Calidus B-350: Máy bay cường kích thế hệ mới của UAE
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:11, 18/11/2021
Điểm nhấn của triển lãm
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện đang tổ chức Triển lãm hàng không quốc tế Dubai Airshow-2021. Một trong những điểm nhấn của sự kiện này là việc giới thiệu tới khách hàng dòng máy bay tấn công động cơ phản lực cánh quạt B-350 của tập đoàn Calidus LLC. Khác với các phương tiện cùng loại, B-350 có kích thước và trọng lượng lớn hơn, do đó có thể gia tăng tải trọng chiến đấu nhiều hơn đáng kể.
Tập đoàn Calidus LLC đã triển khai dự án chế tạo dòng máy bay tấn công động cơ phản lực cánh quạt trong một thời gian dài. Năm 2017, tập đoàn này đã trình làng chiếc máy bay B-250 đầy hứa hẹn, và sau đó đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên để tiến hành sản xuất hàng loạt.
Điều gây tò mò là việc trực tiếp phát triển và chế tạo chiếc máy bay B-250 được thực hiện bởi công ty Novaer của Brazil và các nhà thầu phụ khác, trong khi Calidus LLC đóng vai trò là người khởi xướng, tổ chức và đầu tư. Có thể nhờ cách tiếp cận này đã dẫn đến thành công cho dự án, và nó được xây dựng kế hoạch phát triển tiếp theo.
B-350 là dòng máy bay tấn công hiệu quả các mục tiêu mặt đất trong xung đột cục bộ. Ảnh: Secretprojects.co.uk |
Cuối năm 2020, công ty Charvát Group của Séc lần đầu tiên đề cập đến dự án Calidus B-350 và tiết lộ một số chi tiết của máy bay thế hệ mới. Theo đó, Calidus B-350 sẽ là dòng máy bay huấn luyện chiến đấu đa năng và việc phát triển nó đang được thực hiện với sự hỗ trợ của chính phủ UAE. Một số tính năng thiết kế và thông số kỹ thuật đã được báo cáo. Cũng có thông tin cho rằng, Charvát tham gia vào dự án với tư cách là nhà phát triển khung gầm.
Buổi ra mắt chính thức của dự án B-350 diễn ra vào ngày 14-11, ngay ngày đầu tiên của triển lãm Dubai Airshow-2021. Nhà sản xuất đã giới thiệu mô hình đầy đủ của máy bay cường kích trong tương lai. Tất cả các thành phần của hệ thống giá treo bên ngoài được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau.
Theo tài liệu được công bố, trong tương lai gần, việc chế tạo chiếc B-350 đầu tiên sẽ được hoàn thành, và các cuộc thử nghiệm sẽ sớm bắt đầu. Nhà sản xuất máy bay của Séc thông báo, họ đã đặt hàng 3 bộ thiết bị hạ cánh cho nguyên mẫu máy bay mới.
Còn theo các điều khoản của hợp đồng, chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao sau 18 tháng. Sau khi kết thúc hợp đồng, 2 chiếc khác theo dự kiến sẽ được chế tạo trong vòng 1 năm rưỡi. Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ thông tin ngày ký thỏa thuận, nhưng nhiều khả năng đã diễn ra vào đầu hoặc giữa năm 2020.
Đặc tính kỹ thuật
Theo các công bố trước đây, Calidus B-350 là một máy bay huấn luyện chiến đấu đa năng. Một chiếc máy bay như vậy có thể được sử dụng để đào tạo phi công. Tuy nhiên, dựa theo các đặc điểm kỹ thuật, B-350 chủ yếu dùng để tấn công các mục tiêu mặt đất.
B-350 có thiết kế khí động học thông thường. Nó có thân dài khoảng 15m. Hệ thống đẩy được đặt ở phần mũi, và phía sau bố trí cabin 2 chỗ ngồi song song. May bay sử dụng kiểu cánh xuôi thấp, có nhịp dài hơn 16 m. Việc lắp ráp đuôi theo kiểu truyền thống. Thiết bị hạ cánh do tập đoàn Charvát phát triển, có thanh chống ở mũi và 2 thanh chính dưới cánh. Trọng lượng cất cánh tối đa đạt 9 tấn.
Cũng như chiếc B-250, khung máy bay B-350 gần như hoàn toàn làm bằng vật liệu tổng hợp. Đặc biệt, trọng lượng khung máy bay được giảm xuống, giúp cải thiện các đặc tính bay và tăng tải trọng chiến đấu. Máy bay B-350 được trang bị động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney Canada PW127, có công suất 2.600 mã lực. Hiệu suất bay vẫn chưa được tiết lộ.
Máy bay mang tất cả các thiết bị bay và liên lạc cần thiết trong 2 buồng lái. Có thể bố trí thiết bị theo các cabin khác nhau: Một là hoạt động hoa tiêu, và cái còn lại dành cho người điều khiển. B-350 sử dụng hệ thống quang - điện tử và máy đo khoảng cách được treo dưới thân. Nhờ đó, phi hành đoàn có thể tìm kiếm mục tiêu trong mọi thời điểm và sử dụng các loại vũ khí dẫn đường khác nhau.
Do có kích thước và khối lượng lớn nên việc tăng trọng tải và chất lượng chiến đấu được đảm bảo. Theo đó, có thể đặt 14 điểm treo vũ khí dưới cánh máy bay. Tải trọng tối đa của B-350 vượt quá 3.800kg. Máy bay có thể được trang bị tên lửa không điều khiển, tên lửa không đối không và bom dẫn đường, vốn đang được biên chế cho Không quân UAE.
Máy bay B-350 lớn hơn và nặng hơn đáng kể so với dòng B-250 trước đó. Đồng thời, chúng cũng có điểm khác biệt đáng kể ở khả năng chiến đấu. Cụ thể, máy bay tấn công B-250 có sải cánh 12 m và trọng lượng cất cánh xấp xỉ 6 tấn. B-250 chỉ có 7 điểm treo, với tổng sức chở 1,9 tấn được đặt dưới cánh và thân máy bay.
Dự án B-350 có thể được coi là một nỗ lực khác nhằm tạo ra loại máy bay tấn công hiệu quả các mục tiêu mặt đất trong các cuộc xung đột cục bộ. Dự án tích cực sử dụng các giải pháp và công nghệ hiện đại, giúp tăng đáng kể các đặc điểm chính và tăng hiệu quả chiến đấu.
Những ưu điểm chính của máy bay B-350 thế hệ mới liên quan đến việc tăng kích thước và trọng lượng tổng thể, cũng như sử dụng động cơ mạnh mẽ hơn. Tất cả những điều này làm cho máy bay có các đặc tính bay hiện đại, đồng thời cũng làm tăng tải trọng chiến đấu.
Theo đó, máy bay cường kích mới có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu hơn trong một lần xuất kích so với các phương tiện cùng loại, bao gồm cả dòng B-250 trước đó. Một điểm cộng lớn của B-350 là khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa và bom điều khiển hiện đại. Cải tiến quan trọng nhất của dự án B-350 là hệ thống quang điện tử tích hợp. Nhờ đó, khả năng rà soát, tìm kiếm và đánh bại mục tiêu tăng lên đáng kể.
Điểm hạn chế của các dự án B-350 và B-250 là khung máy bay làm bằng chất liệu composite. Thiết kế này không tương ứng với các chi tiết cụ thể đối với máy bay cường kích. Máy bay có nguy cơ thường xuyên bị hỏng hóc và có thể bị hư hại sau mỗi lần xuất kích. Đồng thời, các cấu trúc composite khác nhau trong quá trình bảo trì, sẽ làm phức tạp việc sửa chữa, phục hồi máy bay.
MINH TUẤN (theo Topwar)