Chuyện về những người thầy cần mẫn ngày ngày “gieo chữ” vùng cao

Xã hội - Ngày đăng : 13:05, 19/11/2021

Cùng chia sẻ khó khăn với những học sinh ở đâu đó, nơi những vùng cao hẻo lánh ngày ngày vẫn có những người thầy miệt mài, tận tụy dìu dắt bao thế hệ học sinh vững bước.

Hơn 30 năm “gieo chữ” cho học sinh nghèo

Thầy giáo Hoàng Phúc Gọn (SN 1970), giáo viên thuộc điểm trường xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được biết đến là người thầy đã dành gần 30 năm để dạy chữ cho trẻ em vùng cao.

Thầy Gọn kể, những năm trước đây cứ mỗi dịp năm học mới đến là nhiều học sinh theo bố mẹ lên nương làm rẫy kiếm thêm thu nhập, bỏ bê việc học hành.

Vì thế, thầy giáo như thầy Gọn phải đến từng nhà thăm hỏi những học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các bản xa, động viên bố mẹ cho các cháu đến lớp.

Đó là việc làm thường niên của thầy cô ở vùng cao với mong muốn để các em có thêm động lực để học tập.

Đường vào bản Thuôn - nơi thầy Gọn công tác xa xôi, hiểm trở cách trung tâm xã Đàm Thủy khoảng 16km. Mọi người phải đi qua con đường gồ ghề đá hộc, trơn trượt, nằm chênh vênh trên lưng chừng sườn núi, phía dưới là vực sâu đầy nguy hiểm.

Mỗi lần từ trong bản ra ngoài trung tâm xã tìm mua và chở sách vở về cho học sinh thầy Gọn phải vượt qua quãng đường mà xe chết máy liên tục, bụi tung mịt mù bốn phía, dưới là vực sâu hun hút.

Nói đến cơ duyên đến với nghề giáo, thầy Gọn cho hay: “Ngày còn đi học, tôi cũng đã từng trèo đèo, lội suối, đi hàng giờ trong rừng để đến với ánh sáng của những con chữ nên tôi thấu hiểu được sự nghèo khó, vất vả, thiệt thòi của những đứa trẻ vùng vùng cao.

Đó chính là lí do tại sao sau khi học xong tôi quyết về bản Thuôn công tác mặc dù biết nơi đây còn muôn vàn khó khăn. Người dân trong bản 100% là dân tộc Tày, cả bản hiện nay có hơn 20 hộ thì đã có 10 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Người dân trong bản tôi sống chủ yếu là nghề làm ruộng và vào rừng hái lâm sản và quan trọng là đa số người dân nơi đây mới chỉ học hết lớp xóa mù chữ”.

thay-giao2.jpeg
Ngày 20/11, thầy Gọn cũng được học sinh dành tặng những bông hoa tươi thắm

Sau gần 30 năm công tác trong điểm trường lẻ, thầy Gọn đượcvề công tác tại điểm trường chính của xã Đàm Thủy, tuy kiện vật chất ở đây có khá hơn nhưng đa số vẫn là học sinh nghèo.

10 năm “gieo chữ” nơi chân núi Ngọc Linh

Hơn 10 năm qua, thầy Lê Văn Linh - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mường Hoong (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, Kon Tum) cũng cần mẫn “gieo chữa” nơi chân núi Ngọc Linh hùng vỹ.

10 năm, một khoảng thời gian không quá ngắn cũng không hẳn là dài, nhưng cũng đủ để thầy Linh cảm nhận được tình yêu của các em nhỏ vùng cao dành cho mình và không thể nào đo được nỗi nhớ, tình cảm của người vợ, các con trông ngóng ba về trong những ngày nghỉ.

Thầy Linh tâm sự, vợ chồng thầy có 2 cháu, 1 cháu 6 tuổi và 1 cháu 7 tuổi. Kể từ khi các cháu lọt lòng, số lần thầy Linh ngắm và trò chuyện với các con qua điện thoại nhiều hơn ngoài đời thực.

Bởi nhà thầy ở huyện Kon Rẫy, cách xã Mường Hoong - nơi thầy công tác gần 160 km, nếu trời đẹp thì đi mất một buổi, còn trời mưa thì việc về nhà là bất khả thi. Một người có tay lái “cứng” với kinh nghiệm 10 năm vượt núi như thầy Linh, đôi lúc cũng nản lòng khi nghĩ đến con đường nhầy nhụa vào ngày mưa.

Chính cái khắc nghiệt về khoảng cách địa lý đã khiến việc được ôm con vào lòng nhiều khi quá “xa xỉ” với ông bố trẻ 33 tuổi.

thay-giao1.jpg
Thầy Linh với hơn 10 năm "gieo chữ" tại chân nói Ngọc Linh

Thầy Linh kể, những ngày đầu đứa con lớn chào đời, thầy ở nhà với vợ được vài hôm rồi trở lại công tác, mọi việc chỉ biết trông cậy vào ông bà.

Ngày đấy, công nghệ chưa hiện đại như bây giờ, chỉ có thể trèo lên cao nhất để dò sóng, với hy vọng được nghe tiếng con gọi “i…o”, nghe lời động viên từ người vợ và nghe tiếng thở phào của ông bà. May mắn, vợ thầy Linh cũng là giáo viên nên thông cảm cho sự vất vả của chồng mình. Hậu phương vững chắc là động lực giúp thầy Linh vượt núi “gieo chữ” hơn 10 năm qua.

10 năm dạy học là chừng ấy năm chiếc xe máy cũ đi cùng thầy. Không ít lần chiếc xe bị hỏng giữa núi rừng hoang vu và thầy cũng trở thành thợ sửa xe bất đắc dĩ. Thầy Linh thổ lộ, trong cốp xe thầy có rất nhiều dụng cụ sửa xe cơ bản, hễ xe hỏng ở đâu là sửa ngay tại đấy, chứ lâu lâu mới có thời gian về thăm con mà hỏng xe dắt bộ thì mất hết cả ngày trời.

Về thăm con đã ít, thầy Linh chưa từng đón sinh nhật cùng các con được một lần. Thầy Linh tâm sự: "Những tháng có ngày sinh các con, các con cứ gọi hỏi dò “ba có về không”, tôi không dám hứa vì biết mình không về được. Vì ngoài thời gian dạy học, tôi còn phải cùng các giáo viên đi vận động học sinh ra lớp."

Ở vùng núi quanh năm mây mù bảo phủ, đời sống còn nhiều khó khăn, phụ huynh ít quan tâm đến chuyện học của con cái. Những tháng vào mùa vụ, con em theo ba mẹ lên rẫy làm nên thường xuyên vắng học, thầy cô phải vất vả tìm đến tận nhà, ngồi chung mâm cơm với phụ huynh để vận động họ cho con đến trường cũng như nói về tương lai của việc học để các con phấn đấu học, sau này có cơ hội thoát nghèo.

Sau những lần chung mâm cơm, các phụ huynh cảm nhận được tình yêu của các thầy cô nên nhắc nhở con em đi học đều đặn hơn....

MINH AN