Nợ lương bác sĩ, máy móc xếp xó, BV Tuệ Tĩnh vẫn sắm loạt thiết bị tiền tỉ

Tin Y tế - Ngày đăng : 16:01, 18/11/2021

Bệnh viện Tuệ Tĩnh (trực thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) mua sắm hàng loạt trang thiết bị y tế nhưng xếp xó, không sử dụng, đồng thời bệnh viện nợ lương cán bộ, y bác sĩ. Tuy nhiên, trong năm 2021, bệnh viện này tiếp tục phê duyệt kế hoạch mua sắm hàng loạt trang thiết bị mới, với giá trị lên tới hàng chục tỉ đồng.

Máy móc xếp xó, nợ lương nhân viên... vẫn sắm máy mới

Nhiều máy móc, trang thiết bị y tế của bệnh viện Tuệ Tĩnh không được sử dụng. Video: Thuỳ Linh

Báo Lao Động mới đăng tải loạt bài "Bệnh viện nợ lương, bác sĩ phải đi bán rau, ship hàng" phản ánh việc nhiều cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Bộ Y tế), bao gồm cả những trường hợp tham gia tuyến đầu chống dịch, bị nợ 50% tiền lương đã nhiều tháng qua.

Để kiếm thêm thu nhập, nhiều người phải tranh thủ bán rau, ship hàng sau giờ làm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó, bệnh viện này cũng mua sắm hàng loạt thiết bị y tế tiền tỉ, nhưng xếp xó, không sử dụng đến. Theo phản ánh của các y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh, một chiếc máy điện não 34 kênh có giá hơn 300 triệu đồng, song, từ khi mua về đã nằm phủ khăn, chưa từng điều trị cho bất cứ bệnh nhân nào.

Theo phản ánh của y bác sĩ của bệnh viện, máy móc được bệnh viện Tuệ Tĩnh mua về rồi để không, nhiều đến nỗi... không có chỗ để. Có máy móc tiền tỉ nhưng được tận dụng làm chỗ treo quần áo cho nhân viên, hoặc được mang lên để ở sân thượng, phòng chứa rác thải nguy hại của bệnh viện...

Nhiều máy móc trang thiết bị y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh “đắp chiếu” không sử dụng
Nhiều máy móc trang thiết bị y tế của Bệnh viện Tuệ Tĩnh “đắp chiếu” không sử dụng.

Mặc dù rất nhiều thiết bị y tế được mua về vẫn chưa sử dụng đến, gây lãng phí, nhưng theo tìm hiểu của PV Lao Động, bệnh viện này vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch để mua sắm thêm hàng loạt thiết bị y tế đắt tiền khác. Riêng năm 2021, kế hoạch mua sắm mới với tổng số tiền đầu tư lên tới hơn 18 tỉ đồng (18.233.000.000 đồng).

Cụ thể, tại gói thầu có tên gọi "Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp trang thiết bị năm 2021 của Bệnh viện Tuệ Tĩnh - Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam", bệnh viện dành 2,6 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Bao gồm: Máy chụp X-quang kỹ thuật số tổng quát (đơn giá 2,2 tỉ đồng) và một thiết bị khác với giá hơn 600 triệu đồng.

Cũng trong gói thầu nêu trên, Bệnh viện Tuệ Tĩnh mua sắm trang thiết bị xét nghiệm với giá 3.6 tỉ đồng, trong đó có các loại máy xét nghiệm như Real Time PCR tự động, máy ly tâm, máy điện giải đồ 5 thông số…

Danh mục
Năm 2021, bệnh viện này lại tiếp tục xây dựng kế hoạch mua sắm thêm hàng loạt thiết bị y tế đắt tiền với tổng số tiền đầu tư lên tới 18.233.000.000, trong khi hàng loạt thiết bị mua sắm trong 2 năm trước đó vẫn đang để không, còn y, bác sĩ thì bị nợ lương.

Đồng thời, Bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng chi hơn 750 triệu đồng để mua sắm máy xét nghiệm huyết học; chi hơn 2,8 tỉ mua trang thiết bị nội soi; chi 4,9 tỉ mua các trang thiết bị khác và 1,3 tỉ mua thiết bị bào chế dược.

Y bác sĩ "rất buồn" vì nghịch lý trang thiết bị y tế xếp xó nhưng vẫn muốn mua máy mới

Trao đổi với Lao Động về việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp tục mua sắm hàng loạt trang thiết bị mới, trong khi nhiều trang thiết bị đã mua từ trước nhưng không được sử dụng, dược sĩ Nguyễn Trung Sang (Khoa Dược - Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho biết: Nếu việc mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế phù hợp với nhu cầu sử dụng, để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, phục vụ cho sự phát triển của bệnh viện thì cán bộ nhân viên y tế hết sức ủng hộ, thậm chí còn rất vui mừng.

Thế nhưng, hiện nay, máy móc trang thiết bị thừa thãi, để đắp chiếu không dùng đến như vậy là hết sức lãng phí. "Chúng tôi hàng ngày nhìn thấy nghịch lý này và cảm thấy rất buồn" - dược sĩ Nguyễn Trung Sang ngậm ngùi.

Riêng tại khoa Dược, máy sấy dược liệu cũ trị giá hàng trăm triệu vẫn dùng được, có những lúc dùng không hết công suất nhưng bệnh viện lại mua thêm 1 máy sấy dược liệu mới.

"Sắm máy mới xong thì đến nay vẫn chưa lắp đặt và đưa vào sử dụng, đây là sự lãng phí rất lớn” - dược sĩ Sang cho biết.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về pháp lý

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - cho biết, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thực hiện cơ chế tự chủ theo Quyết định số 2218/QĐ-BYT ngày 4.6.2019 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, bệnh viện tự chủ trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về pháp lý, con người, tổ chức bộ máy và sự thống nhất. Đến nay, bệnh viện vẫn chưa kiện toàn được bộ máy lãnh đạo, tổ chức Đảng và Công đoàn riêng.

Chủ tịch Công đoàn Y tế cũng khẳng định: Vấn đề nợ lương cán bộ ở đơn vị sự nghiệp y tế chưa có trong tiền lệ.

Cường Ngô - Thuỳ Linh