Kỷ lục 2,4 tỷ USD/phiên: Cảnh báo khi ai cũng lãi đậm chứng khoán
Kinh doanh - Ngày đăng : 14:09, 20/11/2021
Kỷ lục lịch sử
Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến một phiên giao dịch lịch sử với tổng cộng hơn 56,3 nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng chỉ trong một phiên. Đây là mức cao kỷ lục và vượt xa phiên lịch sử 52 nghìn tỷ hồi đầu tháng 11.
Sức cầu tăng vọt trong phiên chiều khi áp lực chốt lời tăng lên và chỉ số VN-Index có lúc giảm tới 32 điểm. Thị trường biến động rất mạnh, nhiều mã chứng kiến sự chuyển đổi trạng thái mạnh mẽ, từ giảm sàn sang tăng trần.
Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm 17 điểm.
Kịch bản lặp lại giống như phiên 6/11. Áp lực bán chốt lời cùng với làn sóng bán tháo đã kéo chỉ số VN-Index mất hơn 45 điểm. Khi đó, sức cầu bắt đáy lớn giúp thanh khoản lần đầu tiên trong lịch sử đạt ngưỡng 2 tỷ USD/phiên.
Dòng tiền đổ mạnh vào khi thị trường được dự báo vẫn trong xu hướng đi lên trong bối cảnh Bộ Kế hoạch Đầu tư tính đến gói kích thích kinh tế quy mô lớn 800 nghìn tỷ. Trong khi đó, dòng tiền nhàn rỗi nhiều và các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức rất thấp, bất động sản chỉ sôi động ở một vài khu vực và thị trường vàng tăng giá nhưng không sốt nóng.
Mốc tỷ USD (hơn 23 nghìn tỷ đông) là mức thanh khoản rất cao nếu so với mức trung bình gần 6,2 nghìn tỷ đồng/phiên trong năm 2020 và khoảng 18 nghìn tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2021.
Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, từ đầu năm tới nay, người dân đã chuyển thêm hàng chục nghìn tỷ (khoảng 3 tỷ USD) vào đầu tư chứng khoán. Đây là con số rất lớn và nó cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu trong nước đối với thị trường cổ phiếu.
Với nhà đầu tư mới, đầu tư chứng khoán được xem là một kênh đầu tư ổn định. Thị trường chứng khoán có quy mô ngày càng lớn hơn và không còn là một kênh cho những nhóm nhỏ lướt sóng.
Dòng tiền dồn dập đổ vào chứng khoán Việt. |
Trong 10 tháng đầu năm, tổng cộng có hơn 1,1 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, bằng tổng số 3 năm trước đó cộng lại.
Chứng khoán Việt sôi động trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới cũng đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư. Dòng tiền nhàn rổi đổ vào lớn cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng của các tập đoàn lớn trên thế giới đã kéo các thị trường đi lên.
Cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều đang ở vùng đỉnh lịch sử. Trong đó, chỉ số công nghệ Nasdaq lần đầu vượt 16.000 điểm.
Rủi ro hiện hữu
Mặc dù tăng giá rất mạnh và có khả năng còn tăng nữa theo như dự báo của nhiều công ty chứng khoán nhưng thị trường cổ phiếu hiện tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Đại diện một công ty chứng khoán cho biết, hiện tại nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm tới 3 chữ cái, là mã của một cổ phiếu, chứ ở vào thời điểm này các chỉ số tài chính giờ không còn phản ánh đúng.
Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn có kết quả kinh doanh tốt trong 3 quý đầu năm bất chấp đại dịch. Đây là yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu đi lên. Nhưng điều quan trọng nhất chính là dòng tiền lớn đổ vào thị trường. Nó giúp kéo giá nhiều cổ phiếu liên tục lập đỉnh cao mới từ đầu năm tới nay, nhiều mã tăng 5-7 lần.
Dragon Captial đưa ra kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 khả quan và đánh giá chứng khoán Việt Nam vẫn đang có định giá hấp dẫn. Theo đó, chỉ số P/E năm 2022 dự phóng ở mức 11 lần, một con số khá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.
Cũng theo Dragon Capital, dư nợ cho vay ký quỹ tiếp tục tăng và quay lại mức cao kỷ lục, cùng lúc các công ty chứng khoán đã hoàn thành việc tăng vốn, cho phép nhà đầu tư tận dụng đòn bẩy tích cực hơn.
Theo Dragon Capital, kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp niêm yết khá tích cực, bất chấp đợt giãn cách kéo dài. Lợi nhuận của nhóm DC Top 60 ghi nhận mức tăng 32% so với cùng kỳ. Bất chấp những biến động ngắn hạn, nhà đầu tư đang hướng tới sự phục hồi của nền kinh tế trong năm tới.
VN-Index trên vùng đỉnh lịch sử. |
Về vĩ mô, Dragon Capital đánh giá Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi khi các biện pháp giãn cách dần được gỡ bỏ.
Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cảnh báo về rủi ro trên thị trường chứng khoán. Rủi ro lớn nhất chính là dòng tiền khi bị thắt chặt có thể kéo thị trường xuống sâu. Trên thị trường có nhiều mã có dấu hiệu tăng nóng, tăng 5-7 lần, thậm chí cả chục lần nhưng kết quả kinh doanh yếu kém. Áp lực bán tháo có thể khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng thua lỗ nặng.
Trong phiên giao dịch kỷ lục 56 nghìn tỷ, thị trường chứng kiến hành động bán xả hàng quyết liệt của khối ngoại. Đây là phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp. Nhiều mã cổ phiếu trụ cột như Hòa Phát, VPBank, Vinamilk bị bán ròng hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp cũng đối mặt với khó khăn do thiếu hụt lao động hậu đại dịch Covid-19 khi mà người lao động rời bỏ các thành phố về quê. Thế giới cũng đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó có cuộc khủng hoảng năng lượng.
Đại dịch Covid diễn biến phức tạp. Các quốc gia châu Âu đang phải ứng phó số ca Covid-19 tăng và nhiều nước có thể phải đưa ra quyết định phong tỏa toàn quốc.
Ở vào thời điểm hiện tại, mức thanh khoản quá cao tiềm ẩn rủi ro bóng bóng. Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với những nước đầu khu vực nhưng thanh khoản ở mức cao hơn.
Tuy nhiên, nó cũng cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư vào thị trường cổ phiếu cũng như triển vọng nền kinh tế là rất lớn. Dragon Capital kỳ vọng các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế sẽ là cú hích cho tăng trưởng của Việt Nam trong 2 năm tới.
SSI Research cho rằng triển vọng các tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022 đã có phần khả quan hơn. Song đơn vị này cho rằng vẫn cần đợi dữ liệu tháng 11 để đánh giá đầy đủ xem mô hình phục hồi chữ V có được duy trì hay không và tiêm chủng sẽ là yếu tố then chốt cho việc mở cửa trở lại các ngành dịch vụ. SSI duy trì dự báo tăng trưởng GDP quý IV vào khoảng 3- 4% theo năm và tăng trưởng GDP cả năm vào khoảng 2,5% - 3%. GDP trong năm 2022 được dự báo sẽ hồi phục về mức 6,8%.
M. Hà