Cần vài trăm nghìn tỷ rót vào nhà xã hội, đại gia tiết lộ lý do chưa mặn mà
Kinh doanh - Ngày đăng : 19:10, 19/11/2021
Lợi nhuận thấp hơn nhiều nhưng thủ tục lại gần giống nhà thương mại
Tại tọa đàm "Phát triển nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp" ngày 19/11, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - thông tin về số liệu nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn này khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.
Trong đó, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng; còn nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Theo ông Hưng, giai đoạn vừa qua việc phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.
Trong đó cũng cần kể tới trách nhiệm các địa phương. Bởi thực tế một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp...
Bên cạnh đó theo ông Hưng, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu.
Từ sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, việc phân bổ nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội theo quy định pháp luật về nhà ở còn hạn chế; đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 27% nhu cầu giai đoạn 2016-2020.
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội, dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công do chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở xã hội ko tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nhà ở xã hội.
Ngoài ra theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, còn một số nguyên nhân khác đến từ quy định hiện hành. Ngoài ra vẫn chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nhân.
Thảo luận tại tọa đàm, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec, cũng cho rằng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư ở phân khúc này.
"Hầu hết doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do các chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đã ban hành chưa đủ hấp dẫn", đại diện Shinec cho hay.
Đáng lưu ý theo vị này, thực tế, quy trình đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác nhà ở thương mại là bao, trong khi giá bán và lợi nhuận mang về lại thấp hơn nhiều. Điều này theo ông Điệp, khiến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không mặn mà tham gia đầu tư.
Nhu cầu nhà ở cho công nhân hết sức cấp bách
PGS.TS Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - cũng cho biết, do quy mô lớn, vốn đầu tư cao, nhưng thu hồi vốn chậm, hiệu quả thấp nên rất ít doanh nghiệp mặn mà đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi đó, vấn đề nhà ở, hạ tầng xã hội và đời sống công nhân trong khu công nghiệp đặt ra hết sức cấp bách.
Theo vị này, tỷ lệ lao động nhập cư hiện nay ở các khu công nghiệp khoảng trên 50%, địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%.
Hiện có khoảng 55% công nhân trong các khu công nghiệp tập trung phải thuê nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các khu công nghiệp, đa số là những dãy phòng cấp bốn, diện tích mỗi phòng chỉ rộng khoảng 9-10m2, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật kèm theo dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của người lao động.
Theo ông Hà Quang Hưng, vừa qua, Bộ Xây dựng đã có đề xuất gói tín dụng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2023.
Cụ thể, đề xuất bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các đối tượng quy định tại Khoản 1, 4, 5, 6, 7 Điều 49 Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là khoảng 10.000 tỷ đồng (Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiệm vụ huy động thêm 10.000 tỷ đồng nữa để cho các đối tượng nêu trên vay).
Bổ sung vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân.
"Trong thời gian qua Bộ Xây dựng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước, trong đó có nội dung về nhà ở xã hội (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang…). Trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ này", đại diện phía Bộ Xây dựng cho hay.
Nguyễn Mạnh