Xúc động tâm thư Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi thầy cô giáo nhân ngày 20/11
Xã hội - Ngày đăng : 17:46, 19/11/2021
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi tâm thư gửi đến các thầy cô giáo nhân ngày 20/11. |
Nội dung bức thư có tựa đề "Đại dịch và công việc của nhà giáo" do Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn viết, gửi tới các thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam:
Kính gửi các cô giáo, thầy giáo!
20/11, ngày của Nhà giáo chúng ta, tôi xin chúc toàn thể các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, những người làm việc trong ngành luôn mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc và thành công.
Năm nay, đại dịch đã làm thay đổi rất nhiều thứ. Những công việc mà chúng ta đang làm cũng thật khác biệt so với những năm trước. Chúng ta chúc nhau cùng làm thật tốt công việc, cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách và gặt hái thành công. Có những thành công có thể nhìn thấy ngay và cũng có những thành công chỉ có thể nhìn thấy trong thời gian tới. Ở thời điểm này, những điều có ý nghĩa nhất để nói cùng nhau chính là những điều liên quan tới học trò. Chúng ta sở dĩ được gọi là thầy bởi có các học trò, sự thành công của chúng ta không gì khác chính là ở sự thành công của học trò.
Đã qua thời gian rất dài, thầy trò không được tới trường. Chưa bao giờ một điều rất đỗi bình thường, giản dị là học sinh tới trường học lại trở nên khó khăn, thách thức đến vậy. Mong muốn tới trường vừa là của học trò, của phụ huynh, của thầy cô và của toàn xã hội. Và vì vậy, nếu ngày tháng nào đó bình yên, chúng ta được cùng các học sinh tới trường, đó sẽ là một ngày quý giá. Thầy và trò được cùng nhau dạy và học trực tiếp dưới mái trường là một giá trị. Lần đầu tiên chúng ta thấy được tới trường trực tiếp nghe trống trường, gặp nhau vui chơi là một điều rất quý. Chúng ta cần nói với học sinh về giá trị của việc được tới trường học tập, nói về giá trị của sự bình yên, để trong lòng các em còn mãi cảm xúc và thái độ nâng niu, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống.
Chúng ta không ngần ngại phải nói cho học trò sự khốc liệt của đại dịch, để học trò hiểu và biết cách phòng tránh. Và khi nhắc tới đại dịch vừa qua, tới sự tàn phá khốc liệt của nó, chúng ta cần lưu ý học trò dành một phút tĩnh lặng trong tâm để nghĩ đến và mặc niệm cho các nạn nhân, những người đồng bào của chúng ta đã thiệt mạng vì đại dịch trong thời gian qua. Chúng ta cần làm giàu thêm cho học sinh lòng xót thương, đồng cảm và chia sẻ.
Cho tới tận ngày hôm nay, sau những cố gắng vượt bậc, sự gồng mình của toàn xã hội, sự hy sinh của rất nhiều người, dịch đã tạm lắng xuống ở nhiều nơi, nhưng cuộc sống vẫn chưa thực sự bình thường. Các y bác sĩ đã vô cùng cực nhọc, không quản hy sinh cả tính mạng, không ngại sự gian khó cùng cực để lo cứu chữa cho con người, các chiến sĩ công an, những người lính bộ đội cụ Hồ đã tham gia chống dịch và nhiều người đã hy sinh. Trong những bài giảng hàng ngày, chúng ta cần bồi đắp cho học sinh lòng biết ơn và tinh thần sẵn sàng hy sinh, gánh vác trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng, điều đó cần ngay hôm nay và lúc này, mà không đợi tới khi học sinh đã trưởng thành.
Nhân loại đang trải qua những ngày tháng khó khăn chưa từng có do sức tấn công của dịch bệnh. Sự sống của con người chưa bao giờ mong manh đến thế. Một loại virus vô cùng nhỏ bé nhưng có sức tàn phá ghê gớm và sức hủy diệt khôn lường. Sự sống của hàng nghìn con người bị cướp đi chỉ trong một thời gian ngắn, khiến chúng ta thấu hiểu và cảm nhận được đầy đủ, sinh động hơn giá trị thiêng liêng, giá trị trên hết của sự sống, sự sống con người. Chúng ta cần dạy cho học sinh hiểu được giá trị của sự sống và tình yêu cuộc sống.
