Nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát, cung ứng hàng hóa ra sao
Kinh doanh - Ngày đăng : 17:15, 18/11/2021
Hàng hóa vẫn khá đầy đủ
Những ngày qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị từ trước nên nhìn chung tình hình cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại nhiều địa phương vẫn ổn định, đáp ứng yêu cầu của người dân, Bộ Công Thương cho hay.
Bộ Công Thương cho biết tại TP.HCM tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày 17/11, đã có 175/234 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 74,7% (tương đương so với ngày 16/11). Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.031/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Đối với công tác mở lại chợ đầu mối, đến nay đã có 2/3 chợ đầu mối đã hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa. Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 17/11 giảm 4,4% so với ngày 16/11, ước đạt 2.947,6 tấn/đêm.
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố trong ngày 16/11 và sáng 17/11 giảm 1,3% so với ngày 15/11, ước đạt 7.890,5 tấn/ngày. Trong đó, lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 16/11 ước đạt 1.345 tấn/ngày. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại).
Tại tỉnh Vĩnh Long tính đến hết ngày 15/11/2021, trên địa bàn tỉnh có 111/115 chợ truyền thống (đạt 96,5%) và 53 siêu thị và cửa hàng tiện lợi đang hoạt động (đạt 98%). Tình hình hoạt động kinh doanh tại các hệ thống phân phối cửa hàng Bách hóa xanh, Vinmart+, Siêu thị Coopmart và các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Các mặt hàng thiết yếu đủ đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng người dân.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phần lớn các cơ sở kinh doanh đã được phép hoạt động trở lại, việc lưu thông hàng hóa thuận tiện, nguồn hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú về nhãn hiệu, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, giá cả ổn định. Tại các chợ, các siêu thị, hệ thống Bách hóa xanh… sức mua bình thường. Giá thịt heo giảm từ 8.000-24.000 đồng/kg tùy loại, tương đương giảm từ 6%-17%. Hầu hết các cơ sở kinh doanh đã hoạt động nhưng người mua và lượng hàng bán ra không nhiều. Các cơ sở kinh doanh ăn uống vẫn chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ.
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.
TP.HCM lên kịch bản cung ứng hàng hóa nếu dịch tái bùng phát
Bộ Công Thương cho biết các địa phương cần có phương án chuẩn bị, không để chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn trong bất cứ tình huống nào. Bộ Công Thương cũng cho hay đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương có liên quan, tổng hợp, đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tại TP.HCM Sở Công thương TP.HCM cho hay để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân (khoảng 9,4 triệu người), UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Công Thương thường xuyên làm việc và đề nghị các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng dự trữ, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường sớm chuẩn bị sẵn phương án sản xuất “3 tại chỗ”, tăng cường dự trữ nguyên phụ liệu…
Tình hình mãi lực tại các hệ thống phân phối trong thời gian từ đầu tháng 10/2021 đến nay tăng trung bình 20 - 25% so với thời điểm trong đợt dịch lần thứ 4, đặc biệt trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 18, sức mua đã tăng cao hơn 40% so với ngày thường tại TP.HCM
Theo Sở Công Thương TP.HCM trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ đẩy mạnh sản xuất, tăng cường dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa tăng 50% so với kế hoạch sản xuất đã đăng ký, chiếm 50% - 60% thị phần.
Đồng thời, TP.HCM thường xuyên làm việc với các tỉnh thành khác để trao đổi, triển khai phương án chuẩn bị tốt nguồn cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho khu vực TP.HCM; chuẩn bị những kịch bản, phương án để đáp ứng và đảm bảo được lượng hàng hóa cung ứng. Theo đó, nguồn cung ứng được tập trung, đảm bảo từ các hệ thống phân phối lớn, với lượng hàng dự trữ ước đạt trên 1.600 tấn, đáp ứng đầy đủ và liên tục nhu cầu mua sắm của người dân.