đồng ngắn hạn không tính tới khả năng tăng giá xăng dầu thì buộc nhà cung cấp và người sử dụng dịch vụ vận tải phải thỏa thuận lại để hài hòa lợi ích của đôi bên.

"Với những khách hàng truyền thống, những hợp đồng chiến lược thì ký dài hạn và trong đó có thỏa thuận mức độ điều chỉnh. Thí dụ tăng trên 10% thì sẽ có những điều chỉnh tương ứng. Nhưng có những khách hàng vãng lai, lượng hàng ít, làm theo từng lúc từng đợt thì ít khi có điều chỉnh trong điều khoản mà phải xem xét cụ thể từng trường hợp, phải trao đổi thỏa thuận lại" - ông Chánh giải thích thêm.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cùng các doanh nghiệp mong muốn nhà nước có những chính sách ổn định giá xăng dầu trong thời gian dài.

Hiện nay, Bộ Công thương và Bộ Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Trong một năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần. Cụ thể, qua một năm, giá xăng RON 92 tăng tổng cộng 9.784 đồng/lít, RON 95 tăng tổng cộng 10.295 đồng/lít, tăng 41%. Như vậy, cước vận tải không thể điều chỉnh kịp với giá xăng dầu./.