Cũng chính trong cơn hoạn nạn, trong cuộc sống cam go chống lại dịch bệnh, chúng ta lại thấy sáng lên những giá trị cao đẹp của toàn thể con người và của đồng bào người Việt Nam ta. Có biết bao câu chuyện về sự trợ giúp hỗ trợ cho đồng bào trong cơn hoạn nạn, tương thân tương ái. Đó là những việc giúp nhau tự nguyện, vô tư mà thường ngày còn ít có cơ hội bộc lộ. Dịch bệnh dạy cho chúng ta hiểu sâu sắc thêm rằng: con người không tồn tại đơn lẻ, biệt lập, con người cần biết cách chung sống với nhau và biết chia sẻ, tương thân tương ái hỗ trợ nhau tạo thành khối đoàn kết, nhỏ là làng xã, là cộng đồng, lớn là một địa phương và cả dân tộc Việt Nam, rộng hơn nữa là cộng đồng nhân loại. Chúng ta cũng thấu hiểu về bài học sống hài hòa của con người với tự nhiên, với vũ trụ. Những bài giảng của các thầy cô cần khơi dậy và giúp các em tạo dựng thái độ và kỹ năng biết cách chung sống và chia sẻ, cưu mang, đùm bọc.
Dịch bệnh là một sự thử thách lớn với toàn nhân loại. Có vô số việc đau thương do dịch bệnh đã gây ra, nhiều nghìn người mất người thân, hàng nghìn trẻ em mồ côi, nhiều người không nơi nương tựa, nhiều người mất việc làm, cuộc sống lâm vào khó khăn. Trong sự khó khăn ấy, chúng ta nhìn thấy những sự đùm bọc, chia sẻ, dang tay trợ giúp cưu mang, lá lành đùm lá rách, tương thân tương trợ. Chiến thắng được dịch bệnh, khắc phục được những hậu quả nặng nề mà nó để lại trên phương diện xã hội và con người là rất lâu dài. Trong các nguồn sức mạnh, có một sức mạnh lớn lao, không đo đếm được, nhưng vô cùng mạnh mẽ để cộng đồng con người vượt qua muôn gian lao, đó là sức mạnh của tình yêu thương. Mỗi bài học hàng ngày mà chúng ta thực hiện cho học sinh, phải là những bài học làm khơi dậy, vun đắp và làm lớn thêm tình yêu thương. Sức mạnh vô địch của một cộng đồng chính là sức mạnh của tình yêu thương của con người.
Cuộc chiến chống đại dịch và những nguy cơ khác mà con người đang và sẽ đối mặt là những cuộc chiến phi truyền thống và mang tính công nghệ cao. Chỉ có một nền khoa học, công nghệ và kỹ thuật phát triển, một nền kinh tế hùng mạnh, một hệ thống quản trị điều hành đất nước hiện đại và khoa học mới có thể giúp đất nước Việt Nam ta đảm bảo cuộc sống bình yên, bền vững lâu dài, ứng phó với mọi nguy cơ, cứu con người khỏi thảm họa. Các thầy cô, hơn ai hết, qua công việc dạy học của mình hôm nay, từng bước, từng bước phát triển các năng lực, kỹ năng, tầm nhìn của học sinh để dần dần chuẩn bị cho các em trở thành nguồn nhân lực có thể phát triển được khoa học công nghệ kỹ thuật và phát triển mọi tiềm lực của đất nước, làm cho đất nước trở nên giàu mạnh. Giúp cho học sinh có khát vọng, có đầy đủ năng lực cần thiết là việc mà nhà giáo cần phải ráo riết thực thi lúc này.
Dịch bệnh khiến việc dạy và học cần hết sức linh hoạt, linh hoạt để điều chỉnh, để ứng phó với các tình huống phức tạp. Đối với toàn ngành, linh hoạt thích ứng là một năng lực của ngành, thích ứng với các hoàn cảnh là năng lực của từng cá nhân. Chúng ta cần dạy cho học sinh năng lực thích ứng, khả năng linh hoạt nhưng lại phải biết giữ nguyên tắc và kiên trì theo đuổi cái ổn định lâu dài. Cần dạy cho học sinh biết cách học và đặc biệt là cách tự học. Đó là phương pháp vạn năng để học và trưởng thành trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay.
Trong công việc dạy học, chúng ta cần làm rất nhiều việc, chúng ta cần thực thi các công việc bình thường theo chức trách, nhưng dịch bệnh đã đặc biệt lưu ý chúng ta về những việc cần làm, cần ưu tiên trong việc dạy học trò. Muốn khơi dậy, phát triển, tạo dựng các năng lực và phẩm chất của học sinh như nói ở trên, trước tiên nhà giáo chúng ta phải có đầy đủ và có ở chiều sâu những điều đó trước. Với những gì mà nhà giáo cả nước đã thể hiện, đã làm được trong thời gian qua, tôi hoàn toàn có thể tin tưởng chúng ta sẽ làm tốt sứ mệnh của mình. Thực hiện được những điều đó, chúng ta, một cách tự nhiên tôn vinh thêm nghề nghiệp của mình. Nghề giáo là nghề cao quý, điều đó đã được xã hội ưu ái ghi nhận, việc của chúng ta là thể hiện nó một cách sinh động và cụ thể trong hiện thực.
Với cương vị là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tôi bày tỏ sự biết ơn đối với tất cả các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, đang hàng ngày lao động, sáng tạo, thực hiện trách nhiệm của ngành trước Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Xin được chúc mừng toàn thể các nhà giáo!
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn